Khám phá kiến trúc đá cổ ở Hy Lạp

Kiến trúc trên đồi Acropolis của Athens là một trong những đại diện kiến trúc cổ điển phát triển tại Hy Lạp hơn 2.400 năm trước đây. Những dấu tích ấy ngày nay không chỉ có mặt tại Hy Lạp nhưng còn hiện diện tại nhiều bảo tàng và kiến trúc trên toàn thế giới.

Trái tim của Athens

“Acropolis của Athens” là ngọn đồi rộng 3ha, nằm giữa một khu đồng bằng rộng, cao hơn vùng lân cận khoảng 190m. Người Hy Lạp cổ coi địa thế này hoàn hảo và lý tưởng nên chọn xây dựng những đền đài tôn vinh cách vị thần linh từ xa xưa. Theo ngôn ngữ Hy Lạp, Acropolis có nghĩa là thành phố trên cao. Người ta gọi “Acropolis của Athens” để phân biệt với các Acropolis ở những nơi khác tại Hy Lạp.

Khối đá vôi tạo nên ngọn đồi có hình oval không đều, theo trục đông tây, chiều dài 289,5m và nơi rộng nhất là 137m. Độ dốc dần từ đỉnh xuống chân đồi giúp hình thành những lối đi quanh dẫn lên đỉnh đồi dễ dàng. Những bằng chứng khảo cổ tại đây chứng minh, ngọn đồi đã được sử dụng từ thời kỳ đồ đá mới, đến thời đại đồ đồng. Phần lớn hệ thống kiến trúc nguyên thuỷ trên đồi Acropolis (bằng gỗ) bị phá huỷ vào năm 480 trước Công nguyên khi người Ba Tư đánh chiếm Hy Lạp và thiêu rụi đồi Acropolis. Đại tướng Pericles (lãnh đạo Athens khoảng 500 – 429 trước Công nguyên) đã cho xây lại các đền đài bằng đá, vừa thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, vừa thể hiện quyền lực của nhà lãnh đạo thời đó.

Khám phá kiến trúc đá cổ ở Hy Lạp - 1

Đồi Acropolis nhìn từ phía bắc vào buổi sáng

Kiến trúc sư La Mã Marcus Vitruvius, thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, cho hay các ngôi đền thờ tại Acropolis được xây dựng theo kiến trúc cổ điển, được cho là kiến trúc chính của các công trình xây dựng từ thời đỉnh cao Hy Lạp cổ đại đến khi các triều đại La Mã sụp đổ.

Theo Marcus, kiến trúc cổ điển xuất phát từ Hy Lạp thường được định nghĩa ở phong cách và thiết kế cột gồm các trống đá tròn khác nhau về chiều cao, xếp chồng lên nhau dùng trong kiến trúc. Những kiến trúc cột cổ điển đầu tiên nhất thường là Doric (cột tròn, không đế, có giá đỡ, không chạm khắc hoa văn), Ionic (cột tròn hoặc có rãnh, có đế và giá đỡ hoa văn cuộn) và Corinthian (cột tròn có rãnh, có đế và giá đỡ trang trí nhiều, thường là chạm khắc hoa văn hoa, lá nổi).

Đá được cắt khoanh, tròn hình giống những chiếc trống, đục lỗ ở giữa rồi xếp chồng lên nhau nhờ hệ thống ròng rọc. Không cần dùng vữa hay chất gắn kết, mà chỉ cần dùng đá hoặc các thanh gỗ đặt ở các lỗ giữa trống. Khi các khối đá này được cố định, hệ thống rãnh bên ngoài cột mới được tạo ra. Người La Mã đã tiếp thu và áp dụng kiến trúc cổ điển này vào nhiều trong các công trình tại Ý. Kiến trúc tân cổ điển thịnh hành tại phương Tây sau này ảnh hưởng rất nhiều từ kiến trúc cổ điển, điển hình như các dãy cột tại quảng trường Vatican…

Khám phá kiến trúc đá cổ ở Hy Lạp - 2

Quần thể cổng Propylaea dẫn vào khu đền thiêng trên đỉnh đồi

Khám phá kiến trúc đá cổ ở Hy Lạp - 3

Khám phá kiến trúc đá cổ ở Hy Lạp - 4

Sảnh lớn dành cho phòng bán vé, gửi đồ, bán càphê – Cổng đền nhìn từ phía trong.
Đền chính Parthenon

Những công trình đỉnh cao kiến trúc cổ điển Hy Lạp

Parthenon: là đền thờ chính trên đồi Acropolis, dành tôn vinh Athena, nữ thần đồng trinh bảo trợ Athens. Trên nền của đền Parthenon cũ, do nhà điêu khắc Athens Pheidias thiết kế, hai kiến trúc sư Iktinus và Kallikrates đã giám sát và hoàn tất ngôi đền vào thời kỳ hoàng kim của Athens trước Công nguyên (năm 432).

