Chuyện kỳ bí về “cây lim hoá thân” và “cây ổi cười” ở đất thiêng Lam Kinh

Khu di tích lịch sử Lam Kinh vẫn lưu được nét không gian nguyên sơ, ai đã một lần tới đây sẽ dễ dàng cảm nhận được khí thiêng, sự kỳ bí cùa vùng đất này quện vào.

Nơi đất thiêng, phát tích của triều đại phong kiến dài nhất lịch sử nước ta

Bước qua cây cầu đá với tuổi đời hàng trăm năm, chúng tôi như bước chân vào "lịch sử", khi trước mắt là không gian nguyên sơ được hiển hiện của khu di tích lịch sử Lam Kinh, địa danh gắn liền với triều Hậu Lê phát triển rực rỡ trong lịch sử phong kiến nước ta.

Cây cầu đá cổ dẫn vào Khu di tích Lam Kinh.

Cây cầu đá cổ dẫn vào Khu di tích Lam Kinh.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh, nay thuộc thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), được bắt đầu xây dựng vào năm 1433, sau khi vua Lê Thái Tổ băng. Khu đất rộng hơn 160ha này được các bậc tiền nhân lựa chọn dựa trên các quy chuẩn về phong thủy, với thế đất “tựa sơn, đạp thủy” rất “đắc” trong quan niệm người Á đông xưa. Đây cũng là một trong những nguyên do được một số nhà nghiên cứu lịch sử sau này xem xét đưa vào, để giải thích về một triều đại, dù qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn tồn tại dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với gần 400 năm.

Khung ảnh bình dị, cổ xưa ở Khu di tích. 

Khung ảnh bình dị, cổ xưa ở Khu di tích. 

Lần tìm theo Đại Việt Sử Ký toàn thư và Đại Việt thông sử, đây chính là vùng đất mà xưa kia tổ 4 đời của vua Lê Thái Tổ là cụ Lê Hối đã chọn về sinh sống. Theo ghi chép, trong một lần du ngoạn qua đây, cụ Lê Hối thấy vùng đất này có nhiều chim chóc bay lượn quanh chân núi, tựa như cảnh đông người tụ hội, cụ cho rằng đây là nơi đất tốt, nên đã dời nhà về đây sinh sống.

Quả như vậy, sau 3 năm về đất này, họ Lê đã gây thành sản nghiệp, gia nô trong nhà lên tới hàng nghìn người và tới đời thứ 3 thì sinh hạ được một quý tử. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư mô tả, người này mới sinh đã có "thiên tư tuấn tú khác thường, khi lớn lên, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hổ". Đó chính là vua Lê Thái Tổ, người đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược và kiến lập nhà Hậu Lê sau này.

Những chuyện kỳ bí tại vùng đất thiêng

Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tâm của chị Hoàng Thị Hiền, hướng dẫn viên của khu di tích, chúng tôi đã được nghe về những câu chuyện mang đậm nét liêu trai những cũng có phần “hiện thực” khi ai đó đã từng một lần bước chân tới đây.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh là nơi an nghỉ vĩnh hằng và thờ phụng của 6 vị vua đầu tiên và các hoàng hậu của triều Hậu Lê. Lúc thịnh nhất, khuân viên có nhiều khối kiến trúc đồ sộ, bao gồm các nhà Thái miếu và các công trình thuộc Hành cung cho vua, hoang hậu và các quan lại nghỉ ngơi và làm việc khi về đây Tế lễ. Hiện, nhiều công trình đã xuống cấp và mai một chỉ còn lại nền móng. Đây cũng là căn nguyên của câu chuyện kỳ bí về “cây lim hóa thân” rất ấn tượng tại nơi đây mà chúng tôi được nghe.

Vị trí "cây Lim hiến thân" tại khu di tích.

Vị trí "cây Lim hiến thân" tại khu di tích.

Năm 2010, khi chính quyền địa phương chuẩn bị tiến hành công tác sửa sang, tôn tạo lại tòa chính điện, bỗng nhiên một cây Lim trong quần thể cây cổ thụ ở khu di tích, với tuổi đời hơn 600 năm đang xanh tốt, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá rồi khô cành. Đến khoảng nửa năm sau, khi cây chết cũng là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành.

Với cảm nhận lâu năm tại khu đất này, một số người phụ trách ở khu di tích đã cho ướm thử đường kính của thân cây Lim với chân đế bằng đá, nguyên bản của tòa chính điện đang chuẩn bị được tu sửa cho kết quả vừa khít, với đường kính 80cm. Đồng thời, phần ngọn cây vừa với chân tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương. Đủ hết một bộ cột Cái trong chính điện.

"Cây Lim hiến thân" được dùng làm cột cái tại chính điện. Ảnh: TL

"Cây Lim hiến thân" được dùng làm cột cái tại chính điện. Ảnh: TL

Vì vậy, ban quản lý khu di tích đã xin ý kiến các cấp, ngành chức năng được hạ cây lim xuống để sử dụng trong công trình. Đặc biệt, dù cây Lim đã héo khô nhưng khi chặt hạ vẫn có dòng nhựa đỏ tươi như máu, chảy ra khiến mọi người xung quanh không khỏi “lạnh người”. Sau khi đốn hạ, phần thân cây lim được chọn làm cột cái, là vị trí linh thiêng nhất ở nơi chính điện. Khi dựng 138 cột trong chính điện, cột cái cũng được dựng lên đầu tiên.

Tiếp đó, chúng tôi di chuyển vào tới nơi an nghỉ vĩnh hằng, lăng mộ của vua Lê Lợi. Đây được xem là huyệt đạo linh thiêng nhất trong khu di tích này. Lăng mộ vua Lê Thái Tổ được dựng và bài trí đơn giản, gần gũi hòa với khung cảnh thiên nhiên xung quanh, hoàn toàn khác biệt với sự cầu kỳ, tốn kém của nhiều vị vua khác trong lịch sử phong kiến mà chúng tôi từng có dịp ghé thăm. Ở đây, chúng tôi đã được nghe về chuyện cây ổi biết “cười” nằm trong khuân viên lăng mộ vua.

Cây ổi "cười" trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ.

Cây ổi "cười" trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ.

Theo chị Hiền, vào năm 1933, ở Nam Định có một người tên là Trần Hưng Dẫn, tuổi đã ngũ tuần tới cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, gia đình ông đã sinh được quý tử, nối dõi tông đường theo phong tục phong kiến cũ. Để tỏ lòng thành, ông đã cung tiến 4 voi đá, 1 cây ổi và 2 cây long não trồng trong khuân viên lăng mộ vua.

Tới năm 1994, tình cờ, một du khách đã phát hiện ra việc kỳ lạ trên cây ổi này. Để cho chúng tôi xem, chị Hiền đã chờ khi không có gió, cây lặng như tờ và chọn phần “nách” của cây gãi khẽ, kỳ lạ thay những chiếc lá ổi bắt đầu rung lên như đang “reo cười” vì nhột. Sau đó, khi mọi người dừng “gãi” những chiếc lá bắt đầu lặng im. Đặc biệt, trong khi gãi, tất cả các cành dù là nhỏ nhất sẽ lặng im, chỉ riêng có các đầu lá lay động. Còn khi nắm tay vào thân cây, nhắm mắt, đầu óc không suy nghĩ có một cảm giác lâng lâng khó tả, cảm giác như có một nguồn năng lượng truyền qua.

Chị Hiền "gãi" khiến cây ổi "cười".

Chị Hiền "gãi" khiến cây ổi "cười".

Theo ban quản lý khu di tích, vào năm 2003, trong một lần ghé thăm, PGS.TS Hà Đình Đức và ông Trần Quốc Vượng thấy điều kỳ lạ này nên đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra trên thân cây ổi có một luồng điện và mỗi khi người gãi hoặc xoa nhẹ vào, vỏ cây nóng lên và truyền đến các lá.

Trong năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen, cũng như những bí ẩn xung quanh của cây "ổi cười" ở Lam Kinh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Như vậy, những điều kỳ bí tại khu di tích Lam Kinh sẽ là câu hỏi để thế hệ mai sau tiếp tục giải đáp. Nhưng, điều kỳ bí trên sẽ luôn nhắc nhở từng người dân Việt Nam luôn nhớ về một thời hào khí Lam Sơn và thấy rằng những linh khí ấy luôn trường tồn, sống động trên vùng đất thiêng Lam Sơn.  

Nguồn: [Link nguồn]

Cây trôm mõ ở đâu được công nhận là cây Di sản Việt Nam năm 2016?

Cây trôm mõ ở đây gắn liền với lịch sử khẩn hoang đất Nam bộ ước tính có tuổi đời trên 350 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Phương ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN