Nhâm nhi Tết Bắc

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Món ngon nhất, đơn giản nhất mà tròn vị nhất - nhà nào cũng nhâm nhi trong mấy ngày Tết là món KÝ ỨC. Và hay nhất, cái vị Tết ấy chẳng nhà nào giống nhà nào nhưng lại có điểm chung là ngọt ngào và thân thương biết mấy.

Ở miền Bắc, thông thường cứ qua Rằm tháng Chạp là trời bắt đầu rét ngọt, mưa phùn, gió bấc. Ra chợ những ngày này sẽ thấy hai bên đường rất nhiều xe thồ bán cà rốt ta, gừng ta, bưởi Diễn, táo ta và mùi già. Giữa đám xe thồ cà rốt, rau xanh ấy, thể nào cũng xen lẫn ít hoa thược dược, đồng tiền đơn, violet - những loài hoa mà người Hà Nội thường cắm trong những ngày Tết.

Bình hoa “mậu dịch”. Ảnh: Vĩnh Quyên

Bình hoa “mậu dịch”. Ảnh: Vĩnh Quyên

Trong những tháng ngày đói khổ, gian nan của thời bao cấp, thậm chí sau trận B52 đánh vào Hà Nội năm 1972, thiếu gì thì thiếu, có thể không đào, không quất nhưng Tết không thể thiếu một bình hoa “mậu dịch” ấy, nó vừa là nét văn hóa riêng, vừa ấp ủ hy vọng năm mới tốt lành hơn.

Hoa mùi già. Ảnh: Vĩnh Quyên

Hoa mùi già. Ảnh: Vĩnh Quyên

Ảnh: Vĩnh Quyên

Ảnh: Vĩnh Quyên

Tôi hay mua ít hoa và bó mùi già về chơi Tết sớm. Cũng kỳ lạ, chỉ nồi nước mùi già sủi lăn tăn và mấy bông hoa cắm vào bình đặt ở góc tường mà nhà bỗng có luôn vị Tết. Những ngày tiếp theo là dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa nguyên liệu nấu đồ Tết. Nan giải và mất nhiều thời gian nhất là mua đào và quất. Tìm được đào, quất đẹp mà hợp túi tiền thật đau đầu. Có khi phải mất 2-3 ngày lượn Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm mới mua được cây đào, quất ưng ý. Đào Nhật Tân nhưng phải là cành già, bông to, cánh dày, có hoa, có nụ, lộc và lá. Có năm bố tôi mua được một cây đào bích đẹp lắm, ông gọi điện hồ hởi khoe như bắt được vàng.

Đào Nhật Tân cành già, bông to, cánh dày, có hoa, có nụ, lộc và lá. Ảnh: Vĩnh Quyên

Đào Nhật Tân cành già, bông to, cánh dày, có hoa, có nụ, lộc và lá. Ảnh: Vĩnh Quyên

Còn quất phải là quất Tứ Liên, Nghi Tàm, dáng phải đẹp, phải đủ tứ quý, quả to, tròn và căng, lá xanh và bóng, nhiều hoa, nhiều nụ, quả xanh quả chín đan nhau, lộc lên mơn mởn. Mua xong được đào, quất rồi đến mua mấy chậu thủy tiên để chơi và biếu bố mẹ. Phải khéo chọn làm sao để hoa từ từ hé nở và bung cánh đúng vào thời khắc Giao thừa. Hương thủy tiên ngọt ngào như mật hòa lẫn hương trầm thoang thoảng tạo nên một thứ vị đặc trưng của Tết.

Hoa thủy tiên nở đúng lúc giao thừa. Ảnh: Vĩnh Quyên

Hoa thủy tiên nở đúng lúc giao thừa. Ảnh: Vĩnh Quyên

Những ngày chuẩn bị Tết mệt nhưng có rất nhiều những niềm vui nho nhỏ - những niềm vui đầy ắp yêu thương. Nhạc xuân rộn rã, mùi thức ăn trên bếp thơm phức, mấy mẹ con đi ra đi vào cắm hoa, bày biện ngũ quả, chuẩn bị bao lì xì, chăng dây đèn, lau dọn tủ lạnh…

Ảnh: Vĩnh Quyên

Ảnh: Vĩnh Quyên

Trước đây, khi mẹ tôi còn khỏe, Tết năm nào bà cũng gói giò hoa cho cả mấy nhà. Mẹ hay gọi giò thủ là giò hoa. Cũng nguyên liệu thông thường như bao nhà khác nhưng giò hoa của mẹ có điểm đặc biệt là gói bằng mo cau mẹ dặn trước chị hàng rau quen mang cho từ mấy hôm trước. Giò hoa gói bằng mo cau có một hương vị rất khác với gói bằng lá chuối, túi nilon, hay trong khuôn kim loại.

Cỗ Tết Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Quyên

Cỗ Tết Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Quyên

Ngày Tết cũng không thể thiếu mứt bí, mứt gừng ngọt lịm, mứt quất chua chua, chè lam dẻo quánh, bò một nắng cay nồng, hành muối giòn tan, giò hoa sần sật, bánh chưng thịt mỡ béo ngậy, bùi bùi, thịt kho trứng beo béo, thịt đông mát lạnh, bóng thả thanh thanh, cá kho mằn mặn, nem rán giòn rụm, nem chua dìu dịu… Mỗi thứ một vị như dàn hợp xướng hòa với nhau thành vị Tết.

Những món Tết truyền thống của người Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Quyên

Những món Tết truyền thống của người Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Quyên

Dù thức nào cũng ngon nhưng món ngon nhất, tròn vị nhất trong ngày Tết lại không phải là những món ấy mà là món KÝ ỨC. Bên mâm cỗ Tết, bên bàn trà chuyện đi chuyện lại thế nào cũng quay về chuyện ký ức, Tết hồi ấy, ngày ấy, Tết năm ấy... Và hay nhất, cái vị Tết ấy chẳng nhà nào giống nhà nào nhưng lại có điểm chung là ngọt ngào và thân thương biết mấy.

Bố chơi guitar bên cành hoa đào. Ảnh: Vĩnh Quyên

Bố chơi guitar bên cành hoa đào. Ảnh: Vĩnh Quyên

Món “ký ức” này, nhà tôi năm nào cũng “nhâm nhi” không thấy ngán và bắt đầu bao giờ cũng bằng hai từ “ngày xưa”…

Ngày xưa, trong con phố cổ nhìn chếch ra Hồ Gươm có một căn phòng nhỏ. Đêm trừ tịch với bình hoa rực rỡ, nồi bánh chưng sôi ục ịch. Ba đứa trẻ háo hức đợi mẹ vớt “bánh chưng cóc” mà lúc gói bố đã để riêng, đợi thử bộ áo mới sẽ mặc vào sớm mùng Một Tết. Vừa cắn miếng bánh còn nghi ngút khói, chúng vừa khấp khởi nghĩ về những đồng hào mới cóng được ông bà, bố mẹ mừng tuổi vào những giây phút đầu tiên của năm mới. Mùa xuân lặng lẽ sang từ lúc nào cả ba đứa chẳng hề hay biết.

Tết ký ức, là hương nước mùi già tẩy trần thơm nức cả nhà chiều ba mươi và sáng mùng Một…

Là khoanh giò hoa mẹ gói ngon vô đối, không có chỗ nào ngon bằng…

Là cảnh em trai chở gốc đào thế về nhà, bố đi ra đi vào ngắm nghía và tấm tắc, cành đào năm này đẹp hơn năm ngoái, gốc già hơn và hoa cũng đậm hơn. Ông em trai được khen mặt mũi hớn hở như lập được công to…

Là cảnh cả nhà quây quần đón giao thừa và chúc nhau năm mới mạnh khỏe, bình an…

Là cảnh mẹ và các con gái, con dâu vừa nấu nướng vừa buôn chuyện rôm rả, cánh đàn ông ngồi bên bàn trà nhâm nhi trà lá…

Là cảnh bố ngồi chơi guitar dưới tán hoa đào, bọn trẻ con mặc áo đẹp chạy ra chạy vào đùa nhau chí chóe…

Là lúc ăn xong cả nhà tụ tập đàn hát. Bố và em trai đệm đàn cho mấy mẹ con nghêu ngao hát “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh…

Là những buổi cà phê vỉa hè mùng Một Tết với một Hà Nội yên tĩnh như ngày xửa ngày xưa…

Món ngon “ký ức” có những món tiếp tục được nối dài, có những ký ức đã dừng lại. Hai năm nay, mẹ bị run tay không còn gói giò hoa được nữa. Sau này, bọn trẻ con lớn lên cũng chỉ biết đến món ngon huyền thoại này của bà ngoại này qua lời kể lại.

Bố cũng đã đi xa… Tết không còn cảnh bố chơi guitar bên hoa đào khiến nhà chông chênh như thiếu đi một góc...

Thế hệ thứ tư trong gia đình luôn được nhắc nhớ về “vị Tết nhà mình” ngày xưa, nhờ thế ký ức Tết, vị Tết vẫn tiếp tục được “nhâm nhi”. Ảnh: Vĩnh Quyên

Thế hệ thứ tư trong gia đình luôn được nhắc nhớ về “vị Tết nhà mình” ngày xưa, nhờ thế ký ức Tết, vị Tết vẫn tiếp tục được “nhâm nhi”. Ảnh: Vĩnh Quyên

Bây giờ, thế hệ thứ tư trong gia đình đã xuất hiện. Khi chúng lớn dần lên cũng là lúc có những thành viên khác rời xa cõi tạm. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục giống như hết mùa đông là đến mùa xuân, đến Tết. Lại sẽ có những thành viên khác kể lại cho chúng nghe về các cụ, các ông các bà, về “vị Tết nhà mình” ngày xưa. Và nhờ thế ký ức về Tết, vị Tết vẫn tiếp tục được “nhâm nhi” trong mỗi gia đình. Những ký ức đẹp đẽ về Tết như một sợi dây yêu thương vô hình neo giữ, gắn kết chặt chẽ các thành viên trong gia đình với nhau. Sợi dây đó kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai.

Nếu không có món ký ức thì vị Tết sẽ như thế nào? Tôi nghĩ, nếu thế, Tết sẽ không còn là Tết nữa!

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội: Điểm danh các quán café trang trí Tết Quý Mão theo concept ”1900 hồi đó”

Trong không khí rộn ràng đón Tết Quý Mão 2023, nhiều quán café ở Hà Nội đã kịp “lên đồ” trang hoàng những góc chụp ảnh đậm chất cổ xưa cho “team sống ảo” có thể tha...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Quyên ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN