Triều cường, phóng (sinh) sự

Chúng ta cùng xem tiềm năng ngành công nghiệp không khói: Du lịch triều cường!

Kỳ 1: Tiềm năng “Du lịch triều cường”

Bạn đang đi trên đường giữa trời nắng bỗng dưng gặp đoạn đường ngập nước, nếu bạn tỏ ra ngạc nhiên thì đích thị bạn không phải là người Sài Gòn và không hiểu gì về Sài Gòn. “Cứ mưa là ngập” là câu cửa miệng của nhiều người dân ở những thành phố lớn, nhưng ở Sài Gòn bạn cần biết câu: “không mưa cũng ngập”, đó là do ảnh hưởng của triều cường. Và nếu cần kể tên 3 thứ quen thuộc nhất của Sài Gòn thì có lẽ đó là Chợ Bến Thành, bia Sài Gòn Đỏ và... triều cường.

Cứ mỗi tháng đôi lần, mỗi lần vài ba ngày, triều cường lại ghé “thăm” bà con. “Vị khách” không mời mà đến này đã khiến cho cuộc sống của bà con cứ đảo lộn tùng phèo. Hầu như mọi mặt của đời sống người dân đều bị cái anh triều cường này thò chân vào chọc ngoáy.

Hình ảnh dễ thấy và thường thấy nhất đó là ngập đường. Bà con đang đi đường ngon lành, bỗng dưng muốn khóc khi thấy nguyên “con sông” trước mặt, thế là hết đi. Khổ nỗi, dắt xe đã khổ, nhưng không được khổ một cách suôn sẻ, cứ dắt được vài bước lại té lộn nhào cả người lẫn xe. Đường ngập thường xuyên nên rất nhanh xuống cấp, ổ gà ổ voi và hang cua đầy mặt... “đáy sông”, đi lọt hố như chơi. Đang đi đường mà gặp “khúc sông” này đảm bảo người điềm đạm đến mấy thì cũng phải... chửi thể. Chả biết chửi ai, nhưng “nhục” quá cứ chửi cái đã.

Đấy mới chỉ là nỗi khổ của những người... qua đường. Là người dân sống trong vùng bị ngập thì mới thấy cái cảnh! Có nhà bác kia vốn có máu văn nghệ, một lần nổi hứng làm thơ thế này:

“Nửa đêm đang ngủ lim dim
Bỗng đâu nàng đến làm ch...ân ướt mèm”

Mới nghe ai cũng tưởng bác ý làm thơ tả bậy tả bạ, hóa ra là nói về triều cường, nửa đêm đang ngủ ngon lành bông dưng nước dâng ngập ướt h

ết người. Chuyện bà con nửa đêm hò nhau dậy chạy đồ đạc và khẩn trương tát nước... là chuyện thường như cơm bữa.

Nước ngập thì phải chạy đồ cho khỏi ướt, nhất là đồ điện tử thì chỉ cần chậm một tí là... làm quà cho ve chai (đồng nát) ngay. Đồ nhẹ thì còn được, chứ đồ nặng như máy giặt, tủ lạnh mà chạy thì quả là cực hình. Thôi thì tiếc của, có cực mấy thì cũng phải cố mà dọn, ấy thế những vẫn có thứ nặng đến nỗi biết “chết” mà không cứu được. Năm trước, một gia đình ở phường Linh Trung – Thủ Đức có vườn mai đẹp chờ tết rất “có tương lai”, ngờ đâu nước triều dâng cao vượt mức... kế hoạch, làm thúi rễ chết mất tết.

Triều cường về, sinh hoạt của người dân khổ cả từ khâu... vệ sinh, và không có gì bất tiện bằng chuyện... “đại tiện”. Nước lên lênh láng hết cả thì nhà vệ sinh tất nhiên là phải ngập, mà nhà vệ sinh đã ngập thì chỉ có... “nhịn”, mắc mấy cũng phải cố mà “nhịn” chứ đi vào đâu được. Chẳng may ai mà có bị tào tháo rượt đúng lúc triều ngập thì chỉ còn nước dùng... bịch nilon.

Lúc ngập rồi thì chả riêng chuyện vệ sinh phải nhịn, mà chuyện “tình cảm” cũng phải nhịn luôn. Có cặp vợ chồng trẻ nọ than phiền rằng hôm cưới không biết thầy bà xem ngày thế nào mà chọn đúng ngày triều cường lên đỉnh, đêm tân hôn hai vợ chồng chả được “lên đỉnh” mà cứ phải hì hục tát nước suốt đêm.

Bà con vất vả tốn sức lực tí cũng còn đỡ, chứ ai cũng ớn cảnh nước ngập cuốn theo rác rưởi (và tất nhiên là có cả những thứ... nổi lềnh phềnh) hôi thối khắp nơi kéo theo đủ các thứ bệnh dịch. Những nhà có điều kiện kinh tế, họ nâng nền nhà cho đỡ ngập, nhưng khổ cái cứ nâng được năm trước năm sau lại ngập. Nhiều nhà nâng nền đến ba bốn lần, nâng riết rồi đến lúc hết tiền, không hết tiền thì cũng hết chỗ để nâng vì nó suýt đụng tới trần, thế là cuối cùng “Sơn Tinh” đành chịu thua “Thủy Tinh”.

Chả riêng gì chuyện sinh hoạt thường ngày, chuyện buôn bán làm ăn lại càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi triều cường. Các cửa hàng buôn bán hai bên đường mỗi khi triều lên thì chỉ có lo dọn đồ và tát nước chứ tâm trí nào mà bán, mà có muốn bán thì cũng chả có ai mua, chỉ có ế và ế. Người ta đồn rằng, các hộ kinh doanh ở khu vực thường xuyên bị ngập, bên cạnh bàn thờ Thần Tài còn có cả bàn thờ Thần Triều Cường, cầu cho “Thần” về càng ít càng tốt.

Nghe đâu hằng năm ngân sách chi hàng nghìn tỷ đồng để chống ngập, nhưng với tình hình triều cường “năm sau cao hơn năm trước”, số điểm ngập do ảnh hưởng của triều cường không những không giảm mà còn tăng lên. Trước thực trạng ngập ngày càng sâu và rộng, bà con vùng ngập đã xác định tư tưởng... sống chung với lũ.

Người xưa có câu “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” tức là thuận theo thiên nhiên thì sống, còn cưỡng lại thì chỉ có chết. Bà con xác định sống chung thì phải nương theo mà sống một cách hòa hợp, chứ có cay cú chửi bới, chửi trời hay chửi con trời thì cũng chả tác dụng gì. Thế nên nhiều người đã thay đổi hẳn thái độ, rất cởi mở và vui vẻ đón triều cường, làm cho cuộc sống tươi đẹp hẳn lên.

Vui nhất là bọn trẻ con, triều cường lên ngập đường thế là chúng có cớ để nghỉ học. Nghỉ học chúng bày ra đủ các trò chơi dưới nước vui chẳng kém gì ở Suối Tiên hay Đầm Sen, nơi mà chúng chả mấy khi được đi. Bọn trẻ được bơi, được ngụp lặn ngay trong nhà, sân nhà hay đầu hẻm vô cùng tiện lợi và an toàn.

Nhằm cải thiện đời sống cho dân, nhiều địa phương đã phát động các cuộc thi sáng tạo và đã thu được nhiều ý tưởng phát minh có giá trị thực tiễn rất cao. Có một số ý tưởng xuất sắc của cuộc thi này đã được cấp bằng phát minh sáng chế toàn cầu, như là: mô hình nhà nổi, thủy điện mini vân hành nhờ triều cường, công nghệ thu gom khí bioga từ rác trên mặt nước để phục vụ trong gia đình, bồn cầu chống ngập, đồ điện tử gia dụng hoạt động dưới nước...

Nhiều khu phố văn hóa đã tổ chức rất tốt các hoạt động phong trào trong “mùa nước nổi”. Các cuộc thi nghiệp vụ như “tát nước nhanh”, “bê đồ khỏe”, “dọn bùn sạch” được bà con tham gia rất nhiệt tình. Những môn thể thao quen thuộc như bơi lội, đua thuyền đường phố, té nước theo mưa, đánh bùn sang ao... thu hút được đông đảo người dân tham gia. Mặc dù chỉ là các cuộc thi phong trào nhưng đã đóng góp rất nhiều vận động viên cho đoàn thể thao thành tích cao. Theo giới chuyên môn nhận định, cứ 3 người vô địch môn bơi lội toàn quốc thì có 1 người là dân sống ở khu bị ngập do triều cường.

Với những đặc điểm rất riêng, nhiều chuyên gia nhận định triều cường Sài Gòn có tiềm năng du lịch rất to lớn. Với khung cảnh không khác gì ở Venice, những tua “du lịch triều cường” sẽ vô cùng hút khách không chỉ với du khách quốc tế mà ngay cả khách bản địa. Chúng ta thử hình dung, giữa cái nắng Sài Gòn như đổ lửa, du khách được bơi thuyền trên những con đường mát dịu, nghe đờn ca tài tử và ngắm cảnh bà con tấp nập tát nước hệt như lễ hội té nước của người Khơ-me... lãng mạn vô cùng.

Vậy đấy, thiên nhiên khó cưỡng, “sống chung với lũ” là một phương châm trên thuận “sách trời” dưới ổn lòng dân. Với chiến lược quy hoạch xây dựng đi tắt “chặn đầu” khiến cho nước vào thì dễ, ra thì khó, thì tình hình ngập do triều cường sẽ còn là câu chuyện dài tập. Đó sẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca và báo chí.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN