DANH MỤC

Trong khi nhiều thị trấn cổ như Phượng Hoàng ở tỉnh Hồ Nam, Đại Lý và Lệ Giang ở Vân Nam hay các thị trấn sông nước ở Giang Tô luôn nằm trong top điểm du lịch cực kỳ hút khách ở Trung Quốc, thì những nơi khác lại rơi vào tình trạng bị bỏ hoang bất chấp giá trị văn hóa và lịch sử của chúng.

Nằm ngay giữa 2 thành phố lớn nhất của tỉnh Quảng Đông là Quảng Châu và Phật Sơn, ngôi làng Đại Kỳ Đầu được xây dựng theo kiểu bàn cờ cổ điển. Phía sau đền thờ của tổ tiên là một cái ao khổng lồ cùng những con đường nhỏ lát đá rất cổ xưa. Môi trường sống ở đây hiện đang trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng đến mức chuyến thăm Đại Kỳ Đầu trở thành một trải nghiệm rùng rợn. Chỉ những người đam mê kiến ​​trúc Lĩnh Nam đặc trưng với những mái nhà hình tai và những cảnh quan thu nhỏ được điêu khắc tinh xảo trên bức tường bên ngoài các ngôi đền mới mạo hiểm ghé đến ngôi làng lịch sử này.

Nằm gần thành phố Triệu Khánh, Lê Tra được thành lập dưới thời trị vì của hoàng đế Ninh Tông (1208-1224) của nhà Tống. Hầu hết cư dân đã di cư đến các thị trấn và thành phố lân cận, thậm chí ra nước ngoài. Chỉ còn một số người già sống trong làng. Họ trông coi hương khói cho các đền thờ dòng họ. Mặc dù ngôi làng hầu như không còn sự sống, du khách vẫn đến để khám phá ngôi làng này. Làng Lê Tra được bao quanh bởi một bức tường tròn với những cánh cổng, cách bài trí của được lấy cảm hứng từ biểu tượng Âm Dương. Đây là lý do tại sao nó còn được đặt tên là "làng bát quái". Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, ở Trung Quốc cổ đại, những triết lý phức tạp như Đạo giáo đã góp phần vào quy hoạch đô thị.

Những gì còn lại của Đại Giang Phố là một chuỗi 5 ngôi đền của các dòng họ đang dần đổ nát ở vùng nông thôn Quảng Đông. Những cây cột điện được trồng trước mỗi ngôi chùa cho thấy dân làng đã xây cho mình những ngôi nhà mới gần đó và có lẽ họ đã quên đi quá khứ. Bên trong các ngôi đền của dòng họ được xây dựng để thờ cúng tổ tiên, cây cối hoang dại đang mọc lên xanh tươi và xâm lấn lên các bức tường cũng như ban thờ.

Ngôi làng này nằm ở phía đông bắc Quảng Đông, ban đầu được thành lập vào triều đại nhà Tống bởi vẻ đẹp của cảnh quan xung quanh. Năm 2008, Dục Hiền được chính quyền cấp tỉnh và quốc gia liệt kê là một trong những "ngôi làng lịch sử của Trung Quốc" đáng được bảo vệ. Một nhà sư Phật giáo đã tu bổ lại ngôi chùa Hoa Lâm, tuy nhiên nhiều ngôi chùa khác được trang trí bằng hoa văn và những bức phù điêu chạm khắc tỉ mỉ hiếm thấy đang trong tình trạng đổ nát. Hầu hết dân làng đã đến các thành phố để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ đã bỏ lại cha mẹ già và cùng những đứa trẻ thơ dại để duy trì sự sống của ngôi làng.

Làng Trung Điền được chính thức thành lập vào năm 1404 dưới thời trị vì của hoàng đế Minh Thành Tổ của triều đại nhà Minh và được mở rộng trong triều đại nhà Thanh. Du khách có thể đếm được khoảng 100 ngôi nhà làm bằng đá và gỗ trong làng cùng 100 con đường nhỏ và 200 giếng nước. Trung Điền được ca ngợi là một trong những ví dụ điển hình nhất và lớn nhất về ngôi làng thời Minh - Thanh vẫn còn tồn tại ở phía nam tỉnh Hồ Nam. Những con đường lát đá nhỏ hẹp của ngôi làng đã trở nên hoang vắng, chỉ còn lại một vài người già bởi những người trẻ tuổi đã bỏ hết lên thành phố kiếm ăn. Bên cạnh đó, một ngôi làng mới bằng gạch và bê tông đã được xây dựng ở phía bên kia của ao làng.

Ngôi làng được chính thức thành lập vào những năm đầu của triều đại nhà Minh (1368 - 1644). Ở phía trước của ngôi làng lớn này có tới 3 cái ao được xếp thành hình nửa vầng trăng bởi 3 ngọn đồi. Đây là quy tắc phong thủy được áp dụng trong quy hoạch đô thị của Trung Quốc cổ xưa. Tất cả các tòa nhà được coi là di sản lịch sử. Bản Lương hiện chỉ còn một nửa số cư dân bởi lớp trẻ đã chuyển ra thành phố tìm kiếm công việc.

Tên của ngôi làng này theo nghĩa đen có nghĩa là "khu vườn của gia tộc họ Tần". Theo truyền thuyết, ngôi làng được thành lập bởi Tần Thúc Bảo, một vị tướng của triều đại nhà Đường, sau này đã biến thành một trong những vị thần giữ cửa được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Trung Quốc. Ban đầu ngôi làng là một tổ hợp gồm một số sân có tường bao quanh, trong đó có hàng chục ngôi nhà. Ngày nay, chỉ còn một sân duy nhất còn nguyên vẹn. Tất cả những ngôi nhà còn lại đã bị phá hủy bởi chủ nhân của chúng, những người quyết định xây những ngôi nhà hiện đại bằng bê tông để thay thế. Ngôi nhà cổ nhất trong sân được xây dựng vào năm 1381, những ngôi nhà khác được xây dựng dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh.

Thứ Năm, ngày 29/04/2021 12:00 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hàn Ly (Theo The culture trip) ([Tên nguồn])