Năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo

Sự kiện: Tiền điện tử

Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo không chỉ quản lý về thuế, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mà còn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp, phòng chống lừa đảo.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ vũ khí vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thành xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo trong tháng 5-2025.

Yêu cầu từ thực tiễn

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng trống pháp lý đối với lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá đồng tiền số Bitcoin tăng gần 37%, cán mốc 64.000 USD/BTC (tương đương 1,57 tỉ đồng). Trong khi đó, thống kê gần nhất của Crypto Crunch App - một ứng dụng tại Mỹ chuyên thu thập thông tin về các loại tiền số - cho thấy Việt Nam có gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ.

Mặc dù chưa có khung pháp lý, song hoạt động mua bán, giao dịch tiền ảo tại Việt Nam diễn ra khá sôi động thông qua các sàn quốc tế. Các loại tiền số phổ biến hiện nay như Bitcoin, Ethereum... được không ít cá nhân giao dịch mua bán, đầu tư.

Việc giao dịch, đầu tư tiền ảo hiện nay được thực hiện thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Ảnh: MINH PHONG

Việc giao dịch, đầu tư tiền ảo hiện nay được thực hiện thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Ảnh: MINH PHONG

Anh Nguyễn Dũng Minh (ở Hà Nội) cho biết việc giao dịch mua bán các đồng tiền số như Bitcoin, Ethereum hiện nay khá đơn giản thông qua các sàn giao dịch, với nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, nhiều cá nhân đầu tư tiền ảo ở Việt Nam sử dụng phương thức giao dịch ngang hàng (P2P) - là hoạt động mua và bán tiền mã hóa trực tiếp giữa những người dùng mà không qua trung gian.

Luật sư Bùi Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận tiền ảo, tài sản ảo lĩnh vực khó, liên quan đến công nghệ, tính bảo mật, sở hữu… Hơn nữa nhiều quốc gia cũng chưa thể hiện quan điểm rõ ràng đối với loại tài sản này nên để định hình một khung pháp lý cần rất thận trọng. Dù vậy, luật sư Tuấn khẳng định sự cần thiết phải có khung pháp lý để quản lý, bởi hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư tiền số đang diễn ra hằng ngày. Khi khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo được xây dựng sẽ là cơ sở để quản lý các giao dịch liên quan, bảo đảm các yếu tố về nghĩa vụ thuế, giải quyết các tranh chấp, hạn chế tình trạng lừa đảo. Việc này cũng giúp ngăn chặn rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố qua giao dịch tiền mã hóa.

Nghiên cứu thận trọng

Đại diện Bộ Tài chính cho biết đã giao các đơn vị thuộc bộ, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, đáp ứng tiến độ đề ra. Bộ Tài chính cũng nhìn nhận tiền ảo, tài sản ảo là lĩnh vực khó và "tương đối nhạy cảm" ở Việt Nam.

Còn theo Bộ Tư pháp, trên thế giới, có quốc gia cấm tiền ảo, tài sản ảo nhưng lại có quốc gia thả nổi cho lĩnh vực này hoạt động. Trong khi đó, một số quốc gia cũng đưa ra các điều kiện để siết chặt quản lý. Cơ quan này cũng nhìn nhận lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo dù có những rủi ro nhất định nhưng cũng có nhiều tiềm năng, cơ hội. Do đó, việc xây dựng khung pháp lý cần bảo đảm hài hòa giữa các mặt.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong thời đại kinh tế số, nếu chúng ta chậm trễ trong nghiên cứu chính sách, có thể sẽ bị chậm chân. "Việc chậm chân trong xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo có thể dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Các loại tài sản số được đánh giá rất tiềm năng, là xu thế, nếu chúng ta không kịp thời quản lý, cơ hội có thể trôi qua" - ông Doanh nhấn mạnh.

Theo TS Lê Đăng Doanh, trước hết cần nghiên cứu một cách tổng thể để nhận diện bản chất pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo, từ đó có khái niệm về loại tài sản này. Ông Doanh chỉ rõ thực tế hiện nay, hoạt động đầu tư tiền ảo khá sôi động nhưng do thiếu khung pháp lý nên chưa thể quản lý thuế trong lĩnh vực này. Vì vậy, những yếu tố này cần được bộ, ngành lưu ý khi xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh đối với tiền ảo, tài sản ảo.

Tiền ảo, tài sản ảo là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa được đánh giá hết. Do đó, luật sư Bùi Anh Tuấn cho rằng có thể xem xét xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho tài sản ảo, áp dụng vào những nhóm đối tượng cụ thể, thay vì trên diện rộng. Trong đó, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ảo là một trong những vấn đề quan trọng cần được xem xét.

Coi chừng rủi ro khi giao dịch

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, vào tháng 4-2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Đạo luật về thị trường tiền mã hóa (MiCA), yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền mã hóa thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng và cải thiện quản trị, đồng thời mở rộng các thực thể phải tuân thủ quy định chống rửa tiền. Trong khi tại Anh, Quy định số 5 (về chuyển tiền mã hóa) của Quy định về rửa tiền và tài trợ khủng bố đã có hiệu lực từ ngày 1-9-2023.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy việc thiết lập các nguyên tắc và ban hành quy định, đồng thời bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài sản ảo, cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Đối với người dùng, cần tìm hiểu thông tin, xem xét kỹ về những rủi ro pháp lý, thị trường, công nghệ... trước khi tham gia đầu tư hoặc giao dịch tài sản ảo trong thời điểm hiện nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Bitcoin chỉ là một trong các đồng tiền mã hóa mà các nhà đầu tư tại Việt Nam quan tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH CHIẾN ([Tên nguồn])
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN