DANH MỤC

Quang Hà: “Khối tài sản của tôi khoảng 500 tỷ”

Quang Hà là ca sĩ hạng A nổi tiếng của showbiz Việt. Chàng “Ngỡ” không có những câu chuyện ồn ào về đời tư mà khán giả nhắc nhiều đến những liveshow hàng chục tỷ của anh. Năm 2019, liveshow “Không thể thay thế” mà anh và ê-kíp dành nhiều tâm huyết bị huỷ vào phút chót vì cháy sân khấu Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội), thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Trải qua biến cố, Quang Hà vực dậy, làm nhiều liveshow hoành tráng hơn. Với ca sĩ sinh năm 1981, âm nhạc là lẽ sống, là thứ mà anh muốn cống hiến với khán giả cả đời. Những tình cảm trân quý của khán giả gần xa cũng là động lực để nam ca sĩ sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ.

Chuyên mục "Đàn ông" đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng Quang Hà. Đây cũng là lần hiếm hoi anh chia sẻ nhiều về đời tư với công chúng.

Quang Hà: Đàn ông nợ nần không có gì là xấu... - 3Quang Hà: Đàn ông nợ nần không có gì là xấu... - 4

 - Hơn 20 năm vào nghề, Quang Hà chưa bao giờ vướng scandal, đứng ngoài cuộc trước những ồn ào của showbiz… thay vào đó, anh chăm chỉ chạy show, liên lục ra ca khúc mới, làm liveshow hoành tráng... Đó có phải là cách để anh duy trì tên tuổi?

- Tôi làm nghề bằng cái tâm và cố gắng nỗ lực từng ngày để bản thân phát triển. Tôi may mắn có bố là nhạc sĩ – Vũ Cẩm. Ông là người truyền cho tôi tình yêu, năng khiếu âm nhạc. Lúc tôi hơn một tuổi đã chập chững bám vào giá nhạc của bố. Sau này, ông không trực tiếp dạy tôi kỹ thuật nhưng tạo điều kiện cho con theo đuổi đam mê. Gia đình tôi không quá giàu nhưng bố mẹ luôn cố gắng cho tôi đi sinh hoạt ở cung thiếu nhi, học với các thầy cô có chuyên môn. Tôi nhớ hơn 30 năm trước, bố mẹ đi công tác TP.HCM, bán chiếc lắc tay một cây vàng, mua cho tôi đàn organ. 

Trước khi bố mất, bà nội tôi cũng qua đời. Liên tiếp chia tay hai người thân, tôi suy sụp nhưng không dám gục ngã để làm chỗ dựa cho mẹ. Thời điểm đó, tôi gặp áp lực cân bằng công việc và cuộc sống, âm nhạc là liều thuốc duy nhất an ủi tinh thần. Tôi nghĩ nếu cứ chìm trong đau khổ thì chẳng biết bao giờ bản thân mới gượng dậy. 

Vài năm qua, khi kinh tế ổn định, mỗi năm tôi cố gắng thực hiện một, hai liveshow cá nhân. Trong năm 2022, khán giả yêu mến quá nên tôi “máu” làm luôn chuỗi liveshow ở nhiều tỉnh thành. Làm liveshow cực lắm, có lúc suy sụp vì bị cháy sân khấu, thua lỗ… Nhưng vì đam mê, vì tình yêu của khán giả mà tôi và ê-kíp luôn có gắng. Tôi nghĩ show này lời thì mình sẽ bù cho show trước chẳng hạn, cứ cố gắng cống hiến, được hát là tôi hạnh phúc rồi.

Bây giờ mỗi ngày tôi vẫn dậy sớm để tập vũ đạo. Tôi có vốn ca khúc nhiều nhưng vẫn đầu tư mua bài hát, làm MV. Tôi đau đáu vì vài năm nay mình không có hit nào vượt qua các bài cũ như Ngỡ, Trăm năm không quên.... Tuy nhiên, chuyện đó phụ thuộc vào khán giả, thị trường và duyên số. Thị hiếu của khán giả ngày nay không còn giống một, hai thập niên trước. Họ ưa chuộng nhiều dòng nhạc mới trong khi tôi vẫn duy trì sở trường pop ballad. Cũng may mắn tôi có lượng khán giả trung thành từ trước. 

- Từ ca sĩ có cát-xê 50 nghìn đồng đến hiện tại cát-xê cao nhất từng nhận được là 1 tỷ đồng. Quá trình đó chông gai như thế nào thưa anh?

- Con đường nghệ thuật của tôi không trải hoa hồng. Năm 2013, tôi một mình vào TP.HCM lập nghiệp. Tôi phải làm lại từ đầu mọi thứ. Tôi đi hết phòng trà này đến phòng trà khác xin hát. Nhiều chủ quán từ chối thẳng thừng nhưng tôi vẫn "chai mặt" năn nỉ để được hát lót, thù lao 50 nghìn đồng.

Tôi thuê một căn nhà cấp bốn giá 1,8 triệu đồng ở quận Tân Bình, TP.HCM cùng chị Thúy Vân (nhóm Techno). Thu nhập gần như không có, tôi dùng tiền dành dụm từ Hà Nội để trang trải cuộc sống. Một hôm, trời nóng nhưng hai chị em không dám bật điều hòa, mở cửa sổ cho thoáng, bị trộm khoắng sạch đồ đạc, tiền bạc, còn không có đồng nào đổ xăng để hôm sau đi tập. Nhiều hôm, trời mưa to, nước tràn vào ngập hết tầng một. Có lần bão về, tôi suýt bị mái tôn đổ sập vào người.

Trước khi vào TP.HCM, năm 18 tuổi, tôi đi hát ở các tụ điểm sinh viên, cát-xê 50 nghìn đồng cho vài chục bài. Sau hai năm, cát-xê của tôi mới nâng lên được 150 nghìn đồng.

Tôi cũng cố gắng ra album đầu tiên nhưng không thành công. Tôi không nắm được thị hiếu khán giả. Tôi suy nghĩ nếu lần thứ hai thất bại, tôi sẽ quay về Hà Nội. Đúng thời điểm ấy, tôi được bạn bè giới thiệu với anh Quốc An - người đang nổi đình đám với Cây đàn sinh viên, Hát với dòng sông... Sau vài lần gặp, anh Quốc An mới chịu viết cho tôi bài Định mệnh. Lúc đó, cát-xê của tôi khoảng 80 nghìn đến 100 nghìn đồng nhưng dám vay mượn để mua bài hát giá 5 triệu đồng.

Đúng như cái tên, ca khúc đã định mệnh cho sự nghiệp của tôi. Ca khúc được phát trên chương trình Giai điệu tình yêu của HTV, khiến tôi ngay lập tức trở nên quen mặt. Từ đó, cát-xê của tôi tăng lên 1,2 triệu đồng mỗi show. Thời gian ấy, tôi còn được Châu Gia Kiệt kéo đi hát ở miền Tây. Thập niên 2000, Mỹ Tâm, Lam Trường nổi tiếng ở TP.HCM nhưng Châu Gia Kiệt mới là "ông hoàng" ở miền Tây. Hai chúng tôi thường chạy ba, bốn tỉnh mỗi tối. Vài năm sau, tôi được đi lưu diễn ở Mỹ, cát-xê vài nghìn đô mỗi đêm. Cuộc sống dần tốt lên từ ấy.  

 

Quang Hà: Đàn ông nợ nần không có gì là xấu... - 7Quang Hà: Đàn ông nợ nần không có gì là xấu... - 8

Hiện Quang Hà nghĩ vị trí của mình trong làng nhạc ra sao?

- Công việc ca hát giúp tôi thỏa mãn đam mê, lại có tiền bạc, sự nổi tiếng. Tôi hiện có biệt thự, xe sang, thu nhập ổn định. Ngoài ra, tôi có nhiều bạn bè, mối quan hệ. Tôi được nhiều từ nghề nên luôn muốn cống hiến, ra sản phẩm tốt để tri ân khán giả.

Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về vị trí hiện tại của mình. Tôi nghĩ mỗi khán giả sẽ dành cho tôi một vị trí nhất định trong lòng của họ. Tôi chỉ biết, mình yêu âm nhạc đến quên cả bản thân và được nhiều khán giả yêu thương. Không phải bỗng dưng nhiều năm làm nghề, tôi vẫn tồn tại và hoạt động tốt đến ngày hôm nay. Hẳn phải có lý do gì đó thì mới được như thế.

Tôi yêu âm nhạc đến độ, bình thường không đi hát trên sân khấu, tôi sẽ chui vào phòng thu hoặc hát livestream giao lưu với khán giả. Mỗi người yêu nghề một cách khác nhau, say nghề một cách khác nhau. Mọi người có thể một tuần đến phòng thu vài buổi nhưng tôi cứ ăn xong lại chui vào phòng thu và hạn hữu lắm mới bỏ bê thói quen cố hữu đó. Có những ngày đang thu âm thì bạn bè đến ép đi chơi và phải nể lắm tôi mới chịu đi cùng.

- Anh nghĩ gì khi khán giả dành cho anh danh xưng là “ông hoàng bất động sản”?

- Tiền đi hát được tôi bỏ hết vào két sắt. Tôi chả đếm mà cứ khi nào đầy thì lấy hết đi mua bất động sản. Tôi cũng mua đi bán lại, nên nói có tổng bao nhiêu căn nhà đã mua thì rất nhiều. Bây giờ tôi không nhiều nhà, mà toàn biệt thự to thôi (cười).

- Như mọi người biết, sau Covid-19, thị trường bất động sản lao đao, chúng tôi gọi vui là "vỡ mõm". Mà thời điểm đó, tôi không đi diễn được nên không có thu nhập, toàn phải lấy tiền tiết kiệm ra trả lại. Nếu 1 đến 2 tháng thì còn chịu được nhưng kéo dài đến cả năm như thế thì đúng là kiệt quệ.

Với những người kinh doanh bất động sản thì chuyện nợ nần là rất bình thường nên tôi cứ bình tĩnh để giải quyết. Vì có nói "Quang Hà đang nợ mấy chục tỷ" chẳng ai tin. Bấy lâu mọi người toàn nhìn thấy tôi mua bất động sản và mở rộng khối tài sản của mình chứ có bao giờ thấy tôi đi vay nợ đâu mà tin.

Tôi nghĩ rằng, nợ nần chính đáng không có gì xấu. Mua nhà, mua xe để làm ăn, để kinh doanh chứ không phải để chơi bời, thể hiện mình giàu có nên không có gì phải e ngại cả. Mua cái nhà 2 tỷ mà nợ ngân hàng 500 triệu là chuyện bình thường. Có những người, khi nợ nần họ lại chăm chỉ làm việc và có động lực làm việc hơn.

- Anh có ước tính được khối tài sản của mình là bao nhiêu không?

- Nhà cửa, đất đai thì nhiều nhưng tôi chưa bao giờ ngồi cộng sổ. Anh Quang Cường - quản lý của tôi cho là khoảng trên dưới 500 tỷ.

 

Dùng hết cát-xê ca hát để mua bất động sản, vậy anh tận hưởng cuộc sống ra sao?

- Tôi thuộc tuýp không ăn chơi, đàn đúm… nhưng cứ thích cái gì lại muốn đầu tư. Và đầu tư rồi lại nợ, nợ lại phải "cày" để trả nợ. Tính ra cái thú này lại còn tốn kém hơn những thú khác.

Thực ra, tôi vẫn tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình. Đối với người ta thì như tôi chưa phải là tận hưởng nhưng đối với tôi như vậy là tận hưởng rồi. Ăn bữa cơm có những món tôi thích cũng là tận hưởng. Mua sắm các vật dụng về trang trí nhà cửa cũng là tận hưởng. Tôi không có nhu cầu đi ăn ở nhà hàng 5 sao, đổi xe sang chảnh, dùng đồ hiệu...

- Ở tuổi 41, anh đã nghĩ về việc cưới vợ, có con chưa?

- Cách đây khoảng 7 năm, tôi từng mua một căn chung cư ở TP.HCM để chuẩn bị lấy vợ nhưng rồi lại thôi. Lúc đó, hai đứa từng cùng nhau đi chọn từ những thứ nhỏ nhất nên tôi quyết định không bán, để lại làm kỷ niệm và cho bạn bè ở nhờ. Bạn bè thân thiết của tôi ai cũng biết chuyện đó. Tôi không phải người cả thèm chóng chán nhưng níu giữ một mối quan hệ không có tương lai, để thêm 5 hay 10 năm nữa rồi chia tay cũng chẳng để làm gì.

Tôi từng có sự rung động trước nhiều cô gái nhưng chưa đến mức phải công bố hay dắt tay cùng nhau ra đường. Tôi không có hình mẫu nào cho người ở bên mình, cái gì đến sẽ đến. Tôi đã qua giai đoạn yêu đương nồng nhiệt để phải chia sẻ hạnh phúc lên trang cá nhân. Tôi cũng không thấy thoải mái khi nói về chuyện riêng tư trước công chúng. Khi yêu đương hạnh phúc, chúng ta thường có khuynh hướng khoe ra cho cả thế giới biết. Nhưng cái gì khoe nhiều thì dễ mất đi.

-  Khi yêu, anh là người thế nào?

- Tôi không tránh khỏi những lúc phải bật khóc vì đau đớn trong tình yêu, không nhất thiết là chia tay mà vì trắc trở. Tôi thường dùng âm nhạc để giải tỏa nỗi buồn. Nếu bế tắc, tôi cầu cứu bạn bè tri kỷ. Tôi phải gặp họ ngay để tranh thủ những nguồn năng lượng tích cực của họ, điều chỉnh lại cảm xúc bản thân. Còn khi mệt mỏi, tôi trốn vào phòng thu và ngồi hát bốn, năm tiếng.

Tôi yêu nhiều, cũng từng chia tay với nhiều lý do, nhưng chưa bao giờ phản bội. Với tôi, yêu là phải vui, còn khi tình cảm nhạt dần, có sự rung động mới, người trong cuộc nên chấm dứt mối quan hệ để tránh gây tổn thương cho nhau.

Quang Hà: Đàn ông nợ nần không có gì là xấu... - 11

Content & Media: Trai Úc

Chủ Nhật, ngày 04/12/2022 10:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Trai Úc ([Tên nguồn])