Phát hoảng với dịch vụ nhà mạng

Nhiều dịch vụ của các nhà mạng và đối tác đang ngang nhiên “móc túi” người dùng.

Công ty Sam Media tại Hà Nội vừa bị xử phạt vì cung cấp các dịch vụ GTGT sai quy định và đã “móc túi” người dùng điện thoại di động Việt Nam hơn 230 tỉ đồng tiền cước phí các dịch vụ cài sẵn trên thuê bao. Sau sự việc này, nhiều bạn đọc bức xúc phản ánh từng “bị” đăng ký tự động hàng loạt dịch vụ GTGT của các nhà mạng mà họ không hề hay biết.

Bẫy giăng tứ phía

Anh Trần Tâm (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Kiểm tra qua tin nhắn đến tổng đài, tôi được báo đang sử dụng các dịch vụ GTGT của MobiFone gồm: nhạc chờ, bản tin thể thao, xem video clip. Mỗi dịch vụ có giá cước 1.000-2.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng, tôi mất 40.000-80.000 đồng tiền cước”.

Chị Nguyễn Minh Ngọc (quận 6, TP.HCM) nhớ lại: “Gần đây, tài khoản trả trước của thuê bao ĐTDĐ mà tôi mua cho mẹ mình liên lạc với con cháu bị trừ rất nhiều dù bà không nhắn tin, chỉ gọi vài cuộc cần thiết. Gọi tổng đài, tôi được báo thuê bao này đang dùng 7 dịch vụ GTGT khác nhau. Kiểm tra chi tiết thì ĐTDĐ của mẹ tôi thường xuyên xuất hiện các tin nhắn Flash. Chỉ cần bấm vào bất cứ đâu trên các tin nhắn này là dịch vụ sẽ âm thầm tự động đăng ký”.

Phát hoảng với dịch vụ nhà mạng - 1

Người dùng nên kiểm tra các dịch vụ GTGT để tránh mất tiền Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều bạn đọc khác cũng cho biết họ đã kiểm tra các dịch vụ tin nhắn GTGT trên ĐTDĐ và phát hoảng khi phát hiện thuê bao của mình đang sử dụng hàng loạt dịch vụ mà họ không hay biết. Thậm chí, có người còn phát hiện mình đang sử dụng hàng chục dịch vụ như thế. Tính sơ sơ, mỗi tháng họ đã bị trừ hàng trăm ngàn đồng tiền cước.

Một chuyên gia về viễn thông tại TP.HCM phân tích: “Thông thường, các gói dịch vụ GTGT được đăng ký dưới 2 hình thức: Nhắn tin đến tổng đài và click vào một biểu tượng hay đường link trên web. Nhà mạng tự động đăng ký dịch vụ cho thuê bao dưới hình thức khuyến mại, miễn phí đăng ký sử dụng cho chu kỳ tính cước đầu tiên và tính tiền từ các chu kỳ cước tiếp theo. Ví dụ, thuê bao xuất hiện chào mời đăng ký dịch vụ X, khi người dùng làm theo hướng dẫn, tổng đài thông báo đã đăng ký thành công kèm các dịch vụ X1, X2, X3 được miễn phí lần đầu và tính phí lần tiếp theo với giá cước chi tiết trong tin nhắn”.

Trường hợp khác là lừa kích hoạt dịch vụ qua tin nhắn (dạng Flash Pop-up hiển thị tự động trên màn hình). Nhiều tin nhắn được gửi hàng loạt đến người dùng. Khi mở đọc hay bấm vào tin nhắn đó, họ sẽ dính bẫy tự động đăng ký dịch vụ.

Ngoài ra, người dùng còn có thể bị lừa click vào các dịch vụ tải game, hình nền, nhạc chuông qua web/wap trên mạng. Khi đó, họ đã mắc bẫy nhà mạng và đơn vị cung cấp dịch vụ tự động thực hiện tất cả thao tác đăng ký trên web.

Thiếu trách nhiệm, coi thường khách hàng

Đại diện MobiFone cho biết sau khi nhận được thông tin về vụ việc Sam Media và các đối tác, nhà mạng này đã tiến hành rà soát. MobiFone khẳng định không có hợp đồng hợp tác trực tiếp với công ty này trong việc cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng của mình.

MobiFone đã quyết định dừng hợp đồng cung cấp những dịch vụ nội dung trên với các đối tác của Sam Media. Đối với khách hàng đang sử dụng các dịch vụ này, MobiFone đã nhắn tin thông báo về việc dừng cung cấp và dừng trừ cước. Khách hàng có thể phản ánh những vấn đề phát sinh qua đường dây nóng 18001090.

Trong khi đó, Viettel khẳng định không có bất cứ hợp tác nào với Sam Media. Hiện chỉ có Công ty CP đầu tư ACOM kinh doanh dịch vụ Gamepark trên đầu số 6909 (hợp tác với Sam Media) ở mạng Viettel. Viettel đã quyết định dừng hợp tác với ACOM và nhắn tin đề nghị khách hàng đang sử dụng dịch vụ của công ty này đăng ký lại nếu có nhu cầu. Với các khách hàng không nhắn tin xác nhận tiếp tục sử dụng, Viettel sẽ hủy dịch vụ.

Đại diện VinaPhone cũng cho biết đã quyết định dừng mọi sự hợp tác với các đối tác cung cấp dịch vụ nội dung có liên quan đến Sam Media. VinaPhone sẽ khóa tất cả đầu số tin nhắn dịch vụ GTGT liên quan đến công ty này để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo nhiều chuyên gia viễn thông, các nhà mạng hợp tác với các công ty cung cấp những dịch vụ nội dung qua tin nhắn được chia 40% - 70% doanh thu và đã “ung dung” ẵm trọn cả trăm tỉ đồng trong 230 tỉ đồng từ Sam Media. Công ty này chỉ bị xử phạt vài chục triệu đồng, còn 230 tỉ đồng của người dùng thì “một đi không trở lại”. “Nhà mạng từ chối trách nhiệm bồi thường cho khách hàng và đổ lỗi cho các công ty dịch vụ nội dung, đây là hành động thiếu trách nhiệm, coi thường khách hàng” - một chuyên gia nhìn nhận.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP..HCM, đề nghị: “Cần xem xét trách nhiệm nhà mạng như là một hành vi lừa đảo người dùng. Mỗi người dùng có thể chỉ mất vài ngàn đồng nhưng với hàng chục triệu thuê bao thì số tiền thiệt hại vô cùng lớn. Khả năng người dùng được bồi thường là khó do số thuê bao tham gia dịch vụ rất lớn, khó xác định thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, mọi hoạt động đều được lưu lại trên các nhà mạng nên vẫn có thể kiểm tra để xử lý”.

Kiểm tra thường xuyên các dịch vụ

Theo các chuyên gia viễn thông, người dùng nên khẩn trương kiểm tra và hủy các dịch vụ GTGT không mong muốn. Với MobiFone, soạn KT gửi tổng đài 994; với Viettel, soạn TC gửi 1228 và với VinaPhone thì soạn TK gửi 123. Ngoài ra, người dùng có thể đăng ký tài khoản tại website của nhà mạng để kiểm tra các dịch vụ GTGT nào đã được kích hoạt trong thuê bao của mình. Bên cạnh đó, người dùng smartphone có thể tải các ứng dụng di động của nhà mạng, đăng nhập tài khoản để kiểm tra những dịch vụ GTGT đang sử dụng cũng như hủy các dịch vụ không mong muốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chánh Trung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN