Alibaba "mở cửa" cho WeChat Pay dưới sức ép điều tiết của chính phủ
Động thái này diễn ra do Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các đại gia công nghệ mở cửa hệ sinh thái cho các đối thủ trong chiến dịch “làm sạch” Internet.
Alibaba Group đã bắt đầu cho phép người tiêu dùng sử dụng WeChat Pay - một dịch vụ thanh toán do đối thủ Tencent vận hành - trên một số nền tảng nhất định của mình, giữa lúc Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh khuyến khích cạnh tranh và ngăn chặn hành vi độc quyền của giới Big Tech nước này.
Một số dịch vụ của Alibaba, bao gồm nền tảng giao đồ ăn Ele.me, trang video Youku, trang bán vé Damai và nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Kaola, đã có WeChat Pay trong số các phương thức thanh toán.
Trong khi đó, trang mua sắm giảm giá Taobao Deals, nền tảng thương mại điện tử cho đồ qua sử dụng Idle Fish và chuỗi siêu thị Freshippo cũng đang chờ được Alibaba chấp thuận việc cho thanh toán qua WeChat Pay, theo thông báo của Alibaba ngày 28/9.
Taobao, trang mua sắm trực tuyến lớn nhất của Alibaba, đã sử dụng Cloud QuickPass do doanh nghiệp nhà nước UnionPay vận hành làm phương thức thanh toán từ tháng 8.
Người phát ngôn của Alibaba cho biết: “Chúng tôi tin rằng tính kết nối và tính mở là nền tảng của một hệ sinh thái số lành mạnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm điểm chung với các đối tác ngang hàng trong nền kinh tế số để phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc tốt hơn”.
Động thái này diễn ra sau khi WeChat bắt đầu cho phép chia sẻ link dẫn đến trang web của các đối thủ trong đoạn chat 1-đối-1 nhằm đáp ứng yêu cầu từ Bắc Kinh. Về link dẫn đến trang web ngoài trong các nhóm chat lớn, WeChat sẽ phát triển thêm các tính năng để người dùng có thể tự do lựa chọn, theo một tuyên bố chính thức của công ty này trong tháng 9.
Các đại tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã và đang nhanh chân “mở cửa” đối với đối thủ sau nhiều năm dựng lên bức tường xung quanh hệ sinh thái riêng của mình và chặn link dẫn đến các dịch vụ cạnh tranh. Trong quá khứ, Alibaba đã loại WeChat Pay - một đối thủ lớn của dịch vụ Alipay thuộc Alibaba - ra khỏi các trang mua sắm và ứng dụng của mình. WeChat, thuộc sở hữu của Tencent, cũng đã chặn link dẫn đến trang web hoặc ứng dụng đối thủ, bao gồm Alibaba và ByteDance - công ty vận hành Douyin và TikTok.
Phương thức hoạt động này đã bị dò xét gay gắt trong một chiến dịch “làm sạch” Internet khởi xướng bởi Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) từ tháng 7. Chiến dịch này nhắm vào nhiều vấn đề của ngành công nghệ, bao gồm rối loạn trật tự thị trường, vi phạm quyền lợi người dùng, nguy cơ đến an ninh dữ liệu và kết nối Internet không phép.
Ông Triệu Chí Quốc, người phát ngôn của MIIT và tổng giám đốc Cục Quản lý Thông tin và Truyền thông thuộc MIIT, đã phát biểu ở một cuộc họp báo diễn ra 2 tuần trước như sau: “Việc chặn link dẫn đến các trang web khác là một vấn đề ưu tiên của chiến dịch này, và đảm bảo quyền truy cập bình thường đối với các trang web chính thống là một yêu cầu cơ bản trong phát triển mạng Internet”. Ông Triệu cũng nói rằng MIIT đã nhận được nhiều khiếu nại về vấn đề này.
Sau khi MIIT yêu cầu các công ty “tự giác” có biện pháp bỏ chặn link dẫn đến trang web ngoài, Tencent cho biết ủng hộ quyết định này và sẽ “thay đổi cần thiết theo giai đoạn”, Alibaba nói sẽ “chấp hành đầy đủ” yêu cầu mới và ByteDance tuyên bố sẽ không trì hoãn việc thi hành yêu cầu này.
Nguồn: [Link nguồn]
Mạng xã hội Facebook ngày càng sợ hãi sự trỗi lên mạnh mẽ của TikTok khi mạng xã hội Trung Quốc đạt con số 1 tỉ người...