Bản tôi, lộc trời cho từ những con suối

Ngày nhỏ, tôi nghe kể từ thuở hồng hoang, chính Ông Chày, Bà Chày đã tạo tác ra bốn vựa lúa lớn của người Thái vùng Tây Bắc là "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Nhưng, để có được những mùa lúa trĩu bông ấy phải kể đến thứ lộc trời cho từ những con suối.

Những "nậm", những "hon" đã tưới tắm cho lúa và người. Vốn thuộc tộc người ăn theo nước, té nước để cầu may như cây khô gặp mưa nguồn. Tâm hồn thuở bé thơ đã đủ hiểu rằng chính những dòng suối nhỏ kia đã làm nên làng bản, vậy mà có lúc chính ông trời lại làm người dân điêu đứng chính bằng những dòng nước ấy.

Bản tôi nằm trên một sườn đất khá cao. Mùa mưa lũ sói mòn nên chỉ trông chờ vào sự màu mỡ của những cánh đồng phía dưới. Mùa khô, suối chơ những hòn cuội trắng, chúng tôi nhặt cuội chơi, lấy đã kì về cho bà cụ kì lưng, bắt cá cờ, bắt tép. Nhưng muà mưa, con suối hiền lành như cô gái Thái mới dậy thì bỗng hóa thành con rồng nước đỏ ngầu cồn lên những bài bờ, tràn sang ruộng lúa. Gặp khi lũ muộn, lúa đã gặt thì còn cơ may, bằng không lại một vụ đói bởi hạt lúa đã lẫn vào hạt phù sa, hạt cát.

Bản tôi, lộc trời cho từ những con suối - 1

Ảnh minh hoạ

Ngày bé, dù vẫn con tin nước là do ông trời giận dữ vì ai đó đã lấy đi quá nhiều gỗ trong rừng. Hoặc giả, có đứa được đi học biết đến lợi ích của rừng đầu nguồn tích nước, cản lũ thì chúng tôi cũng đều lam lũ với ngày con nước lớn. Lúc ấy, nhìn bản tôi như một đảo hoang chơ vơ giữa biển khơi, mỗi bóng người nhỏ nhoi dò dẫm như một thủy thủ Robinson lạc lõng giữa bốn bề chia cắt.

Cuộc sống trên dẻo cao bỗng dưng đảo lộn bằng ăn, ngủ theo con nước. Ngày nghe nước xối, đêm canh chừng nước quét cái lưỡi bùn đất khổng lồ. Theo các anh lớn, khi thì đi vớt những cảnh củi trôi. Khi lại cố vớt vát con cá suối mắc, con gà rừng, lợn cỏ đi cuốn từ rừng về. Cũng lắm khi, mỏi mắt cả ngày chỉ thấy cỏ, rác, lá mục…chấp chới trong cơn hồng thủy. Những bữa ấy, may nhờ có thứ quả cây, rau rừng.

Nhà có chuột phơi gác bếp, nhà thì lát măng vớt vát lại nơi gốc tre nhưng chẳng để nhau đói, có nhúm muối tinh cũng nhường nhìn và san sẻ. Bọn trẻ chúng tôi chợt thấy bản mình như mang một họ, như ở một nhà, chẳng phân biệt sang hèn, cùng đầm ấm quây quần, dìu nhau qua cái đói. Những lúc ấy, tôi lại len lén đến bên những bà cụ tóc trắng óng ả nước gạo nương, nghe kể những thần thoại người Thái để lờ mờ hình dung con sóng dữ kia là loại quái vật nào, ngọn núi kia là vị thần nào.

Người Thái vốn lớn lên bằng nước nhưng ngày con nước mênh mang lại là ngày buồn nhất. Những tấm lưng đã từng tưới mồ hôi lên cây lúa, nương ngô giờ lại tầm tã dưới mưa vớt vát mùa màng. Nhớ con cá mương kẹt lũ nướng vội dưới mái sàn "ải", "êm" (cha, mẹ) nhường cho con với nắm cơm nếp chẳng thể khô khóng dưới mưa.

Nhớ những chân sàn lở lói dưới cơn "say máu" của nước nguồn nhưng chẳng thể lung lay được cái trí của người dân bản trên, xóm dưới. Những đứa trẻ chúng tôi dẫu chẳng đủ sức vóc lao ra dòng nước xiết cứu người đuối nước, dẫu cái đầu chưa đủ khôn để tính chuyện dài lâu nhưng cũng biết chắt chiu từng nguồn lương thực, biết gác những trò chơi bông đùa hàng ngày để cáng đáng phần việc nhỏ bé nhất của bản mường.

Để rồi, với một kí ức tuổi thơ ấy dẫu có đi xa vẫn luôn nhớ về mảnh đất nghiêng chênh chếch mái sàn, nhớ con nước ngày ngập lụt. Mấy bữa nghe tin bão thần sấm Rammasun lại gây mưa lớn miền Tây Bắc, trong tim lại nghèn ngào nhớ về kí ức xưa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Việt Phương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN