Ấn Độ: Đào được tổ của 256 quái vật, có con nặng hàng chục tấn

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra Hệ tầng Lameta ở Thung lũng Narmada, miền Trung Ấn Độ, là một hệ thống "tổ quái vật" khổng lồ với mạng lưới 92 ổ trứng của thằn lằn hộ pháp.

Theo Sci-News, 256 quả trứng hóa thạch với đường kính 15-17 cm đã được tìm thấy trong mạng lưới "tổ quái vật" nói trên, thuộc về nhiều loài thằn lằn hộ pháp khác nhau sống vào kỷ Phấn Trắng.

Thằn lằn hộ pháp - tinanosaurus - là chi sauropod (khủng long chân thằn lằn) khổng lồ nhất, và cũng là loài có kích thước lớn nhất từng bước đi trên các lục địa.

Một trong 92 ổ trứng trong mạng lưới tổ quái vật ở Hệ tầng Lameta - Ảnh: PLoS ONE

Một trong 92 ổ trứng trong mạng lưới tổ quái vật ở Hệ tầng Lameta - Ảnh: PLoS ONE

Những mẫu vật thằn lằn hộ pháp lớn nhất cho thấy chúng có thể đạt cân nặng lên tới hàng chục tấn khi còn sống, trong đó kỷ lục thuộc về một con thuộc loài Patagotitan của chi này, được khai quật tại Argentina với cân nặng ước tính tới 69 tấn.

Các quả trứng được khai quật không được kết nối trực tiếp với các loài thằn lằn hộ pháp đã biết - một điều hy hữu lắm mới làm được bởi trứng hóa thạch thường không giữ được kết cấu đủ để xác định loài - mà được chia thành hai họ trứng khủng long Megaloolithidae và Fusioolithidae.

Hai họ này gồm nhiều "loài trứng" khác nhau, trong đó các loài ở hệ tầng Lameta bao gồm egaloolithus cylindricus, Megaloolithus jabalpurensis, Megaloolithus dhoridungriensis, Fusioolithus baghensis, Fusioolithus mohabeyi và Fusioolithus padiyalensis.

"Sự đa dạng cao về các loài trong tổ hợp trứng này cho thấy sự đa dạng của các loài thằn lằn hộ pháp trên tiểu lục địa Ấn Độ dù điều đó chưa từng được phản ánh đối với hóa thạch cơ thể của chúng" - nhà cổ sinh vật học Harsha Dhiman từ Trường Đại học Delhi, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Trước đó thằn lằn hộ pháp cũng từng được khai quật ở Ấn Độ nhưng số lượng không nhiều và không đa dạng về loài như ổ trứng này.

Một con thằn lằn hộ pháp khi trưởng thành - Ảnh: SCI-NEWS

Một con thằn lằn hộ pháp khi trưởng thành - Ảnh: SCI-NEWS

Mạng lưới tổ quái vật rộng lớn này còn giúp các nhà khoa học vén màn bí ẩn về cuộc sống của sinh vật vĩ đại nhất các lục địa này: Những con thằn lằn hộ pháp mẹ có thói quen chôn trứng trong các hố nông giống như cá sấu thời hiện đại.

Nhiều quả trứng trong tình trạng tốt và giữ được các yếu tố chỉ ra một số bệnh lý hiếm gặp ở loài khủng long, ví dụ như trứng trong trứng, cho thấy chi khủng long này cũng có sinh lý sinh sản và hệ thống bệnh lý thai kỳ tương tự loài chim hiện đại.

Hành vi nhiều loài khác nhau thuộc cùng một chi chọn một địa điểm làm "nhà hộ sinh" và cất giữ trứng cùng nhau cũng tương tự hành vi của chim.

Tuy nhiên mạng lưới tổ quái vật này quá dày đặc cho thấy các con khủng long trưởng thành đã không sống ở đây sau khi sinh sản và chôn trứng, mà để các con non tự lo liệu sau khi nở.

Theo tiến sĩ Guntupalli Prasad, một đồng tác giả cũng từ Trường Đại học Delhi, tổ quái vật này cùng với các tổ khủng long khác từ Jabalbpur ở thượng lưu thung lũng Narmada ở phía Đông hay các tổ từ Balasinor ở phía Tây tạo nên một khu phức hợp sinh sản trải dài khoảng 1.000 km, có thể là một trong những "trại giống quái vật" lớn nhất thế giới.

Nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí khoa học PLOS One.

Nguồn: [Link nguồn]

Khám phá 10 địa điểm bí ẩn nhất châu Á

Châu Á là nơi có rất nhiều những địa điểm bí ẩn và cực kỳ có sức hấp dẫn đối với các du khách ưa khám phá, mạo hiểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN