Phóng (sinh) sự: Cuốn theo triều cường

Mỗi khi triều cường về, bà con lại hỏi thăm nhau chuyện "lên đỉnh" có mệt hay không?

>>> Kỳ 1: Tiềm năng “Du lịch triều cường”

>>> Kỳ 2: Lên đỉnh cùng triều cường

Chuyện gì cũng vậy, bên cạnh người buồn thì kiểu gì cũng có một số kẻ vui. Bà con ngồi tám chuyện bảo: triều cường về ai cũng khổ, chỉ có ông sếp ngành thoát nước lĩnh lương 2,6 tỷ là sướng. Nói vậy cũng chưa chuẩn, thực tế thì chả riêng gì ông sếp vừa bị cách chức đó, còn có khá nhiều người kiếm được lợi từ triều cường.

Trước thời cơ lâu lâu lại có một lần, một số doanh nhân thành đạt đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường mùa ngập, lập ra Công ty Dịch Vụ Tư Ích để hốt bạc. Công ty này không làm nhiệm vụ thoát nước như công ty Dịch vụ Công Ích mà là hỗ trợ những người dân khi bị ngập nước. Có thể sếp của Công ty Tư Ích này không lĩnh lương khủng nhưng thu nhập của công ty sẽ rất khủng bởi tiền vào chả khác gì nước vào nhà dân.

Khi đến đoạn đường ngập sâu, xe xịn hay xe đểu đều ngỏm củ tỏi hết lượt. Với các xe cỡ lớn người dân không thể tự dắt mà phải cần đến Công ty Tư Ích dùng xe chuyên dụng chở qua đoạn ngập. Trong hoàn cảnh này người dân không được phép mặc cả đắt rẻ, giá nào cũng phải thuê, nếu tiếc tiền thì cứ việc ngồi đợi đến ngày mai nước rút rồi đi tiếp.

Sau khi dùng hết công lực đưa xe thoát khỏi đoạn đường ngập, người dân lại cần đến một dịch vụ thiết yếu khác của công ty Tư Ích, đó là lau bugi. Chưa kể đến trường hợp nhiều người cố tình chạy khiến xe bị sặc nước hỏng tùm lum, thì cơ bản các xe chỉ cần lau bu gi xong là ổn. Nếu như khi qua trạm thu phí thì vẫn có đứa trốn được vé, còn khi xe bị ướt bu gi thì đố ai thoát được việc nộp “phí”. Vào những ngày đẹp trời thì việc lau bugi chỉ tốn khoảng 3 nghìn đồng, nhưng vào lúc “cao điểm” thì “thượng đế” vẫn phải trả từ 15 đến 40 nghìn, tùy xe. Nhiều người dân tuy có hơi bức xúc vì bị “chém đẹp” nhưng vẫn phải tự nguyện đem xe vào làm và tự giác móc tiền ra trả, chả ai ép buộc câu nào. Hôm rồi có cô gái tỏ thái độ bất bình với thợ: “Anh lau bu gi kiểu gì mà đắt thế? Em chưa bao giờ lau cho ai có 3 phút mà lấy tới 30 nghìn.” Anh thợ nhìn cô gái da trắng muốt, tóc vàng hoe, nghi ngờ hỏi: “Thế em làm ở tiệm nào?”. Cô gái trả lời: - “Em làm ở tiệm mát-xa Hoàng Hôn”.

Với dịch vụ liên hoàn khép gần kín, công ty Tư Ích bố trí khá đầy đủ các dịch vụ cần thiết ở hai đầu đoạn đường ngập để phục vụ bà con một cách chu đáo. Chẳng hạn nếu bạn đi một đôi giầy hàng hiệu, bạn không thể hồn nhiên đi giầy lội nước, mà phải tháo ra treo lên xe hoặc vắt lên cổ, khi đó bạn cần một đôi dép lào để đi tạm, thế là dịch vụ sẽ cung cấp ngay cho bạn đôi dép lào với giá suýt soát hàng hiệu. Hoặc nếu bạn bị vấp tét chân hoặc té bầm mặt, ngay lập tức các nhân viên y tế đến chăm sóc chu đáo y như khi ta xem bóng đá trên ti vi vậy.

Ngoài các công ty hoạt động chuyên nghiệp như Tư Ích, các hộ cá thể cũng góp phần cung cấp dịch vụ hết sức rầm rộ. Những người không có tay nghề chuyên môn thì tham gia đội quân đẩy xe, cõng người qua chỗ ngập, vận chuyển đồ đạc chạy nước, và thậm chí là đi chợ thuê cho người dân sống ở khu vực ngập... Dù chỉ là lao động chân tay nhưng công việc này đem lại thu nhập tương đối khá. Như một người trong nghề đã tâm sự, trong một năm chỉ cần làm vài ngày triều cường là đủ sống khỏe re, quả thật rất ấn tượng!

Kinh doanh là một chuyện, còn hàng xóm láng giếng giúp đỡ nhau lại là chuyện khác. Người Sài Gòn nổi tiếng sống đẹp, mỗi khi triều cường về họ giúp nhau cũng rất đẹp, vô tư, không vụ lợi. Chính tinh thần vô tư ấy đôi khi đã mang đến những món lợi bất ngờ còn lớn hơn cả tiền bạc.

Điển hình là chuyện anh Tư Mập, là người hiền lành chất phác, sống độc thân ở khu Thanh Đa. Mỗi khi triều cường lên, bà con trong xóm nhờ vả gì anh đều giúp nhiệt tình, từ khiêng tủ lạnh đến đắp cát chắn nước, thậm chí thu gom xong nồi và giữ chó mèo... anh đều không nề hà. Gần nhà anh có chị Bé Hai mới ly dị chồng, phụ nữ chân yếu tay mềm nên thường cậy nhờ anh bê đồ mỗi khi nước ngập. Vốn thật thà, chị nhờ bê đồ gì là anh bê cái đó, cứ bê xong rồi lại về ngay. Tức mình chị nhờ anh khuân nguyên đống gạch trước nhà để lên gác xép cho khỏi ướt, anh làm theo cho đến lúc mệt phờ rồi ngủ luôn tại nhà chị. Thế là từ đó, anh Tư ngày nào cũng thấp thỏm mong triều cường về để được sang nhà chị hàng xóm giúp... bê gạch.

Có một chuyện tình khác lãng mạng hơn mà nguyên nhân tác hợp cũng chính từ... triều cường. Anh Bảy Xe Ôm ở đường Hòa Bình – con đường ngập sâu nhất Thành Phố, cứ mỗi khi triều cường về là anh không thể chạy xe ôm được nên chuyển sang nghề cõng ôm, tức là cõng người qua đoạn đường ngập. Ở khu đó có một tiểu thư rất xinh, mỗi khi triều cường lên đỉnh thì cô không thể đi làm bằng xe, càng không thể lội nước vì sẽ làm ướt bẩn hết đồ đẹp, thế là cô buộc phải dùng đến dịch vụ cõng ôm của anh Bảy. Nam nữ đang tuổi xuân thì, ôm nhau riết đâm ra nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Có lần bà con ở gần đó nghe lỏm được câu chuyện của hai người trong lúc đang cõng nhau:

- Như thế này đã lên đỉnh chưa em nhỉ?- Chàng hỏi.

- Mới có thế này thì làm gì mà đã lên đỉnh được.- nàng nũng nịu.

- Mà sao anh thấy nhiều nước quá. – Chàng vừa nói vừa thở hổn hển rồi cố gắng bước đi từng bước nặng nhọc...

Các cụ nói “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, ấy là nói về sự tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn. Đối với bà con sống ở vùng bị ảnh hưởng của triều cường thì lúc khó khăn nhất chính là khi triều cường lên đình. Bởi vậy người dân nơi đây thường có câu: “hàng xóm láng giềng cứ lên đỉnh là có nhau” hoặc “sống với nhau, hay hay dở là ở lúc... lên đỉnh”. Hy vọng mỗi khi triều cường lên đỉnh, chúng ta hãy giúp nhau bằng sự chân thành, chứ đừng có chơi trò té nước theo... triều cường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN