Căn bệnh "giờ cao su" của người nổi tiếng: Thuốc đắng sẽ dã được tật?
Nếu việc đến đúng giờ đã là quá khó khăn, vậy còn việc gì dễ dàng?
Đa số người nổi tiếng có lịch làm việc dày đặc, điều này ai cũng biết, nhưng việc để người khác phải đợi, làm ảnh hưởng đến công việc chung lại là điều không thể thông cảm dù là lý do gì. Ở mỗi con người chữ Tâm quan trọng hơn chữ Tài. Nếu việc đến đúng giờ đã là quá khó khăn, vậy còn việc gì dễ dàng?
Căn bệnh trầm kha
Những ngày qua, sự việc 3 HLV của The Face đều đến muộn trong buổi họp báo ra mắt chương trình đã trở thành chuyện nóng trên các phương tiện truyền thông. Một lần nữa, cụm từ “giờ cao su”, “giờ dây thun” lại tràn ngập các diễn đàn và cùng với đó là những cụm từ thể hiện sự tức giận, bất mãn và ngán ngẩm của công chúng.
Theo đó, thời gian bắt đầu buổi họp báo ra mắt chương trình The Face là 9h30, nhưng tại thời điểm đó chỉ có thành viên nhà sản xuất, truyền thông, HLV Thái Lan Lukkade Metinee. Với sự vắng mặt của 3 nhân vật chính là Lan Khuê, Hoàng Thùy và Minh Tú sự kiện đã không thể bắt đầu đúng giờ. Phải sau hơn 1 tiếng ba nhân vật chính mới xuất hiện và điều này đã khiến những người có mặt lúc đó vô cùng bức xúc. Ngay trong buổi họp báo, nhiều phóng viên cũng đã chất vấn về cách làm việc thiếu tôn trọng của 3 HLV.
Lan Khuê, Hoàng Thùy và Minh Tú đã phải nhận nhiều chỉ trích vì “giờ cao su”.
Mặc dù, sau đó, Lan Khuê, Minh Tú và Hoàng Thùy đều giải thích về lý do đến muộn, nhưng vẫn chẳng thể thuyết phục được những người có mặt. Khi thông tin được phản ánh trên báo chí, cư dân mạng cũng đồng loạt lên tiếng chỉ trích 3 người đẹp và bày tỏ sự xấu hổ khi để khách mời HLV Lukkade Metinee phải chờ đợi.
Trong cuộc trò chuyện với PV, HLV Minh Tú đã gửi lời xin lỗi đến những anh chị phóng viên có mặt tại sự kiện và khán giả: “Tú xin nhận lỗi. Dù có giải thích gì đi nữa thì sai vẫn là sai, lỗi vẫn thuộc về Tú. Nhưng mà thực sự, ban tổ chức thông báo với Tú cũng như Hoàng Thùy và Lan Khuê đến lúc 10h30 chứ không phải 9h30. Trước đó, các HLV và thí sinh có lịch quay chương trình, Tú về đến nhà là 3h sáng và đi ngủ thì đã 4h sáng rồi. Thức dậy lúc 6h sáng, Tú đã bị lả đi nên người nhà đã đưa đi truyền nước biển. Đó chính là lý do Minh Tú đến muộn”.
Chuyện sao Việt đến sự kiện muộn cả tiếng đồng hồ chẳng phải giờ mới có. Trước đây, làng giải trí Việt đã nhiều lần nổi sóng vì những lần khách mời nổi tiếng đến muộn khiến chục người, thậm chí cả trăm người phải chờ đợi.
Một trong những người chịu nhiều điều tiếng nhất liên quan đến “giờ cao su” là Angela Phương Trinh. Tại sự kiện của NTK Adrian Anh Tuấn hồi năm ngoái, Angela Phương Trinh đã đến muộn hơn 1 tiếng đồng hồ khiến nhiều người bức xúc. Vụ việc còn trở nên lùm xùm hơn khi lời xin lỗi sau đó của nữ diễn viên bị dư luận đánh giá là hời hợt, thiếu chân thành. Tại thời điểm đó, cô gái trẻ đã phải chịu nhiều chỉ trích từ các đồng nghiệp và công chúng.
Mặc dù, sự việc đến muộn luôn khiến các khổ chủ lao đao vì búa rìu dư luận, uy tín của họ cũng bị rơi vãi đi vài phần, nhưng nhiều người đẹp dường như chẳng màng đến những điều đó. Sau xin lỗi vẫn là những lần đến muộn. Giờ đây, “giờ cao su” được coi là vấn nạn trầm kha của làng giải trí Việt.
Theo đạo diễn Đinh Hải Anh - một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực sản xuất và tổ chức sự kiện, chuyện khách mời nổi tiếng đến muộn vẫn thường xuyên xảy ra và nhà tổ chức luôn phải có sẵn vài ba phương án để “chữa cháy”.
“Tôi thấy việc khách mời nổi tiếng đến muộn là cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và gây nhiều khó khăn. Chúng tôi thường sẽ đợi khách mời trong một thời gian nhất định và nếu không được, chương trình buộc phải bắt đầu. MC sẽ phải làm việc nhiều hơn để kéo dài thời gian, ê-kíp cũng cần làm thêm nhiều việc để bù đắp vào khoảng trống do khách mời đến muộn để lại, nhà tổ chức mất uy tín với đối tác và đủ thứ rắc rối khác nữa”, ông Đinh Hải Anh bộc bạch.
MC Phương Mai, một trong những người được đánh giá cao về sự chuyên nghiệp trong công việc cũng đã thể hiện sự bức xúc khi nói về “giờ cao su”. Với cô, đó là cách làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng. Người đến muộn gây nhiều phiền toái, chứ không hẳn là đến sau mọi người vài phút. Người đến muộn thường không biết đến sự nỗ lực thầm lặng trong hậu trường. Ê-kíp chương trình thường không có thời gian ăn uống mà phải đợi đến khi kết thúc chương trình, dọn dẹp xong mọi thứ rồi mới ăn cơm. Thế nên, đến đúng giờ không chỉ là câu chuyện của sự chuyên nghiệp nữa, mà là sự san sẻ, yêu thương, thông cảm với những người xung quanh mình.
Mỗi khi sự việc đến muộn bị báo chí phanh phui, dư luận lên án, khổ chủ luôn mang những lý do quen thuộc như kẹt xe, sức khỏe không tốt, có việc gấp, lịch làm việc quà dày,... để giải thích. Thế nhưng, chẳng mấy lúc lời giải thích ấy thuyết phục được dư luận. Bởi, dù đó là lý do gì thì việc để những người khác phải đợi, gây ảnh hưởng xấu đến công việc chung là một cách làm việc thiếu tôn trọng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hợp đồng ký kết giữa khách mời nổi tiếng và nhà tổ chức sự kiện, thời gian luôn được quy định rõ ràng. Trước thời điểm sự kiện diễn ra, khách mời luôn nhận được lời nhắn đến đúng giờ từ nhà tổ chức. Vậy, tại sao khách mời dù biết rõ về thời gian vẫn đến sự kiện muộn khiến nhiều người phải đợi? Họ thực sự có việc bận hay vì một lý do nào khác?
Khi được hỏi, có quan điểm cho rằng, khách mời nổi tiếng đến muộn vì mục đích “chơi trội”, ông Đinh Hải Anh cho biết: “Tôi cũng đã nghe về điều này và nếu đó là sự thật thì đây là điều không thể chấp nhận được. Tôi hoàn toàn không đồng tình với cách suy nghĩ trên. Đây là quan điểm hết sức sai lầm. Khi bạn đã không chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng đơn vị tổ chức và khách hàng thì rất khó có cơ hội hợp tác lần thứ hai”.
Đúng giờ luôn là điều cần thiết, nó thể hiện sự tôn trọng cam kết của chính mình, tôn trọng đối tác và tôn trọng khán giả. Sự tôn trọng đó, chuyên nghiệp đó không chỉ giúp khách mời nổi tiếng tránh được búa rìu dư luận mà còn giúp họ xây dựng hình ảnh đẹp của bản thân.
Ở các kinh đô giải trí, đúng giờ luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Siêu mẫu đình đám Miranda Kerr đã từng mất show diễn vì đến muộn, Katy Perry bị khán giả phản đối vì đến muộn,... những phản ứng gay gắt từ nhà sản xuất và khán giả khiến khách mời luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình.
Vậy nên, để căn bệnh đến muộn của sao Việt được chữa dứt điểm thì sự nghiêm khắc, quyết liệt của đơn vị tổ chức sự kiện và khán giả chính là liều thuốc trị bệnh hữu hiệu nhất. Khi nhà tổ chức hủy hợp đồng, từ chối trả cát-xê hay khán giả quyết liệt tẩy chay, những khách mời có thói quen đến muộn kia sẽ dần bớt “hư” và căn bệnh “giờ cao su” sẽ được chữa khỏi.
Dù khá lạ lẫm với khán giả trẻ nhưng ít ai biết 10 năm trước, Lưu Chí Vỹ từng là một ca sĩ thị trường rất nổi tiếng.