Những mỏ Bitcoin hoạt động ngầm trong lòng Trung Quốc

Sự kiện: Tiền điện tử

Sau chiến dịch trấn áp của chính phủ Trung Quốc, nhiều thợ đào Bitcoin đã phải chuyển ra nước ngoài. Nhưng vẫn có những người ở lại và tiếp tục hoạt động bí mật.

Những mỏ Bitcoin hoạt động ngầm trong lòng Trung Quốc - 1

Kirk hiện đang tổ chức hoạt động đào Bitcoin tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, với hy vọng hằng ngày rằng anh không bị cơ quan quản lý địa phương phát hiện và bắt giữ. Giống như nhiều “thợ đào” khác phải chuyển sang hoạt động chui kể từ khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu chiến dịch trấn áp Bitcoin và tiền mã hóa, Kirk - người mong muốn chỉ dùng biệt danh của mình khi nói chuyện với CNBC - phải sáng tạo để tìm cách không bị phát hiện.

Các phương pháp Kirk sử dụng bao gồm chia số thiết bị đào tiền ra nhiều địa điểm nhằm tránh nổi lên trên lưới điện, lấy điện trực tiếp từ những nhà máy điện nhỏ không nối trực tiếp với lưới điện lớn, và nỗ lực giấu kín dấu vết điện tử của mình. Kirk nói với CNBC rằng anh đã quen với việc “xoay xở tìm đường vòng” khi hoạt động tại Trung Quốc, nhưng mức độ rủi ro đã thực sự tăng cao trong vòng 6 tháng vừa qua. 

Theo lời Kirk: “Chúng tôi không bao giờ biết được chính phủ [Trung Quốc] sẽ đi đến mức nào để xóa bỏ hoạt động của mình”. Anh không phải người duy nhất duy trì hoạt động đào tiền ngầm tại Trung Quốc.

Quyết liệt săn lùng hoạt động đào tiền mã hóa

Tuy chính phủ Bắc Kinh đã khiến đa số thợ đào tiền mã hóa phải rời Trung Quốc từ tháng 5 và sau đó quyết liệt trấn áp hoạt động này vào tháng 9 và tháng 11, nhiều nguồn tin nói với CNBC rằng tới khoảng 20% hoạt động đào Bitcoin trên thế giới vẫn còn ở Trung Quốc. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 65-75% trước chiến dịch trấn áp, nhưng cao hơn nhiều so với ước tính 0% từ Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge. 

Dữ liệu từ công ty bảo mật Trung Quốc Qihoo 360 cho thấy hoạt động đào tiền chui vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc. Trong một báo cáo xuất bản tháng 11 vừa qua, nhóm nghiên cứu của công ty này ước tính rằng trung bình có khoảng 109.000 địa chỉ IP đào tiền mã hóa đang hoạt động tại Trung Quốc mỗi ngày. Phần lớn số địa chỉ này đến từ các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông. 

Một phần lý do hoạt động đào tiền mã hóa vẫn còn sống sót tại Trung Quốc là vì nhiều thợ đào tiền không chắc chắn liệu Bắc Kinh có nghiêm túc trong việc cấm hẳn tiền mã hóa hay không. 

Trung Quốc đã nhiều lần có chính sách và hành động ngăn cấm tiền điện tử nói chung, nhưng qua mỗi đợt hành động thì cả quy định và hành động thực thi của chính quyền nước này dường như lại dịu đi. Một số thợ đào tiền mã hóa - đặc biệt là những người tổ chức hoạt động nhỏ lẻ và không đủ tài chính để chuyển ra nước ngoài - nhận biết được xu thế này. Khi những chiến dịch truy quét diễn ra, họ giảm hoặc dừng hoạt động đào tiền, ẩn náu một thời gian rồi quay trở lại hoạt động thận trọng hơn. 

Một cơ sở đào tiền mã hóa tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Washington Post/Getty Images.

Một cơ sở đào tiền mã hóa tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Washington Post/Getty Images.

Nhưng chiến dịch lần này lại có thể khác biệt vì một vài lý do. Đầu tiên, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng nhất trong một thập kỷ, dẫn đến việc phải cắt điện tạm thời tại một số địa điểm. Trong khi đó, hoạt động đào Bitcoin lại tiêu tốn điện năng đáng kể.  

Bắc Kinh cũng đã tỏ rõ lập trường rằng hoạt động đào tiền mã hóa cản trở quá trình hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Trung Quốc, khi mà quốc gia này cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2060. Vào tháng 11, người phát ngôn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Mạnh Vĩ đã lên tiếng chỉ trích hoạt động đào Bitcoin, gọi đó là hành động “vô cùng có hại” và cho biết sẽ có biện pháp trấn áp nghiêm ngặt hơn. 

Mối đe dọa đối với hoạt động đào tiền mã hóa còn đến từ đồng Nhân dân tệ (NDT) điện tử. Trung Quốc hiện đang thử nghiệm đồng tiền điện tử riêng được ngân hàng trung ương phát hành, với tiềm năng cho chính phủ theo dõi lượng tiền lưu thông và các chỉ số tài chính sát sao hơn. Fred Thiel, CEO của Marathon Digital Holdings và một thành viên của Bitcoin Mining Council, cho rằng việc loại bỏ các loại tiền mã hóa khác có thể nằm trong kế hoạch nhằm đảm bảo đồng NDT điện tử được đưa vào sử dụng thuận lợi. 

Dù lý do có là gì đi nữa, việc chính phủ Trung Quốc ngày càng bài trừ với Bitcoin và các loại tiền mã hóa là rõ ràng. Tại các tỉnh Chiết Giang, Giang Tây, Hà Bắc và khu tự trị Nội Mông, chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp bao gồm yêu cầu công chức tự kiểm tra, rà soát các địa chỉ IP để tìm kiếm hoạt động đào tiền, vây bắt các cơ sở đào tiền chui, và khai trừ Đảng/bắt giữ các Đảng viên bị tình nghi tham gia hoạt động đào tiền mã hóa. 

Giới chức Trung Quốc còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động đào tiền bí mật diễn ra tại một số viện nghiên cứu, trung tâm cộng đồng và trường học, vì các cơ sở này được dùng điện với giá thấp hơn giá bình thường. Vào tháng 11, chính phủ Trung Quốc đã cam kết tăng giá điện đối với các cơ sở bị nghi sử dụng điện được trợ cấp để đào tiền. 

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đang nhắm đến các doanh nghiệp nhà nước có liên quan đến hoạt động đào tiền mã hóa. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết đã phát hiện hàng chục công ty do nhà nước sở hữu tại tỉnh Chiết Giang sử dụng nguồn lực công để đào 12 loại tiền mã hóa, bao gồm Bitcoin, Ether, Litecoin và Monero. Trong số 50 người bị kỷ luật, 21 người làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan Đảng địa phương. Tại tỉnh Giang Tô, giới chức truyền thông tỉnh cũng nói rằng 21% số địa chỉ IP tham gia đào tiền mã hóa đến từ các thực thể do nhà nước sở hữu. 

Tuy vậy, những người tổ chức đào tiền mã hóa bí mật như Kirk vẫn tìm được cách để tồn tại. 

Những mỏ đào hoạt động bí mật

Sau khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch trấn áp, phần lớn các tổ chức và cá nhân đào tiền mã hóa dừng hoạt động gần như qua đêm để chờ tình hình yên ắng trở lại. 

Những công ty và cá nhân có quy mô lớn nhất, vốn đã có sẵn mối quan hệ ở nước ngoài và nguồn tài chính dư dả, nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc. Nhiều người trong số đó chuyển thiết bị và đội ngũ của mình sang Kazakhstan, Mỹ và những quốc gia khác có giá điện thấp và hạ tầng sẵn sàng. Một số người khác lại để lại máy móc của mình trong các nhà kho tại châu Á và tìm đến những quốc gia phù hợp, sau đó đặt mua thiết bị mới nhất tại bến đỗ mới. 

Nhưng những thợ đào với thu nhập ít ỏi và thiếu quan hệ tại nước ngoài lại khó rời Trung Quốc hơn. Thêm vào đó, hạn chế đi lại do đại dịch, khủng hoảng chuỗi cung ứng và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại càng khiến họ không thể ra nước ngoài sớm. Bán lại thiết bị đào cũng không phải là lựa chọn hiệu quả do việc máy móc dùng để đào tiền bị bán tháo đã đẩy giá thiết bị lao dốc. 

Theo nguồn tin của CNBC, các cơ sở đào tầm trung chịu thiệt hại nặng nề nhất từ chiến dịch này. Nhưng những cơ sở nhỏ hơn, chẳng hạn như cơ sở của Kirk, lại dễ né khỏi tầm ngắm của cơ quan chức năng hơn. Theo một thợ đào lâu năm, đào tiền mã hóa không còn là một ngành kinh doanh lớn tại Trung Quốc, mà đã trở thành hoạt động nhỏ lẻ, phân tán chủ yếu nhằm giúp thợ đào rời Trung Quốc khi đủ điều kiện. 

Kirk sở hữu 1000 máy đào lấy điện từ lưới và 5000 máy lấy điện trực tiếp từ nguồn thủy điện tại Tứ Xuyên. 1000 máy đào dùng điện lưới được chia ra làm nhiều cơ sở trên cả nước nhằm tránh cơ quan chức năng.

Theo thợ đào lâu năm Marshall Long, cách làm này hiện rất phổ biến đối với nhiều người tại Trung Quốc. Họ thường chỉ sử dụng lượng điện khoảng 20 MW hoặc ít hơn - một con số vô cùng nhỏ bé so với con số 740 MW mà cơ sở đào tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ dự kiến sẽ sử dụng. 

Đập thủy điện Lưỡng Hà Khẩu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã/Getty Images. 

Đập thủy điện Lưỡng Hà Khẩu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã/Getty Images. 

Nhưng Kirk cho rằng vấn đề với cách làm này là điện lấy từ lưới “rất đắt đỏ”. Sử dụng điện từ các nguồn khác, chẳng hạn như nhà máy thủy điện, cho phép các cơ sở đào đạt được biên lợi nhuận cao hơn và dễ dàng hoạt động bí mật hơn. Mùa mưa tại Trung Quốc thường kéo dài từ tháng 5 đến cuối mùa thu, và lượng mưa lớn dẫn đến năng lượng dồi dào từ thủy điện - một nguồn điện dễ được lấy trực tiếp hơn. 

Chiến dịch trấn áp tiền mã hóa của Bắc Kinh được khởi xướng khi mà nhiều thợ đào đã hướng về Tứ Xuyên và Vân Nam - hai tỉnh tập trung phần lớn các đập thủy điện của Trung Quốc và nhờ đó thu hút hoạt động đào tiền mã hóa. Nếu so sánh thủy điện tại các tỉnh này với các nhà máy nhiệt điện than tại Tân Cương và Nội Mông - những nơi từng là thánh địa của hệ thống đào tiền mã hóa - sử dụng điện từ thủy điện khó bị theo dõi và xác định hơn. 

Kirk sở hữu 2 cơ sở tại Tứ Xuyên, một cơ sở có công suất 12 MW và một cơ sở có công suất 8 MW. Theo lời Kirk, một cơ sở có công suất trên 1 MW tại một địa điểm nhất định hiện được coi là đáng kể tại Trung Quốc. 

Công nghệ "ngụy trang" 

Ngay cả trước lệnh cấm hoàn toàn hoạt động đào Bitcoin, các thợ đào đã thường xuyên thuê hoặc thậm chí tự dựng máy biến áp và trạm biến áp riêng nhằm cấp điện từ nhà máy trực tiếp đến các cơ sở đào tiền.

Tại một cơ sở tại Tứ Xuyên, Kirk đã trả tiền thuê một lần để thuê cả một nhà máy phát điện ngoài lưới - một cách để giảm rủi ro bị giới chức phát hiện. 

Tuy Kirk đã cẩn thận để che giấu các cơ sở của mình, hoạt động của anh không hoàn toàn tránh khỏi cơ quan chức năng. Kirk nói rằng China Telecom - một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc - cũng tham gia rà soát hoạt động đào tiền mã hóa bất hợp pháp cho chính phủ Trung Quốc thông qua việc tìm kiếm dấu hiệu sử dụng điện khả nghi. Một khi phát hiện một cơ sở đủ nghi vấn, China Telecom sẽ thông báo cho chính quyền trung ương; thông tin sau đó lại được chuyển cho chính quyền địa phương nơi hoạt động khả nghi diễn ra. Sau đó, chính quyền địa phương sẽ gọi điện trực tiếp cho nhà máy điện có liên quan để tiến hành điều tra. 

Chuyện này đã xảy ra với chính Kirk trong thời gian gần đây, nhưng theo Kirk thì anh gặp may vì chủ nhà máy quý mến anh nên đã quyết định che giấu. Sau cuộc gọi điều tra từ giới chức địa phương, Kirk ngừng hoạt động cơ sở đào tiền vài ngày, có thêm các biện pháp che giấu lưu lượng Internet rồi trở lại hoạt động. Thái độ thận trọng như vậy là thiết yếu đối với những người đào tiền mã hóa chui. 

Trước đây, VPN là một phương pháp thường được dùng để che giấu các cơ sở đào tiền. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở hoạt động ngầm đang chuyển sang các “mỏ đào” (mining pool) - hình thức tập hợp các máy đào từ nhiều cơ sở khác nhau để tập hợp năng lực tính toán. Tuy nhiều mỏ đào đã ngừng dịch vụ tại Trung Quốc, nguồn tin của CNBC nói rằng một số mỏ đào nước ngoài vẫn đang nhận đăng ký từ các cơ sở tại Trung Quốc. 

Thông thường, khi một khối giao dịch được “đào” và thêm vào blockchain đóng vai trò sổ cái điện tử, mỏ đào xác nhận khối này sẽ ký tên mình vào khối. Tuy nhiên, theo nguồn của CNBC, khi các cơ sở đào Trung Quốc tham gia một mỏ đào, mỏ đó thường không ký tên vào khối nữa; họ cũng không bắt buộc phải làm vậy.

Điều này có thể giúp lý giải tại sao tỉ lệ hashrate toàn thế giới của Trung Quốc giảm về 0% vô cùng nhanh chóng. Đó là vì chỉ số này phụ thuộc vào dữ liệu được các mỏ đào tự nguyện chia sẻ. Theo Kirk, tuy các mỏ đào khá im hơi lặng tiếng về chuyện làm việc với các thợ đào Trung Quốc, họ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật đối với các cơ sở tại quốc gia này. 

Một mỏ đào mà Kirk tham gia đã giúp anh xây dựng một máy chủ có chức năng “ngụy trang” cơ sở đào tiền bằng cách giảm số “điểm kết nối” của cơ sở. Khi một địa chỉ IP có hàng ngàn “điểm kết nối”, mới mỗi điểm trong số đó gửi đi lượng dữ liệu lớn, địa chỉ IP đó sẽ trở nên đáng nghi với giới chức địa phương, đặc biệt tại một số vùng thưa dân ở Tứ Xuyên. Công nghệ mà mỏ đào giúp đỡ Kirk thiết lập và sử dụng sẽ khiến cơ sở đào tiền mã hóa trông giống một hộ gia đình bình thường nếu chỉ nhìn qua địa chỉ IP. 

Thiết bị đào tiền mã hóa được rao bán tại quận Thâm Thủy Bộ, Hồng Kông. Ảnh: SCMP/Getty Images.

Thiết bị đào tiền mã hóa được rao bán tại quận Thâm Thủy Bộ, Hồng Kông. Ảnh: SCMP/Getty Images.

Cuộc di cư mùa khô 

Nhưng những thợ đào tiền mã hóa bí mật tại Trung Quốc lại đang gặp phải một vấn đề mới vô cùng nghiêm trọng: Mùa mưa đã kết thúc. Vào những năm trước, các thợ đào sẽ chuyển thiết bị bằng đường bộ lên Tân Cương hoặc Nội Mông để dùng điện từ các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, hiện giờ cả hai khu vực này đã “đóng cửa” với giới đào tiền.

Kevin Zhang từ công ty tiền mã hóa Foundry cho biết: “Chuyện giờ sẽ rất thú vị. Nhiều cơ sở đào tiền sẽ phải đầu hàng và gửi thiết bị máy móc ra nước ngoài”. Zhang ước tính tỉ lệ hashrate của Trung Quốc sẽ tụt về mức 5% một khi các đập thủy điện dần cạn hơn, và khả năng cao các thợ đào sẽ hướng về phía nước Mỹ. 

Kirk đang xem xét lựa chọn này. Nhưng cho đến khi anh đạt được thoả thuận chắc chắn với một bên cung cấp hạ tầng tại Mỹ, Kirk sẽ tiếp tục chờ đợi và giữ lại phần lớn thiết bị của mình và chỉ bán một số máy Antminer ASIC S19. 

Nguồn: [Link nguồn]

Dự báo mỗi Bitcoin có thể đạt 14 triệu USD: Bạn nghĩ sao?

Hiện nay đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan tới giá trị của Bitcoin và sự đóng góp của nó đối với nền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Phong (Theo CNBC) ([Tên nguồn])
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN