GrabTaxi nhận được sự đầu tư “lớn chưa từng có”

Dịch vụ gọi xe taxi GrabTaxi vừa nhận được thêm 250 triệu USD vốn đầu tư từ SoftBank của Nhật Bản.

GrabTaxi - dịch vụ gọi taxi kiểu mới vừa phát đi thông báo, SoftBank - tập đoàn viễn thông  “khổng lồ” của Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của GrabTaxi. Hai bên thỏa thuận thành công vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD từ SoftBank cho GrabTaxi, và SoftBank trở thành nguồn vốn lớn chưa từng có mà GrabTaxi huy động được cho đến thời điểm này.

GrabTaxi nhận được sự đầu tư “lớn chưa từng có” - 1

GrabTaxi là dịch vụ gọi xe taxi từ ứng dụng di động.

Ra mắt năm 2012, GrabTaxi hiện có mặt tại 17 thành phố của 6 quốc gia tại Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore Việt Nam và Indonesia. 12 tháng trước (từ tháng 11/2013 đến tháng 11/2014), lượng tài xế taxi trong mạng lưới đã tăng gần 300% đến 60.000 tài xế; số người sử dụng ứng dụng cũng tăng gần 500% đến 50.000 khách hàng tính đến thời điểm hiện tại. Lượt tải về của ứng dụng GrabTaxi cũng tăng gần 400% đến 2,5 triệu lượt. GrabTaxi ước tính rằng cứ mỗi giây có 3 cuốc xe được đặt thông qua ứng dụng trong khu vực, tăng lên gần 800% trong năm qua.

Anthony Tan, Nhà sáng lập và CEO của tập đoàn GrabTaxi cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi kết thúc một năm hơn cả mong đợi khi kêu gọi thành công vốn đầu tư từ tập đoàn có tầm ảnh hưởng toàn cầu như SoftBank. Chúng tôi biết ơn vì sự tin tưởng của họ và sẽ tận dụng những ý kiến chuyên môn từ SoftBank cũng như dựa vào sự cộng hưởng sẵn có trên nền Internet và di động để tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của GrabTaxi”.

Cheryl Goh, Giám Đốc Marketing của GrabTaxi cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực đấu tranh để nhanh chóng tập trung mở rộng hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi một trong 6 thị trường hiện tại của GrabTaxi sẽ nhận được một phần đáng kể từ quỹ đầu tư này”.

Ngoài GrabTaxi, trên thế giới còn ghi nhận sự xuất hiện của một dịch vụ tương tự là Uber. Mặc dù các dịch vụ này đều mang lại lợi ích cho cả người lái taxi và người đi xe ở khía cạnh giá cả, sự tiện nghi, nhanh chóng, nhưng còn đó nhiều vấn đề đang được đặt ra khi hoạt động ở Việt Nam. Một số ý kiến lo sợ các dịch vụ trên sẽ gây sức ép tăng giá khi đã “một mình một chợ”, hay như việc cơ quan nhà nước sẽ thu thuế của họ như thế nào, quản lý ra sao cũng là một dấu chấm hỏi lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN