Dù sao "láng giếng gần" vẫn hơn "anh em xa" nhiều
Cái khoản thi thoảng lại có ông hàng xóm vào nhầm giường nhà bà láng giềng thì xưa đến giờ vẫn không đổi.
Hai ông ngồi nói chuyện với nhau. Một ông nói:
- Ngày xưa các cụ có câu: "Bán anh em xa mua láng giềng gần" hay thật.
Ông kia nói:
- Ngày xưa tình làng nghĩa xóm quý lắm, đẹp lắm. Anh em ở xa thì không thể bằng được láng giềng gần. Tối lửa tắt đèn có nhau. Nhà không may có hoạn nạn thì xóm giềng xúm vào giúp đỡ, động viên, chia sẻ. Nhà có niềm vui thì xóm giềng sang chung vui chúc mừng, nồng ấm nghĩa tình.
- Xưa ranh giới hàng xóm với nhau chỉ là rặng cúc tần, bụi ô rô, bờ râm bụt... Thật thơ mộng và gần gũi biết bao.
Ông kia tiếp lời:
- Nhưng người ta bảo đấy là tình nghĩa xóm giềng của thời xa xưa, nghèo nàn và lạc hậu thôi. Còn bây giờ thì bao làng quê đã đô thị hóa, thành phố, thành phường. Tình làng, nghĩa xóm cũng đổi thay biến tướng. Làm gì còn cảnh í ới gọi nhau sang uống bát chè xanh, ăn củ khoai luộc nữa. Nhà nào bây giờ cũng có ăn nhậu tưng bừng đấy, nhưng họ không nhậu với mấy tay hàng xóm nữa, mà bạn nhậu ở những đâu đâu kéo đến cơ.
- Ông nói phải, ranh giới hàng xóm bây giờ là kín cổng cao tường, đèn nhà ai nấy rạng. Nhà mày mà hơn nhà ông thì cứ rờ hồn. Còn câu "mua láng giềng gần" giờ được áp dụng khi ông láng giềng muốn mở mang bờ cõi, muốn cơi nới chút đỉnh ranh giới thì sang nhà ông láng giềng gần thỏa thuận mua đất trắng phớ chứ không phải nghĩa bóng gió gì cả. Hay có thỏa thuận về một thứ quyền lợi, thủ tục, giấy tờ gì đó thì phải mua bằng tiền thật.
- Ngẫm mà thấy buồn, cuộc sống đi lên, thì tình nghĩa xóm giềng đi xuống.
- Gì thì gì, nhưng cái khoản thi thoảng lại có ông hàng xóm vào nhầm giường nhà bà láng giềng, hay vợ ông hàng xóm đi đẻ thì bà vợ ở nhà bên này thấy chồng cứ ôm bụng đau quằn quại, thì từ xưa đến giờ vẫn không thay đổi.
- Chuyện này thì tình cảm “láng giếng” đúng là không sâu hơn cái “giếng làng”.
Vương Đình Trung