NASA: Tiểu hành tinh chưa từng biết áp sát Trái Đất sáng nay

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Tiểu hành tinh này mang tên 2023 MU2, có thể to như một tòa nhà 3 tầng và là một trong những vật thể không gian tiếp cận gần Trái Đất nhất từ trước đến nay.

Theo Trung tâm nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) thuộc NASA, tiểu hành tinh 2023 MU2 vừa bay xuyên qua khoảng giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

Khoảnh khắc nó đến gần địa cầu nhất là 19 giờ 19 phút tối 25-6 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 7 giờ 19 phút sáng 26-6 theo giờ Việt Nam.

Quỹ đạo của 2023 MU2 (màu vàng) cắt ngang quỹ đạo Trái Đất (Earth - màu trắng) - Ảnh: DỰ ÁN KÍNH VIỄN VỌNG ẢO/EU

Quỹ đạo của 2023 MU2 (màu vàng) cắt ngang quỹ đạo Trái Đất (Earth - màu trắng) - Ảnh: DỰ ÁN KÍNH VIỄN VỌNG ẢO/EU

Theo tờ Space, vật thể từng gây giật mình cho cộng đồng thiên văn bởi lần đầu tiên nó được nhận thấy là ngày 16-6, chỉ trước thời điểm lướt qua Trái Đất vài ngày, quá ngắn cho bất kỳ nhiệm vụ phòng thủ hành tinh nào.

Đường kính ước tính của vật thể là từ 3,9 đến 8,8 m, tức độ lớn dao động từ cỡ một ngôi nhà cho đến một tòa nhà 3 tầng.

Tiểu hành tinh được xác nhận và đặt tên bởi Trung tâm hành tinh nhỏ của Liên minh Thiên văn quốc tế hôm 22-6. Những bước nghiên cứu sau đó đã giúp người Trái Đất thở phào.

Mặc dù 2023 MU2 tiếp cận chúng ta với khoảng cách 215.000 km, tức khoảng 60% khoảng cách Trái Đất - Mặt Trăng. Con số có vẻ lớn, nhưng trong thiên văn, đó là một "khoảng cách rất gần", theo cách gọi của Dự án Kính viễn vọng ảo của Liên minh châu Âu. Nhưng, may mắn là quỹ đạo của nó ổn định và an toàn, chắc chắn không xảy ra va chạm.

Tạm thời chưa có cảnh báo nào được đưa ra về khả năng vật thể này gây nguy hiểm trong tương lai, khi nó quay lại khu vực gần Trái Đất.

2023 MU2 đã được CNEOS thêm vào danh mục hơn 32.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất và là một trong những cái từng tiếp cận gần nhất. Có rất ít vật thể bay qua khu vực bên trong quỹ đạo của Mặt Trăng.

Việc theo dõi các vật thể có khả năng gây đe dọa được cộng đồng thiên văn quốc tế thúc đẩy chặt chẽ hơn sau "hồi chuông cảnh tỉnh" năm 2013, khi một tiểu hành tinh phát nổ rất bất ngờ ở TP Chelyabinsk - Nga, khiến hàng ngàn người bị thương, cửa kính nhiều tòa nhà vỡ nát do sóng xung kích từ vụ nổ.

Nhiều cơ quan vũ trụ trên thế giới đã thúc đẩy các sứ mệnh phòng thủ hành tinh hiệu quả, trong đó nổi tiếng nhất là thử nghiệm DART của NASA năm 2022: Phóng một tàu "cảm tử" làm lệch quỹ đạo của một tiểu hành tinh.

Nguồn: [Link nguồn]

Mặt Trời sẽ ”đảo ngược” trong năm 2023, phát đi 10 tín hiệu lạ

Một loạt hình ảnh mê hoặc mà con người nhìn thấy trong năm 2023, từ nhật thực lai, "bướm ánh sáng" cho đến cực quang hồng, thực ra là Mặt trời đang phát tín hiệu "sắp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN