Phiếm đàm: Người sống và thần thánh

Ngày nào đó, cả thần thánh và bạn bè, khách khứa sẽ quay lưng lại với chúng ta.

GS.TS. Ngô Đức Thịnh đã cảnh báo nguy cơ xã hội trở thành nô lệ của thần thánh. Nhưng thiết nghĩ, đó mới chỉ là cái vỏ ngụy tạo bên ngoài, nếu nhìn sâu hơn, thần thánh chẳng những không bắt được ai làm nô lệ mà đang bị chính con người biến thành "nô lệ".

Tháng Giêng là tháng ăn chơi...

Công bằng mà nói, không phải đến bây giờ nước ta mới nảy sinh nhiều loại lễ hội đến vậy. Vì từ ngàn xưa, cha ông đã truyền nhau câu ca: Tháng Giêng là tháng ăn chơi, đủ để thấy người Việt xưa dành hẳn một khoảng thời gian cho mùa lễ hội. Vì lễ hội cứ diễn ra dồn dập: Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng.

Theo thống kê, mỗi năm có tới 500 lễ hội nổi bật, chưa kể còn vô số những lễ hội nhỏ khác. Như vậy, tính ra mỗi ngày đã có hơn một lễ hội được tổ chức và mùa "ăn chơi" không chỉ gói trong tháng Giêng nữa, vì ngoài những lễ hội truyền thống, chúng ta tổ chức thêm rất nhiều lễ hội và sự kiện văn hóa có tính lễ hội mới.

Có thể tự hào để nói rằng, văn hóa Việt Nam là văn hóa lễ hội. Nhiều người nước ngoài quan sát việc người Việt Nam quanh năm suốt tháng trẩy hội đã kết luận dân tộc ta sống lạc quan, yêu đời.

Phiếm đàm: Người sống và thần thánh - 1

Lễ dâng hương trong Hội Gióng. Ảnh: baothainguyen

Từ góc độ lịch sử, số lễ hội dày đặc này một phần do quá khứ xây dựng và bảo vệ đất nước đã sản sinh ra nhiều anh hùng được nhân dân thờ phụng, tôn vinh là thần thánh; kết hợp với tính cộng đồng của người Việt và truyền thống tôn kính trời đất, ông bà tổ tiên.

Trong các lễ hội truyền thống, phần lễ và phần hội rất tương xứng với nhau: Lễ trang nghiêm hướng tới thần linh, trời đất để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Hội vui tươi, rộn rã dành cho người sống sau những ngày lao động vất vả. Phần hội thường diễn ra sau phần lễ, và phải phù hợp với phần lễ, không được để hội làm mất tính nghiêm trang của lễ. Đó chính là thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, một nét đẹp văn hóa, tâm linh đáng trân trọng.

Người sống trở thành "chủ nô" của thần thánh

Ngày nay, những lễ hội dân gian như thế ngày càng được mở rộng quy mô và nâng tầm thành những lễ hội cấp này, cấp khác. Bên cạnh đó nhiều sự kiện văn hóa mang tính lễ hội đã, đang và sẽ được tổ chức như Lễ hội về nguồn, Festival Huế, Festival Hoa Đà Lạt hay Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội làm không khí lễ hội ở nước ta thêm sôi nổi. Và tất yếu, không thể tránh khỏi những chuyện mà báo chí vẫn dùng từ "lùm xùm" để gọi.

Điều nghiêm trọng nhất cần cảnh báo là việc con người ta đang mượn danh thần thánh để làm những việc không nên, không phải. Nói không ngoa, thần thánh đang trở thành "nô lệ" của con người nếu chúng ta không tỉnh táo điều chỉnh.

Thứ nhất, con người đang biến việc thờ phụng thần thánh, danh nhân thành cơ hội làm bừa. Một việc làm mang nặng tính phong trào hiện nay là xây tượng đài, lập nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ, danh nhân. Những tưởng ý thức "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người sống ngày càng cao, nhưng không, Công viên Hoàng Quốc Việt (Bắc Ninh) sụt bờ kè ngay trong ngày khánh thành. Còn những người dựng tượng đài Chiến sỹ Điện Biên cũng vừa mới ra tòa vì công trình chưa bàn giao đã nứt toang.

Thứ hai, người sống mượn danh thần thánh để kinh doanh. Những lễ hội cổ truyền tao nhã là thế mà tự lúc nào, người ta núp bóng thần thánh để móc túi khách thập phương. Về Đền Hùng mùa lễ hội, người ta thấy nhan nhản những cò mồi đổi tiền lẻ, viết tấu viết sớ. Khi vào trong đền, nếu cần được ông từ khấn riêng cho có bài có bản thì chỉ cần đặt lễ "chẵn" một chút. Ra đốt vàng mã, chẳng may gặp "người tốt" đốt hộ, khách hành hương về nguồn còn bị vòi tiền.

Phiếm đàm: Người sống và thần thánh - 2

Chèo kéo khách tham quan ở lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Dantri

Giếng Ngọc những năm trước còn là nơi để người đi lễ thả tiền, nước giếng được đóng chai chào mời khách thập phương mua uống cho may mắn. Thôi thì những việc ấy chỉ là việc kinh doanh lẻ tẻ của những người dân nghèo, nhưng năm này qua năm khác, rồi ở nhiều đền, nhiều chùa, những việc ấy cứ lặp đi lặp lại rồi ngày càng trắng trợn, liệu thần thánh có vui lòng mỗi khi mùa lễ hội đến?

Thứ ba, người sống tranh cãi, tranh giành nhau để "thể hiện sự hiếu đễ" với thần thánh, với cha ông. Nhân dịp Quốc giỗ, người ta đua nhau làm bánh to bánh nhỏ để cúng tế; giành giật nhau làm đạo diễn chương trình chào mừng Quốc lễ.

Như thế, bề ngoài tưởng chúng ta tôn sùng cổ nhân, thần thánh, lịch sử lắm, nhưng thực chất con người ta muốn "tự tôn" mình gắn với lợi ích riêng tư.

Chắc chắn, thần thánh, danh nhân cũng không hẹp hòi khi con cháu muốn dùng di tích lịch sử, văn hóa để thu hút du lịch, phát triển đất nước. Nhưng quan trọng hơn cả là cách làm có thành kính, có tôn trọng người đã khuất, tôn trọng đấng siêu nhiên không.

Chăm sóc khuôn viên đền chùa miếu mạo cho sạch đẹp, tổ chức du lịch cho đàng hoàng, quy củ, giữ gìn không khí trang nghiêm và nghiêm cấm hành vi buôn thần bán thánh, hủy hoại cảnh quan môi trường, tự khắc khách thập phương và du khách nước ngoài sẽ tìm đến. Đâu cần những lễ hội rườm rà, tốn kém, nhốn nháo khiến du khách đi một lần rồi phát sợ.

Như vậy, cần xem lại thái độ của người sống chúng ta đối với thần thánh, lịch sử, văn hóa trước khi rầm rộ tổ chức những lễ hội, sự kiện hao tiền tốn của. Nếu không có ý thức bảo tồn và kính trọng thực sự, chỉ coi thần thánh như một "công cụ" kinh doanh, chia chác, một ngày nào đó, cả thần thánh và bạn bè, khách khứa sẽ quay lưng lại với chúng ta.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN