"Đột nhập" Tử Cấm Thành, khám phá phim trường “Vị hoàng đế cuối cùng”
Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã thay đổi với tốc độ chóng mặt. Dù vậy, ngày nay chỉ cần bước chân vào Tử Cấm Thành, du khách cũng sẽ có cảm giác như được trở lại quá khứ. Đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống thăng trầm của vua Phổ Nghi, được khắc họa đầy sống động trong bộ phim xuất sắc đoạt 9 tượng vàng Oscar “Vị hoàng đế cuối cùng”.
Tử Cấm Thành vĩ đại của Trung Quốc đã tồn tại đúng với cái tên của mình suốt 6 thế kỷ. Ban đầu là nơi ở của đế vương, “nội bất xuất ngoại bất nhập”, từ năm 1420 nơi đây đã là nhà của 24 hoàng đế triều đại nhà Minh và nhà Thanh.
Mãi đến gần đây, khi du lịch từ phương Tây bắt đầu phát triển, Tử Cấm Thành mới trở thành điểm du lịch “Cố Cung” và ra mắt công chúng, với khoảng 7 triệu lượt khách thăm quan mỗi năm.
Toàn bộ khu vực cung điện rộng lớn được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1987, cùng năm phát hành hiện tượng điện ảnh “Vị hoàng đế cuối cùng”, bộ phim của đạo diễn nước ngoài đầu tiên được Trung Quốc cho phép quay trong Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành là cung điện lớn nhất thế giới với diện tích 720.000 mét vuông, với 1.000 tòa nhà và khoảng 9.000 phòng các nằm rải rác giữa các đại sảnh và sân trong, bao quanh bởi một bức tường khổng lồ và đường hào sâu tới 6 mét.
Thăm quan Tiền Triều, nơi các bữa tiệc, đại lễ và sự kiện lớn được tổ chức, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Tam Đại điện là Thái Hòa điện, Trung Hòa điện và Bảo Hòa điện. Cả ba điện đều có ngai vàng, và cái lớn nhất được đặt ở Thái Hòa điện, cũng là điện được trang hoàng tinh tế và hoành tráng nhất.
Giờ đây du khách có thể tham quan tự do quanh Hậu Cung, khu vực vốn chỉ dành riêng cho hoàng đế, hoàng hậu và các phi tần, thông qua những biệt viện đẹp ngỡ ngàng với những cái tên trang trọng đầy hơi thở cổ xưa như Cung Càn Thanh, Điện Dưỡng Tâm.
Cũng như chính Tử Cấm Thành và Di Hòa Viên ở Bắc Kinh, nhiều địa danh khác của Trung Quốc cũng được đưa lên phim “Vị hoàng đế cuối cùng”, như thành phố Trường Xuân với nhà ga được sử dụng cho cảnh đầu phim, và Cung điện Hoàng gia Mãn Châu, nơi Phổ Nghi được Nhật Bản dựng lên làm Quốc trưởng bù nhìn, và thành phố Đại Liên, Thiên Tân, từng là thuộc địa Nhật Bản, nơi vị hoàng đế hết thời lưu trú sau khi rời khỏi Bắc Kinh.
Đây chính là địa danh xuất hiện trong “Đèn lồng đỏ treo cao“, bộ phim được đề cử giải Oscar năm 1992.