“Thần chết” rước Buôn Đôn đi rồi!

Xuân về nhưng Buôn Đôn không còn nước. Dòng sông khô cạn, cây cỏ tàn héo. Có chăng chỉ còn lại mấy bác voi già cô đơn trong khu du lịch Buôn Đôn.

Nỗi buồn nghệ nhân duy nhất Tây Nguyên

Người ta nói rằng, đến Ban Mê không về Buôn Đôn thì chưa hiểu hết được sự lãng mạn của Tây Nguyên. Đầu năm 2016, trở lại với Buôn Đôn, đi trái mùa lễ hội, nên tôi không được tham dự những chương trình như: Đua voi, lửa trại, đâm trâu. Động lực duy nhất, chỉ với mong muốn được gặp lại vợ chồng nghệ nhân Y Gông và H’Uinh (nghệ nhân văn hóa dân gian duy nhất ở Tây Nguyên) để lại được nghe “đôi tình yêu già” tình tứ mặn mà trong từng làn điệu dân ca véo von của người Ê Đê.

Cái tình tứ trong con người nghệ nhân đã thổi hồn vào lời ca, điệu nhạc lúc bay bổng vút cao, lúc truyền cảm lắng đọng đã làm say mê lòng người, với những nhạc cụ truyền thống như: Bru, Đinh năm, Đinh Tặc Tà, Đinh Buốt… Bên cạnh đó, người bạn đời của ông còn thổi hồn vào những làn điệu dân ca rất khó như: Ay Ray, Vay Vay và Hơh Cư Jú...

“Thần chết” rước Buôn Đôn đi rồi! - 1

Ngày xưa hàng đàn voi đua nhau diễu mừng lễ hội Tây Nguyên

Tôi còn nhớ, đầu năm 2010, trong ngôi nhà sàn bên bếp lửa bập bùng của Khu du lịch Thanh Hà, nghe vợ chồng nghệ nhân Y Gông biểu diễn những lời ca điệu nhạc, chúng tôi được đắm mình trong âm thanh huyền bí của núi rừng Tây Nguyên và như cảm nhận được các lễ hội vui nhộn, hội ngộ có, chia ly có, cũng như không khí lao động hăng say của đồng bào nơi đây.  

Già Y Gông tâm sự: “Cái bụng mình rất ưng khi được tham gia các chương trình du lịch Buôn Đôn. Vì nhờ đó mình mới có điều kiện được biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào mình giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến nét văn hoá, cũng như phong tục tập quán của người Ê Đê. Không chỉ chơi nhạc, vợ chồng mình còn giới thiệu cho du khách về cách dệt thổ cẩm, về cồng chiêng, ghế Kpan, gùi, rượu cần, những sinh hoạt bên bếp lửa và đặc sắc hơn cả là lễ hội săn voi của đồng bào Ê Đê”.

Nhưng niềm hy vọng duy nhất về với Buôn Đôn của tôi cũng bị dập tắt. Đến Khu du lịch Thanh Hà, nay được đổi tên là Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn, tôi được Nguyễn Lê Thanh Thảo - Quản lý Khu du lịch cho biết, vợ chồng già Y Gông lâu rồi không đến đây nữa, nay chỉ còn lại vài người trẻ được cụ truyền nghề làm việc tại đây thôi.

Để gặp được nghệ nhân, chúng tôi tìm về nhà cụ ở buôn Khít (xã Ea Blốk, huyện Krông Ana, Đắk Lắk). Đây là cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ nhân biểu diễn tấu nhạc cụ truyền thống và biểu diễn dân ca. Tuổi thơ của hai nghệ nhân lớn lên bằng những lời ca, điệu nhạc của ông bà, cha mẹ… Khi bước vào tuổi thanh niên, lời ca, tiếng hát và điệu nhạc làm cho chàng trai Y Gông và sơn nữ H’Uinh say đắm nhau trong tình yêu và nên vợ nên chồng.

Tôi hỏi cụ tại sao lại không tham gia phục vụ khách du lịch nữa?, cụ buồn bã: Cách đây hơn 10 năm, cụ được mời tham gia các chương trình du lịch lễ hội. Vợ chồng nghệ nhân lại được ngồi với nhau dưới cánh rừng bạt ngàn, bên con suối chảy róc rách để thể hiện những bản nhạc dân tộc Ê Đê cho du khách thưởng thức. “Nhưng đã hai năm rồi, nguồn nước khô cạn, họ làm dự án thủy điện chặn dòng, suối khô, cây héo, cái hồn Tây Nguyên hết rồi, vợ chồng mình đàn, hát sao được nữa, thần chết rước Buôn Đôn rồi!”, cụ Y Gông nói.

Người dân mất việc

Tìm hiểu lời cụ nói, chúng tôi được biết: Từ đầu năm 2014, Thủy điện Sêrêpốk 4A chính thức phát điện, cũng là lúc cánh rừng bạt ngàn khu vực Buôn Đôn khô nước. Người dân nơi đây lâm vào cảnh khó khăn trăm bề. Từ xưa đến nay, cuộc sống mưu sinh của những người dân huyện Buôn Đôn gắn liền với con sông Sêrêpốk. Con sông này cung cấp nước ăn, nước tưới và mang tới cho họ những đặc sản sông nước như: Cá lăng, cá mõm trâu… Vì thế, sông Sêrêpốk khô cạn làm họ khốn khổ trăm bề. Hàng trăm hộ dân ở các thôn 9, thôn Nà Ven (xã Ea Wer), buôn Jang Lành, buôn Trí A, buôn Trí B (xã Krông Na)… đang sống trong cảnh “khát nước”.

Khi sông Sêrêpốk cạn nước, nghề đánh cá của những người dân ở xã Krông Na cũng mất dần. Anh Nguyễn Văn Thao cho biết: “Trước đây, mỗi ngày đánh lưới họ cũng kiếm được vài ba ký cá. Từ khi thủy điện mọc lên, sông Sêrêpốk chẳng còn thấy bóng dáng con cá nào nữa”.

Đoạn sông Sêrêpốk chảy qua thôn 9 và thôn Nà Ven (xã Ea Wer) cũng có khoảng gần 1km đang trong tình trạng khô kiệt. Nhiều diện tích lúa nằm ven sông của người dân đang dần héo khô vì không có nước tưới, hàng chục giếng khoan cũng hết nước vì sông cạn làm mực nước ngầm giảm mạnh. Tại đoạn sông Sêrêpốk chảy qua địa phận Vườn quốc gia Yok Đôn, cũng có khoảng 3 km bị cạn kiệt và gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây. Một lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn trăn trở: “Phải có cơ quan chuyên môn mới đánh giá hết được ảnh hưởng của việc cạn kiệt nước sông Sêrêpốk đối với hệ sinh thái vườn, nhưng trước mắt nước sông bị cạn sẽ tạo thuận lợi cho lâm tặc dễ dàng xâm nhập vườn để khai thác gỗ lậu”.

“Thần chết” rước Buôn Đôn đi rồi! - 2

Ngày nay voi đã chết gần hết, du khách chỉ biết thăm những mồ voi tại Buôn Đôn

Du lịch tàn héo

Năm 2010, tôi đến Khu du lịch Buôn Đôn (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) được ngắm dòng thác bảy nhánh cùng với nét hoang sơ huyền thoại của làng đảo này. Dòng thác này đã thu hút du khách bằng dòng chảy quanh năm hiền hòa, yên ả. Đến đây, du khách sẽ được dạo mát trên cầu tre, được thuyền du lịch chở đi luồn lách qua các gốc si, rễ si già đan xen chằng chịt và nghe tiếng thác nước chảy róc rách, trong veo, mát mẻ, lãng mạn.

Sau hơn 5 năm quay lại Buôn Đôn, trước mắt chúng tôi bây giờ là khung cảnh hoang tàn, lâu lâu những cơn gió mùa khô làm cho cảnh quan nơi đây trở nên xơ xác. Dòng thác đẹp như tranh giờ chỉ còn là những tảng đá, đất khô khốc, những làn khí nóng hắt thẳng vào mặt. Lượng nước chảy vào rất ít, chỉ có một nhánh sông có nước nhưng cũng chẳng đáng là bao, 6 nhánh còn lại đã hoàn toàn khô cạn. 

Những rặng si trăm tuổi nằm dưới thác đã bắt đầu chết khô. Thời điểm này những năm trước, trên cầu treo tấp nập người qua lại để ngắm dòng sông, thác nước, nhưng giờ vắng hoe, không một bóng người. Hàng ngày, nhân viên khu du lịch phải dòng ống tưới cho các rặng si già sắp chết khát. Trong khu du lịch, chỉ còn một bác voi già đứng giậm chân ngơ ngác. Chẳng du khách nào buồn cưỡi voi nữa. Bởi cưỡi voi sẽ đi về đâu, khi suối cạn khô, rừng đang chết...

“Đã hai năm từ khi sông Sêrêpốk bị ngăn dòng, du khách không còn hứng thú khi đến đây. Công ty lâm vào cảnh khốn đốn, chỉ hoạt động cầm chừng. Công ty dần chuyển sang làm du lịch văn hóa tín ngưỡng nhưng cũng chẳng khấm khá hơn, thậm chí phải xoay đủ kiểu để đảm bảo công việc cho nhân viên”, Nguyễn Lê Thanh Thảo, Quản lý Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn tâm sự. Chúng tôi muốn đi thăm hòn đảo nhỏ trên Buôn Đôn, nơi được 6 nhánh sông bao quanh, với những ngôi nhà sàn bên bờ suối, nhưng Thảo bảo, suối khô, dân không còn nghề du lịch nữa, họ phải chuyển đi nơi khác kiếm sống rồi... 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Tư (Báo giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN