Siết hạn mức thanh toán qua ví điện tử: Được gì, mất gì?

Sự kiện: Internet

Đại diện các đơn vị trung gian thanh toán tại Việt Nam tỏ ra lo ngại đối với những quy định về siết hạn mức giao dịch và giới hạn số lượng ví mỗi người dùng được mở.

Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đang trong quá trình lấy ý kiến. Trong đó, có hai vấn đề đang nhận được nhiều phản biện, đó là: Đề xuất hạn mức giao dịch tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với ví cá nhân, tương tự là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với ví của tổ chức; đồng thời Dự thảo cũng quy định mỗi tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử chỉ được phép mở một ví điện tử cho mỗi khách hàng.

Không chỉ từ phía người dùng, đại diện các đơn vị trung gian thanh toán tại Việt Nam hiện nay cũng tỏ ra lo ngại đối với những quy định về siết hạn mức giao dịch và giới hạn số lượng ví được mở nói trên.

Việt Nam đang có 30 đơn vị trung gian thanh toán (ngoài ngân hàng) đã được cấp phép, trong đó có 27 đơn vị triển khai ví điện tử.

Việt Nam đang có 30 đơn vị trung gian thanh toán (ngoài ngân hàng) đã được cấp phép, trong đó có 27 đơn vị triển khai ví điện tử.

Đề xuất bỏ quy định siết hạn mức

Đại diện ví điện tử VNPT Pay cho rằng, nội dung Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN có một số hạn chế cho sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

“Về hạn mức, Thông tư 39 sửa đổi dự định hạn chế hạn mức thanh toán cho khách hàng cá nhân là không quá 20 triệu đồng/ngày và không quá 100 triệu đồng/tháng. Như vậy, những khách hàng cá nhân sử dụng ví phục vụ cho các hoạt động bán hàng, hay các hộ kinh doanh cá thể có thể sẽ bị hạn chế giao dịch”, đại diện VNPT Pay nhận định.

Tương tự, đối với khách hàng là doanh nghiệp, việc hạn chế giao dịch không quá 100 triệu đồng/ngày và không quá 500 triệu đồng/tháng cũng được phía VNPT Pay đánh giá là chưa thực tế. “Đây sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp sử dụng ví điện tử trong kinh doanh, như doanh nghiệp thu tiền tại điểm bán lẻ, các đại lý sử dụng ví điện tử phục vụ bán hàng hóa,…”, đại diện VNPT Pay nói.

Vị đại diện VNPT lưu ý thêm, các quy định nói trên không áp dụng đối với các ví điện tử của cá nhân, tổ chức có ký kết hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tuy nhiên, theo VNPT Pay, đây cũng là rào cản cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khi tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh cá thể,… vốn chỉ mong muốn mọi thứ thật đơn giản và tiện dụng.

Một số dịch vụ của ví điện tử VNPT Pay.

Một số dịch vụ của ví điện tử VNPT Pay.

Do đó, đại diện VNPT Pay góp ý: “Chúng tôi góp ý nên bỏ quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu 1 ví điện tử, thay vào đó nên để tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, quy định về hạn mức, đặc biệt là hạn mức cho đối tượng khách hàng tổ chức/doanh nghiệp cũng nên lược bỏ”.

Được biết, tại VNPT Pay, đơn vị này đang phục vụ hai loại khách hàng là khách hàng cá nhân (gồm cả cá nhân làm đại lý) và doanh nghiệp làm đại lý. Với khách hàng cá nhân, họ có thể sử dụng ví điện tử VNPT Pay như một tài khoản chi tiêu thanh toán hóa đơn nhiều dịch vụ thiết yếu, mua bán hàng hóa dịch vụ (tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị,…), chi tiêu cho giải trí (chơi game, xem phim,…), chuyển tiền cho người thân, bạn bè qua ví điện tử.

“Chúng tôi đang đặt hạn mức tối đa cho 1 ví điện tử của khách hàng cá nhân (không phải đại lý) là 20 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, với khách hàng là đại lý (cá nhân, doanh nghiệp), hộ cá thể, điểm bán hàng, VNPT Pay không áp dụng hạn mức tối đa để phù hợp với thực tế kinh doanh, nghiệp vụ của các đối tượng này”, đại diện VNPT chia sẻ.

Ngoài ra, VNPT Pay không ràng buộc người dùng chỉ được có 1 ví điện tử. Lý do mà đơn vị này đưa ra là họ nhận thấy khách hàng có thể có nhu cầu tạo thêm ví điện tử cá nhân nhằm phục vụ các chi tiêu khác nhau của cá nhân và gia đình; đồng thời khách hàng cũng có thể muốn đăng ký ví điện tử khác khi có nhu cầu kinh doanh riêng.

Liệu có phù hợp với 1 - 2 năm tới?

Trong khi đó, đại diện ngân hàng số ViettelPay cho rằng, với điều kiện hiện tại, hai điểm gây tranh cãi trong Dự thảo Thông tư 39 nêu trên là tương đối thỏa đáng. Tuy nhiên, theo đại diện ViettelPay, điều các đơn vị trung gian thanh toán nói chung và ViettelPay nói riêng đang băn khoăn đó là các quy định này liệu có phù hợp với tương lai, thậm chí là tương lai gần của chỉ 1 - 2 năm tới với tốc độ tăng trưởng cao và biến đổi nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam.

Các dịch vụ trung gian thanh toán dùng QR Code khá tiện dụng.

Các dịch vụ trung gian thanh toán dùng QR Code khá tiện dụng.

“Nếu chính sách/hạn mức cứng được áp dụng thì NHNN cần nắm bắt sát sao thực tế phát triển của thị trường, cũng như các rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ để kịp thời điều chỉnh các hạn mức này cho phù hợp”, đại diện ViettelPay góp ý.

Tại ViettelPay, hạn mức giao dịch mỗi ngày tùy thuộc vào các gói cước mà chủ tài khoản lựa chọn, trong đó gói cao nhất lên đến 100 triệu đồng/giao dịch, tối đa 1 tỉ đồng/ngày. Hiện, ViettelPay đang ràng buộc 1 người với 1 CMND chỉ được mở 1 tài khoản.

“Viettel đã gửi văn bản đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2014/TT-NHNN tới NHNN, trong đó chúng tôi đã rà soát và có ý kiến cụ thể đối với các điểm sửa đổi. Chúng tôi tin tưởng NHNN sẽ xem xét đầy đủ, toàn diện ý kiến của các bên liên quan trong việc xây dựng chính sách để đảm bảo tạo ra khung pháp lý an toàn và thuận lợi cho các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt”, đại diện ViettelPay chia sẻ.

Tiền của mình thì mình xài thôi!

“NHNN ra chế tài về hạn mức giao dịch qua ví điện tử là có nhiều lý do, như có nói đến vấn đề rửa tiền. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác liên quan tới ví điện tử mà sẽ phải bàn rất nhiều trong thời gian tới, khi mà Mobile Money (thanh toán di động - PV) phát triển mạnh. Quy định như thế sẽ dự trù cho sau này, khi có thêm nhiều phương thức nạp tiền vào ví.

Bản chất của ví là dùng để thanh toán các giao dịch mang tính chất vi mô, nhỏ lẻ, thanh toán nhanh gọn không quá cầu kỳ. Do đó, có thể NHNN đang thận trọng khi đưa ra hạn mức giao dịch, nhưng khi người dân có nhu cầu giao dịch nhiều hơn với giá trị lớn hơn thì tôi nghĩ cơ quan nhà nước sẽ chuyển đổi cho phù hợp.

Song quan điểm của tôi là không cần phải hạn chế số tiền giao dịch qua ví. Hãy cứ để cho người dùng ví tự quyết định điều này. Nhưng tôi nghĩ dù ví không giới hạn số tiền giao dịch thì cũng không ảnh hưởng lớn tới việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.

Tại các ngân hàng hiện nay, người ta lo sợ tiền bị mất thì người ta đặt một hạn mức vừa phải, nhưng khi cần phải chuyển số tiền lớn hơn thì người ta chỉ việc thay đổi hạn mức. Một số ngân hàng cho phép khách hàng thay đổi hạn mức trực tuyến nhanh chóng, để rồi sau đó khách hàng có thể chuyển đi vài tỉ đồng/ngày bình thường. Tiền của mình thì mình xài thôi!”.

-- Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Người dùng nói gì về việc siết hạn mức thanh toán bằng ví điện tử?

Siết các quy định thanh toán bằng ví điện tử nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền cũng như các giao dịch bất hợp pháp, nhưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN