Nhật ký người rừng: Cuộc sống văn minh

Cha mình cả đời chả cần cái bệnh viện nào mà vẫn sống gần trăm tuổi đấy thôi.

Ngày... Tháng... Năm...

Thế là mình đã phải sống cùng họ mấy ngày rồi. Từ ngày về đây mình cứ bị hắt xì hơi liên tục, chắc tại bụi bặm quá, thế này mà họ cũng chịu được. Cũng tội, cả khu này bói chả ra cây nào lớn để lên đó làm nhà cho mát. Nhà cửa thì đã nóng, lại còn phải mặc quần áo cả ngày, nóng nực chết đi được. Đường thì đông, ồn ào nhức hết cả đầu, lại còn cả đàn quái thú bằng sắt chạy vè vè sẵn sàng húc chết mình bất cứ lúc nào, khói ở đít nó xịt ra đen xì, làm mắt mình cay xè.

Họ cứ bắt mình ăn những đồ ăn mằn mặn, có lúc lại ngọt ngọt, ăn vào bị tiêu chảy suốt. Đói quá mà phải ăn thôi chứ hồi ở rừng với cha sướng lắm, chả bao giờ phải ăn những thứ tệ như thế này. Ghê nhất là vấn đề vệ sinh, tại sao người ta lại có thể “đi” ngay chỗ mình ở một cách vô tư và hồn nhiên như thế nhỉ? Eo ôi, mất vệ sinh quá, mình không thể nào tưởng tượng nổi!

Ngày... Tháng... Năm...

Nhớ nhà quá! Nhớ rừng quá! Mình đòi về mà họ không cho. Họ dắt mình ra chợ, nói đi cho vui. Trời ơi, vui cái nỗi gì? Chợ là cái gì mà sao bát nháo quá! Người đông như ong vỡ tổ, tranh giành, đụng chạm, chửi bới nhau như mổ bò. Tiền là gì sao họ ham thế nhỉ, mấy người kia như sắp phát điên vì nó kìa.

Dạo vài vòng thấy người ta bàn tán về đồ ăn độc hại. Ngày xưa có nghe cha kể, nhưng nay mình mới nghe người ta nói về nó với vẻ hoang mang thực sự. Có người đi mãi mà không biết mua gì vì sợ, sợ gạo giả, sợ rau thuốc sâu, sợ thịt tạo nạc, sơ tôm cá dư kháng sinh... Ôi sao mà con người ở đây lại khổ sở thế cơ chứ. Hồi ở rừng, thức ăn mình tuy không nhiều vậy, nhưng rất an toàn, chả phải lo lắng gì cả.

Ngày... Tháng... Năm...

Họ đưa mình vào chỗ gọi là bệnh viện để thăm cha. Cha mình bị họ đưa vào đây đã mấy ngày. Họ nói là để chăm sóc sức khỏe, để chữa bệnh. Họ cứ thích “lừa tộc”, cha mình cả đời chả cần cái bệnh viện nào mà vẫn sống đến gần trăm tuổi. Còn ở đây ư, thật đáng sợ! Thức ăn độc hại, môi trường ô nhiễm sinh ra đủ các thứ bệnh tật, đau đớn. Cuộc sống xô bồ quá khiến người ta nên nông nỗi này, tội nghiệp! Mà cái bệnh viện này đáng ghét thật, người bệnh đang đau đớn thế mà cứ bị mấy ông bà mặc áo trắng quát tháo. Rồi tiêm thuốc gì đó thì cứ tiêm đi, sao cứ phải đợi người bệnh nhét tiền vào cái bao giấy đưa cho rồi mới chịu tiêm tử tế là sao?!

Ngày... Tháng... Năm...

Cuộc sống ở đây ngày càng thấy vô vị, tẻ nhạt. Mình cứ kêu buồn là người ta lại bắt mình nhìn vào cái gọi là ti-vi, bắt nghe những tiếng phát ra từ cái gọi là loa. Ở rừng được nghe chim kêu vượn hót véo von cả ngày, đến đây thì phải nghe con người hát. Mặc dù lúc hát, ca sỹ thường cố gắng hú một vài tiếng cho giống với âm thanh của núi rừng, nhưng sao nó ngượng ngạo, giả tạo và vô duyên thế!

Cái ti vi nó cũng cho biết ở đây có những người còn ác hơn thú rừng nữa. Vì tiền, người ta sẵn sàng lừa lọc nhau, cướp của nhau và giết nhau. Ở rừng, loài nào hiền, thú nào dữ mình biết hết, chứ ở đây ai tốt ai xấu chả biết đâu mà lần... Nguy hiểm thật!

Ngày... Tháng... Năm...

Mình đến đây chả quen biết ai, thế mà người ta cứ kéo đến hỏi han bàn tán đủ thứ. Mình biết thừa người quan tâm thì ít, người hiếu kỳ thì nhiều. Có người còn nói rằng mình trở nên nổi tiếng quá, được cả thế giới biết đến. Nghe đâu ở xứ này nhiều người thích nổi tiếng lắm, họ tìm mọi cách, dùng mọi chiêu trò, thậm chí có kẻ chả có tài cán gì nên đã học đòi bắt chước mình... cởi áo cởi quần để được nổi tiếng. Nổi tiếng để làm gì? Báo chí cứ vây lấy mình để làm gì? Chắc là chỉ có họ cần thôi chứ với mình những trò đó hoàn toàn vô dụng.

Ngày... Tháng... Năm...

Mình ở đây đã quá lâu so với quy định rồi. Mình nhớ núi rừng đến quay quắt! Họ vẫn giam lỏng mình, chắc muốn mình trở thành tù nhân? Nhưng mà nghĩ cũng tội nghiệp họ, sống như thế này họ cũng khổ sở lắm chứ!

Thấy mình buồn, mình nhớ rừng, nay họ dắt mình đến nhà ông kia thăm thú cho khuây. Nghe nói ông này làm quan lớn lắm, nên có vẻ cũng biết cách sắp xếp cho cuộc sống một cách tạm ổn. Nhà ông ta khá rộng, cũng có ngọn núi cao cao, có thác nước quanh co chảy xè xè, có những cây gỗ sưa to vài người ôm, rồi cũng nuôi thú dữ như hổ, báo, hà mã, lợn nòi, chó sói, rồi cũng chim kêu vượn hót... Mặc dù không thể hoành tráng như đại ngàn của mình, nhưng cũng thể hiện rằng nhà ông quan này đỡ khổ hơn nhiều người dân phải sống một cách chật chội ngột ngạt. Người ta còn nói ông này là cán bộ, là đầy tớ của dân. Sao đầy tớ chỉ biết chăm lo cho nhà của mình thôi vậy, lẽ ra đầy tớ phải làm nhà cho các ông chủ giống như vậy nữa mới đúng chứ! Ờ, giá mà họ cho mình sang nhà này ở thì có phải đỡ hơn không?

Ngày... Tháng... Năm...

Ở đây đã qua mấy lượt trăng tròn rồi, hôm nay người ta mới nói cho mình biết, vì họ thương mình, muốn tốt cho mình nên mới đưa đến đây và bắt cha con mình phải sống ở đây vĩnh viễn.

Trời ơi! Thế nào là thương? Thế nào là tốt? Hạnh phúc là phải được làm những gì mình thích, được tự do, được vui vẻ, được thanh thản, được an toàn, không phải lo lắng, không phải sợ sệt, không làm hại ai,... Sống ở đây như thế này là tốt sao?

Mình muốn hét lên, hét lên thật to: Trời ơi! Tôi không muốn tốt!

HienMQ

*
* *

“Nhật ký người rừng”, chỉ có ở Hội quán 24H
Những đoạn nhật ký này được lược dịch từ cuốn nhật ký làm từ lá cây, được viết bằng tiếng dân tộc Ơ- Đu. Do người dịch mới bập bẹ học tiếng Ơ- Đu nên rất có thể dịch chưa được sát nghĩa lắm, có chỗ nào chưa đúng mong anh chị em thông cảm. “Nhật ký người rừng” rất dài, Hội quán 24H tóm tắt thành 7 phần, cụ thể như sau:
Phần 1 – Em đến với rừng (đăng ngày 17/9)
Phần 2 – Rừng với tuổi thơ (đăng ngày 18/9)
Phần 3 – Chàng trai của núi rừng (đăng ngày 18/9)
Phần 4 – Tự do giữa rừng xanh (đăng ngày 20/9)
Phần 5 – Ngày định mệnh (đăng ngày 21/9)
Phần 6 – Cuộc sống văn minh (đăng ngày 22/9)
Phần 7 – Trở về (đăng ngày 23/9/2013)

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN