Lời khuyên giúp “cai nghiện” smartphone từ một chuyên gia công nghệ

Sự kiện: Công nghệ

Có thể coi smartphone là hiện thân của công nghệ điện tử tối tân nhất, nhưng cũng đồng thời là "vật chủ" ẩn chứa căn bệnh gây nghiện nhiều người mắc phải nhất thời đại @. Liệu có cách nào chữa trị "cơn nghiện" smartphone?

Lời khuyên giúp “cai nghiện” smartphone từ một chuyên gia công nghệ - 1

Smartphone đã thay đổi 180 độ cuộc sống và cách làm việc của con người kể từ giây phút CEO Apple Steve Jobs lần đầu giới thiệu iPhone 2G với toàn thế giới ngày 29/6/2007. Có lẽ không cần phải nói thêm nhiều về những lợi ích smartphone đã đem lại cho chúng ta, nhưng bên cạnh đó cũng không thể chối bỏ rằng chính sự tiện lợi và tính giải trí cao của smartphone đã hình thành nên chứng “nghiện” trong một bộ phận không nhỏ người sử dụng điện thoại thông minh.

Chúng ta đã để smartphone đi quá xa và lấn quá sâu vào cuộc sống, để giờ đây việc ngừng sử dụng smartphone dường như trở nên bất khả thi. Không tiếp tục dùng smartphone đồng nghĩa với việc cách duy nhất để kết nối, trò chuyện hay chia sẻ khoảnh khắc cùng người thân và bạn bè là qua... tin nhắn, hoặc thậm chí là đến khi bạn có thể ngồi xuống truy cập máy tính xách tay hoặc PC. Từ bỏ smartphone còn có nghĩa rằng sẽ không còn thiết bị giải trí cầm tay nào có thể giúp bạn giải khuây, giết thời gian hay đơn giản hơn là cho phép bạn đọc báo cập nhật tin tức hằng ngày. Sự thật là smartphone đã trở thành một phần của con người chúng ta và chúng ta đã quyết định trao một phần nào đó linh hồn cho thiết bị cầm tay nhỏ bé đó từ khi quyết định mua điện thoại.

Lời khuyên giúp “cai nghiện” smartphone từ một chuyên gia công nghệ - 2

Liệu đây có phải cuộc sống bạn thực sự muốn?

Trong một bài đăng trên blog công nghệ nước ngoài, nhà tư vấn công nghệ Nathan Toups đã viết:

“Smartphone rất hữu dụng và tiện lợi, nhưng đồng thời chúng sở hữu khả năng gây nghiện cực lớn, và chính tính gây nghiện đó đã giải thích cho mọi nỗ lực không ngừng nghỉ của Thung lũng Silicon trong việc chiếm đóng lấy tâm trí người tiêu dùng. Và việc để cho một thứ vật chất kiểm soát hành vi của chúng ta, trở thành chủ nhân sai khiến chúng ta là điều không thể chấp nhận”.

Với suy nghĩ của mình, Toups đã thiết lập một kế hoạch giúp cai nghiện smartphone cho mọi người, hay chính xác hơn là lột bỏ tất cả những yếu tố gây nghiện của một smartphone đi - vốn dĩ là những yếu tố thu hút người mua nhất, chỉ để lại những gì thiết yếu nhất. Kế hoạch của anh gồm 4 bước:

Bước 1. Loại bỏ  hoàn toàn khả năng giải trí của điện thoại: Không games, không mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter, hay ứng dụng đọc báo), không ứng dụng live stream.

Bước 2. Sau bước 1, chuyển tất cả những ứng dụng hấp dẫn vào một folder và không để trên màn hình chính Home screen: Màn hình chính sẽ dùng để sắp xếp các ứng dụng không gây nghiện như Cài đặt, ứng dụng quản lý mật khẩu, ứng dụng đọc sách, ứng dụng fitness, cuối cùng là các ứng dụng dịch và từ điển.

Bước 3. Thiết lập cài đặt Không làm phiền: Hiện tại trên cả hai hệ điều hành iOSAndroid đều có cài đặt "Không làm phiền" cho phép điện thoại chỉ nhận thông báo những sẽ không nháy sáng màn hình và không tạo tiếng động, thêm vào đó là chặn mọi cuộc gọi trong khung giờ đã thiết lập. Bạn nên cài đặt khung giờ đi ngủ thích hợp với mình để không bị những tiếng thông báo giữ bạn thức cả đêm.

Bước 4. Tắt mọi thông báo: Bước cuối cùng của Toups đó là tắt hết các thông báo bạn cảm thấy không cần thiết phải làm sáng màn hình và phát tiếng động. Các ứng dụng quan trọng như Điện thoại và Tin nhắn sẽ được để thông báo và vẫn có Notification Badge hiện số lượng thông báo chưa đọc màu đỏ để bạn có thể xem lại khi rảnh.

Và đó là “bộ kỹ năng” cơ bản bạn cần làm theo để bắt đầu công cuộc cai nghiện smartphone của mình. Kế hoạch trên không phải là hoàn hảo và có lẽ không phù hợp với nhiều người - những người có công việc phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội chẳng hạn, tuy nhiên với một người tiêu dùng bình thường, làm đầy đủ 4 bước trên sẽ phần nào giảm tải đáng kể số lần bạn lấy điện thoại ra kiểm tra thông báo và tin nhắn trong ngày, từ đó giảm thiểu sự phụ thuộc của mình vào mạng xã hội và smartphone.

Ngoài ra, một số bình luận khác trong bài đăng của Toups đóng góp về ý tưởng đã nhận được nhiều sự đồng tình. Có thể kể đến bình luận của người dùng tên procparam:

“Một mối bận tâm khổng lồ với tôi đó là cảm biến vân tay. Nó khiến việc mở máy trở nên quá nhanh chóng và dễ dàng. Đôi khi tôi cho tay vào túi quần, nhưng tay lại vô tình đặt vào cảm biến, và đến khi cầm điện thoại lên tôi đã mở máy từ lúc nào không biết, khiến tôi lại quen tay lướt web một cách vô thức. 

Vậy nên tôi khuyên các bạn hãy vô hiệu hóa cảm biến vân tay cũng như nhận dạng khuôn mặt (nếu có) trên smartphone đi, thay vào đó bằng một phương thức mở máy càng bất tiện với mật khẩu càng phức tạp càng tốt. Bằng cách này bạn sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi mở máy và liệu thời gian bỏ ra mở máy có thực sự xứng đáng hay không”.

Vậy còn bạn thì sao? Bạn có cho rằng mình là một con nghiện smartphone hay không? Liệu những bước thực hiện trên đã là hợp lý với nhu cầu sử dụng điện thoại của bạn?

2 quy tắc đơn giản giúp bạn cai nghiện mạng xã hội

Chỉ cần tuân thủ 2 quy tắc trong nhiều tháng liền là bạn có thể cai nghiện online hoàn toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Minh ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN