Vào thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, là di tích lịch sử, văn hóa Nho học tiêu biểu bậc nhất của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Được thành lập từ thế kỷ XI, Văn Miếu - Quốc Tử Giám giữ vai trò là trung tâm thờ tự, giáo dục Nho học lớn nhất, nơi đào tạo ra hàng nghìn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước trong suốt thời kỳ phong kiến độc lập.
Văn Miếu được xây dựng theo kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Khuôn viên được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch vồ, được chia làm ba khu là Văn hồ, vườn Giám và khu chính là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam. Nhưng có lẽ di tích có giá trị bậc nhất ở đây là 82 tấm bia Tiến sĩ dựng ở hai bên giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất và bia Tiến sĩ cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các Tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi.
Đầu tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO thế giới công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đến tháng 7/2011, 82 bia tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Tháng 5/2012, khu di tích quan trọng này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đọc những lời của tiền nhân qua các văn bia còn lưu giữ tại nơi đây, vẫn thấy nguyên tính thời sự, như trong văn bia khoa thi năm 1602 ghi: “Đạo trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài, mà nhân tài phải tiến thân bằng con đường khoa mục”, hay trong văn bia khoa thi năm 1554 ghi: “Những người có chức quan vẫn thường nghiền ngẫm trung nghĩa, dồi mài liêm cần, nguyện làm vị Trạng nguyên trung hiếu, làm bậc quân tử ngọc vàng, ngõ hầu không hổ thẹn với các bận tu thân toàn mỹ đời trước. Thảng hoặc có kẻ ngoài ngọc trong đá, tiếng phượng hoàng mà lông diều hâu, làm kẻ gian tà hèn nhát, làm kẻ tầm thường a dua nịnh hót không biết hổ thẹn bởi sự chỉ trích chê bai của người đời sau. Vậy tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả ngàn năm, công luận phải trái vẫn còn đó, há chẳng đáng sợ lắm thay?”.
Một lần đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thủ đô ngàn năm văn hiến, tôi cảm nhận được niềm tự hào cũng như hạnh phúc đã đọc được những giá trị của tiền nhân, vẫn mãi mãi nguyên giá trị và uy nghiêm suốt cả ngàn năm.
Văn Miếu môn tức là cổng tam quan phía ngoài, với 3 chữ Văn Miếu Môn.
Cổng thứ hai là Đại Trung môn dẫn đến Khuê Văn Các.
Khuê văn các (nghĩa là "gác vẻ đẹp của sao Khuê") xây dựng vào năm 1805, và đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Giếng Thiên Quang, tức "giếng soi ánh sáng bầu trời"…
82 bia Tiến sĩ dựng ở hai bên phải trái của giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng.
Thượng Điện thờ những vị tổ đạọ Nho.
Không gian xanh trong khuôn viên Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Du khách trong và ngoài nước đến thăm Văn Miếu.
Những giá trị của tiền nhân vẫn còn nguyên giá trị và uy nghiêm suốt cả ngàn năm.