"Việt Nam đang là một ốc đảo văn hóa"
"Thật sự thì Việt Nam đang là một ốc đảo văn hoá và có rất, rất ít nghệ sĩ đủ tài năng để làm việc tại phương Tây" - Quốc Trung, vị huấn luyện viên mới của "Giọng hát Việt" mùa thứ hai phát biểu quan điểm.
Vietnam Idol không phải là The Voice
- Điều khiến nhiều người đang tò mò là nguyên nhân vì đâu anh nhận lời ngồi vào vị trí huấn luyện viên của The Voice? Mức cát-xê không hề nhỏ mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hoặc Thu Minh từng úp mở ở mùa giải trước ảnh hưởng như thế nào tới quyết định của anh?
- Chẳng ai được biết thật sự cát-xê không nhỏ là bao nhiêu và chắc gì nó đã hơn mức cát-xê khiêm tốn của tôi. Tôi chỉ nhận làm khi nó đáp ứng được những tiêu chí đòi hỏi và phù hợp với mong muốn của mình trong đó có môt phần là tiền thu lao thoả đáng.
- Khi đặt lên bàn cân so sánh, dường như sức hút của The Voice vẫn mạnh hơn Vietnam Idol chút xíu. Nhưng chương trình càng hot, người tham gia càng dễ bị dư luận chú ý và thậm chí là “soi mói”. Vốn là người kín tiếng, khi nhận lời tham gia những chương trình như The Voice, anh có lo ngại chuyện bị “soi”?
- Mỗi sản phẩm âm nhạc hay chương trình đều có những thế mạnh và sức hút riêng nếu nó được làm tử tế và có chất lượng. Mọi sự so sánh sẽ là khâp khiễnh. Soi là chuyện đương nhiên và phải chấp nhận. Soi về chuyên môn, về trách nhiệm thì tôi sẵn sàng đương đầu nhưng soi về đời tư thì tôi không phải là đối tượng
- Thiện Thanh – con gái anh và chị Thanh Lam – đang theo học thanh nhạc cùng ông nội là NSND Trung Kiên. Anh sẽ nói gì nếu cháu đề nghị được tham gia những cuộc thi như Vietnam Idol hoặc The Voice?
- Con gái tôi còn phải học và trau dồi chuyên môn và kinh nghiệm nhiều hơn nữa. Vietnam Idol hay The Voice không phải là con đường duy nhất để phát triển sự nghiệp ca hát. Cháu sẽ tự biết khả năng để có lựa chọn phù hợp.
- Anh có theo dõi The Voice năm ngoái không?
- Tôi không có thời gian để theo dõi nhưng có xem lại một vài tiết mục trên mạng Internet.
- Anh sẽ làm thế nào để tránh tình trạng thí sinh có chất lượng tốt bị loại bởi tin nhắn?
- Những người làm chương trình truyền hình thực tế phải đầu tư rất nhiều để mua lại format chương trình từ nước ngoài. Họ cũng bắt buộc phải tuân thủ format và không ai dại gì gian lận tin nhắn để đánh mất uy tín và giá trị của chương trình hay những thí sinh có chất lượng. Tin nhắn là một cách đánh giá chính xác và thực tế về sự quan tâm, thẩm mỹ cũng như trình độ thưởng thức của công chúng. Chúng ta phải chấp nhận điều đó và đừng đổ lỗi cho nhà sản xuất hay tung tin nghi ngờ sự trong sạch của họ.
- Anh mong muốn sẽ được đi đến tận cùng vòng chung kết với một thí sinh như thế nào ở The Voice?
- Tôi sẽ không tiết lộ chiến lược cũng như sự lựa chọn của mình để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh nhất là những người sẽ tham gia đội của tôi.
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: " Âm nhạc không dễ hơn bất cứ ngành nghề nào khác".
- Sau 2 mùa giải gắn bó cùng Vietnam Idol, anh đánh giá thế nào về hệ tư duy âm nhạc mà thế hệ trẻ đang có?
- Tư duy âm nhạc của các bạn trẻ cũng có văn minh hơn trước nhưng đa số vẫn còn thiếu cơ bản để biết cách phát triển dài lâu.
- Anh nghĩ sao nếu bản thân lại chứng kiến sự đăng quang của một "Ya Suy" nữa tại The Voice năm nay?
- Vietnam Idol không phải là The Voice nên sự thành công cũng không giống nhau. Đừng cố gán ghép và so sánh như vậy!
- Nhận lời tham gia một chương trình được coi là “đối thủ” của Vietnam Idol, phải chăng anh đã quyết định nói lời tạm biệt với gameshow này?
- Trước mùa Vietnam Idol vừa rồi, tôi đã nói là sẽ dừng lại. Việc đó chẳng liên quan đến việc tôi nhận làm huấn luyện viên của The Voice và cũng chẳng có lý do gì khiến tôi sẽ không thể trở lại với Idol (có thể với một nhiệm vụ khác).
Mọi nhà sản xuất đều phải cạnh tranh để thu hút được sự chú ý của công chúng và khán giả và điều đó mang lại những chương trình ngày càng chất lượng hơn cho công chúng. Đối thủ không có nghĩa là kẻ thù không đội trời chung hay tìm cách hạ bệ người khác. Làm nghệ thuật cần phải văn minh và có văn hoá để biết tôn trọng đồng nghiệp.
- Anh nghĩ sao nếu có ý kiến nói rằng năng lực của các giám khảo Vietnam Idol có vấn đề? Bằng chứng là việc Ya Suy đăng quang và đến bây giờ chìm nghỉm như một con tàu đáy mỏng được đóng vội vàng. Có phải có những nguyên nhân nội bộ và khách quan khiến anh không thể làm chủ được ở sân chơi đó - cũng chính là một phần nguyên nhân anh từ bỏ Vietnam Idol?
- Bạn nói vậy thì cần xem lại năng lực của toàn bộ hệ thống đào tạo âm nhạc Việt Nam vì có rất nhiều người tốt nghiệp ưu tú lại không phải là người nổi tiếng trong showbiz. Có bao nhiêu nghệ sĩ mà các bạn vội vàng đưa lên thành ngôi sao để rồi chìm nghỉm? Ngay cả hiện tượng Uyên Linh, các bạn cũng bảo là "chìm" bởi chính cách đánh giá về sự thành công trong âm nhạc dễ dãi và rẻ dúm quá.
Tôi xin nói với bạn rằng âm nhạc không dễ hơn bất cứ ngành nghề nào khác. Ngoài năng khiếu bẩm sinh, bạn còn phải đào tạo thời gian gấp 3-4 lần các ngành nghề bình thường. Vậy đừng đòi hỏi một ai đó lập tức trở thành tài năng thật sự! Dù thành công đến đâu thì các em mới chỉ là một thí sinh thôi. Tôi không nói từ bỏ Vietnam Idol mà chỉ dừng lại để tránh sự nhàm chán cho khán giả.
"Việt Nam đang là một ốc đảo văn hoá"
HLV mới của The Voice cho rằng: "Có rất, rất ít nghệ sĩ trong nước đủ tài năng để làm việc tại phương Tây".
- Cái tên Quốc Trung từng được coi là người tiên phong của “world music” ở Việt Nam nhưng dường như vài năm trở lại đây, anh không có dự án nào mới mẻ. Có hay không chuyện anh đang buông lơi giấc mơ của mình?
- Tôi chưa bao giờ thích và nhận mình là người tiên phong. Tôi làm những gì mình thích và những gì mà tôi nghĩ là mình làm tốt. Tôi vẫn luôn có nhiều dự án mới nhưng chưa đủ "năng lực" để nó có thể sánh ngang hay lấn át được những chương trình truyền hình thực tế. Mà chẳng cứ gì tôi đâu. Bạn thử xem có ai có nhiều hoạt động và dự án ở Viêt Nam ngoài chạy show và truyền hình thực tế, và hãy tìm hiểu nguyên nhân của nó. Bạn là người hiểu rõ hơn ai hết đấy! Giấc mơ của tôi ngày nay đã thực tế hơn trước nhiều rồi. Đó cũng là cách để không từ bỏ những giấc mơ của mình
- Ngắm nhìn anh trên sân khấu, chứng kiến những nụ cười nửa miệng của anh, tôi thấy một cái buồn ngao ngán, một sự buông xuôi và phó mặc. Anh có nghĩ con đường phát triển ở nước ngoài như Nguyên Lê có lẽ sẽ lợi thế hơn? Anh có tự tin vào khả năng của mình khi rời bỏ hẳn nền âm nhạc Việt Nam, đi tìm điều gì đó mới hơn?
- Đã quá muộn để làm điều đó vì các nền âm nhạc phát triển không chỉ có show truyền hình và tài năng âm nhạc thật sự của họ lại rất nhiều. Nếu tự tin có thể làm việc ở đó thì tôi tin không chỉ riêng tôi mà đa số mọi người đều có sự lựa chọn giống tôi thôi. Thật sự thì Việt Nam đang là một ốc đảo văn hoá và có rất, rất ít nghệ sĩ đủ tài năng để làm việc tại phương Tây.
- Nhiều người nói anh quá khắt khe – cả trong âm nhạc lẫn cuộc sống riêng – nơi mới xảy ra tình thế hiện tại...
- Tôi khắt khe so với những gì quá dễ dãi thôi. Nếu dễ dãi với cuộc sống, tình yêu và sự nghiệp của mình thì liệu ràng cuộc sống sẽ còn nhiều giá trị đích thực?
- Ba năm liên tiếp thực hiện chuỗi chương trình “Cầm tay mùa hè” là ba lần anh lựa chọn Thanh Lam song hành cùng mình. Phải chăng ngoài Thanh Lam, anh vẫn chưa tìm được một nửa hoàn hảo nào cho các giấc mơ âm nhạc?
- Giấc mơ âm nhạc của tôi không phải và chỉ có Thanh Lam ngay cả khi chúng tôi vẫn còn chung sống. Cầm tay mùa hè đang dần dần xây dựng uy ín và khán giả nên ê-kíp cần điểm tựa chắc chắn cho những ý tưởng, chuyên môn và cả danh tiếng. Thanh Lam luôn mang lại cho chúng tôi điều đó.
"Giấc mơ âm nhạc của tôi không phải và chỉ có Thanh Lam ngay cả khi chúng tôi vẫn còn chung sống".
- Gắn bó với Thanh Lam từ cuộc sống riêng tới âm nhạc suốt ngần ấy năm, thành thật mà nói, có bao giờ anh thấy… chán diva này?
- Muốn không chán thì phải biết dừng và có những khoảng dừng.
- Việc anh nửa đùa nửa thật rằng đây là lần cuối “cầm tay” Thanh Lam trong buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ về “Cầm tay mùa hè 3” thì sao?
- Cũng có thể bởi tôi muốn cầm tay được nhiều người và không thể cứ mãi cầm tay một người.
- Khó có thể phủ nhận việc Quốc Trung là một nhạc sĩ tài năng nhưng nhiều người nói anh… lười. Chính người bạn đồng hành thân thiết của anh là Thanh Lam cũng phải kêu và thậm chí trong cuộc gặp gỡ báo chí để nói về “Cầm tay mùa hè 3”, chị ấy đã gọi anh là “Hứa Quốc Trung”...
- Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Tôi đòi hỏi chất lượng ở một mức độ mà tài năng của tôi không thể hoàn thành với những thời hạn giống người khác. Hơn nữa chuyện sản xuất album bây giờ có mang lại lợi nhuận nào đâu ngoài việc cung cấp hàng cho người khác lợi dụng
- Đôi khi ngưởi ta lười vì cảm thấy chán nản, thất vọng với con đường mình đi. Điều đó có xảy ra với anh?
- Đi trên con đường của mình thì sẽ ít khi chán nản. Chỉ có điều đường không của riêng mình mà lại có quá nhiều người đi tắt đón đầu, cướp "đường", chen lấn thì xô đẩy thì cũng không tránh được những lúc mệt mỏi và chán nản. Tuy nhiên với tôi, chỉ có một con đường và tôi không biết làm gì khác để sống và để giữ lại giấc mơ âm nhạc của mình ngoài việc đi theo nó.