Đền Parthenon được coi là một trong những ví dụ điển hình về kiến trúc cổ điển Doric tại Hy Lạp, một kiến trúc đền đài với hệ thống cột đơn giản bằng đá cẩm thạch không chạm khắc, đỡ hệ thống mái bên trên. Đặc biệt, ở trước và sau đền là các hàng tám cột chứ không phải sáu cột như thông thường. Đền được chia làm ba phần: tiền sảnh, gian thờ và Phòng để châu báu.

Các tấm phù điêu đá cẩm thạch được trang trí quanh mái đền, mô tả từ sự ra đời của nữ thần Athena cho đến cuộc tranh đua giữa Athena và Poseidon trong việc bảo hộ Athens; từ trận chiến của Giants, Centaurs, Amazons và của người Hy Lạp cho đến cuộc chiến thành Troy.

Phía trong đền có những tấm phù điêu miêu tả các lễ hội, các đám rước và người dân tham dự trong niềm hân hoan, vui vẻ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong 24 thế kỷ qua, những tấm điêu khắc này vẫn chưa có tác phẩm nào so sánh được, khẳng định tài năng của những nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, hầu hết các phiến đá ngày nay đã bị mất hoặc bị phá huỷ sau khi ngọn đồi nhiều lần bị tàn phá và thay đổi mục đích sử dụng, từ nhà thờ Thiên Chúa giáo đến thánh đường Hồi giáo và làm kho vũ khí.

Thời gian xâm chiếm Athens, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Lord Elgin, một người Anh tự do lấy mọi thứ từ đống đổ nát của đền Parthenon mang đi. Trong khi tại Athens hiện chỉ còn nền móng và hàng cột đổ nát thì nhiều vật dụng trang trí của đền lại xuất hiện tại bảo tàng nước Anh. Chính phủ Hy Lạp đang lên kế hoạch đòi lại những di sản của tổ tiên họ.

Erechthion: còn gọi là Erechtheum nằm ở phía bắc của Acropolis, đối diện với đền Parthenon, dùng tôn vinh hai vị thần giám hộ Athens, Athena Polias và Poseidon Erechtheus. Kiến trúc sư Mnesicles được cho là có công xây dựng đền Erechtheum, mặc dù ông không hoàn tất. Erechthion là ngôi đền có kiểu cột Ionic nhưng cấu trúc của ngôi đền khá phức tạp, được xây dựng trên một khu vực có sàn đất không bằng phẳng với ba phần độc lập có hình dáng khác nhau, mỗi phần có một loại mái riêng. Erechthion là toà nhà hình chữ nhật nằm giữa có điện chính được chia làm hai phần dùng thờ Athena và Poseidon.

Hai phần phía bắc và phía tây nam thấp hơn khu vực chính. Góc tây nam có một hội trường nhỏ với sự khác biệt.

Những cây cột Ionic được thay thế bởi sáu cột trụ hình người, những cô gái nô lệ xứ Caria. Các nếp gấp của áo choàng trên các trụ hình người được so sánh tương tự như các rãnh khắc vào các cột Ionic. Một trong sáu trụ nguyên thuỷ hiện đang nằm tại bảo tàng Anh. Năm trụ còn lại trong đó một trụ đã bị phá huỷ gần hết, được trưng bày trong bảo tàng Acropolis mới. Trụ cột hình người này sau cũng được sử dụng trong nhiều công trình kiến trúc tại Roma và các thành phố phương tây khác.

Ngoài ra, công trình đáng chú ý tại Acropolis còn có hệ thống cửa đền Propylaeagồm một toà nhà có cửa chính thông qua và toà cánh hai bên. Hầu hết hệ thống mái đã bị phá huỷ. Cánh phía bắc được dùng như một phòng trưng bày nghệ thuật Pinakotheke, nơi đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bức tranh vẽ trên tường. Cánh phía nam có ngôi đền thờ Athena Nike. Phía tây nam của ngọn đồi là sân khấu ngoài trời Odeon of Herodes Atticusbằng đá, ba tầng, được xây dựng năm 161 sau Công nguyên. Hiện sân khấu với sức chứa 5.000 người này được tái tạo bằng đá cẩm thạch pentelic từ năm 1950 và sử dụng vào hàng loạt lễ hội tại Athens.

Phía đông nam là nhà hát cổ Dionysus với sức chứa khoảng 17.000 người. Hệ thống đá được đưa vào xây dựng nhà hát có vết tích khoảng năm 340 trước Công nguyên. Chính phủ Hy Lạp dự tính tái tạo vài phần của sân khấu này vào năm 2015 với khoản chi phí 9 triệu euro. Những công trình trên đồi Acropolis không chỉ là biểu tượng về văn minh Hy Lạp mà còn là những công trình kiến trúc nổi tiếng, nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO hiện đang được Hy Lạp kết hợp với các tổ chức quốc tế phục hồi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Dung (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN