Phát hiện bất ngờ về "siêu nhân" của Người bí ẩn

Một người đi diễn gần 30 năm khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí cả ở nước ngoài, nhưng lại mù chữ.

Trong câu chuyện với nghệ sĩ xiếc Minh Tân, anh không giấu chuyện mình không biết chữ. Thế nhưng, anh khẳng định sẽ không để hai người con của mình phải chịu thiệt thòi. Với anh, nghề diễn xiếc là kế mưu sinh để nuôi sống cả gia đình và con cái sẽ được ăn học đến nơi đến chốn. Thế nhưng, người nghệ sĩ ấy còn chưa khi nào thôi đau đáu chuyện làm nghề nhưng phải giữ danh tiếng, tên tuổi chứ không thể bất chấp vì đồng tiền.

"Mình cũng là nghệ sĩ và muốn diễn phải có nơi có chốn. Tôi không chấp nhận cảnh đi diễn trên các đường phố" - anh tâm niệm.

Không biết chữ, 30 năm vẫn đi diễn

Có một điều tôi cứ thắc mắc mãi là khi gặng hỏi tên đường vào nhà, nghệ sĩ Minh Tân cứ ấp úng. Anh chỉ đường theo quán tính và thật khó để tìm ra nhà nếu cứ đi theo chỉ dẫn đó.

Tiếng là sinh ra và sống ở Sài Gòn từ đó đến giờ nhưng đường xá tôi không rành lắm đâu. Vậy nên bảo tôi chỉ đường, tôi cũng chịu. Tôi cũng ít khi đi đây đó. Ngoài thời gian đi diễn tôi chỉ ở nhà dạy các con, chăm chú vào nghề nghiệp” – anh giải thích.

Nhưng câu chuyện dần sáng tỏ vì khi tiếp xúc, anh thừa nhận mình không biết chữ. Với nhiều người, chuyện thật như đùa, vì với một người đi diễn gần 30 năm khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí cả ở nước ngoài điều này thật khó tin. Để xác minh, tôi cứ hỏi đi hỏi lại anh mấy lần.

Không một chút e ngại, anh chia sẻ: “Ngày xưa tôi có đi học đến lớp hai. Tôi còn nhớ như in khi học chữ H và T vì thấy rối quá nên bỏ học luôn và không bao giờ học lại. Hiện tại tôi vẫn biết hết mặt chữ 24 chữ cái nhưng không thể ghép được chữ. Tôi chỉ ghi được tên và họ của mình để dùng những lúc có việc cần”.   

Phát hiện bất ngờ về "siêu nhân" của Người bí ẩn - 1

Nghệ sĩ Minh Tân háo hức kể chuyện mình không biết chữ nhưng tự nhận may mắn vì có nghề

Không biết chữ, nên ngay từ khi còn trẻ chàng trai Văn Sơn đã tâm niệm mình phải có một cái nghề để sống.“Đã xác định làm nghề phải làm nó cho thật đạt. Mà theo nghề xiếc phải can đảm, dũng cảm, gan dạ mới làm được. Nếu nhút nhát hoặc sợ sệt là thua rồi” – anh tâm niệm. Chính vì lòng quyết tâm đó mà khi quyết định theo nghề xiếc, gia đình anh không một chút phản đối.

Và cũng nhờ nghề diễn đã đưa anh gặp người vợ hiện tại. Trong niềm tự hào, anh không giấu được cảm xúc: “Khi đó tôi đi diễn dưới Gò Công, Tiền Giang rồi gặp bà. Vợ tôi còn trẻ lắm, kém tôi hẳn một con giáp lận. Lúc tôi cưới bà, bà còn nhỏ xíu à”.

Gắn bó với nhau từ đó đến nay, cả hai hiện đã có với nhau 2 mặt con 1 trai, 1 gái. Khi con 1-2 tuổi, Minh Tân có đưa theo đoàn đi diễn nhưng khi đến tuổi đi học, anh nhất quyết cho con ở nhà để đi học lấy con chữ. Nói đến đây, người nghệ sĩ 53 tuổi ánh lên tự hào và đầy quyết tâm cho con cái phải có cái chữ chứ không thể thất học như cha.

Nhiều khi đi đường không biết chữ, tôi tủi lắm. Muốn đi đâu, gặp ai cứ phải hỏi thăm đường. Mặc dù dốt thật nhưng tôi luôn cố gắng bằng mọi giá phải cho con ăn học. Mình là cha, không biết chữ đã đành nhưng cứ suy nghĩ nếu con cái mình cũng thế là chết. Mình may mắn có cái nghề, là trụ cột nuôi sống gia đình nên càng không thể để con cái thất học” – anh chia sẻ thật lòng.

Khi được hỏi, hai con có ai muốn theo nghiệp của cha, anh cũng trả lời thành thật con gái lớn của anh mê đàn hát, còn con trai thích đá bóng, học võ. Ngày nào nếu không phải đi diễn anh đều chở con trai đi học.

“Có đức mặc sức mà ăn”

Trong câu chuyện với nghệ sĩ Minh Tân, anh cứ nhắc đi nhắc lại việc phải gìn giữ đạo đức trong nghề và giữ gìn hình ảnh, văn hóa dân tộc.

Anh tâm niệm, suốt mấy mươi năm theo nghề, dạy hàng trăm học trò, bài học đầu tiên anh nói với các con của mình là làm nghề phải có tâm, có đức mới lâu bền được.

Tôi luôn nói với các con mình câu chuyện đạo đức, cách ứng xử trên sân khấu. Tôi dạy chúng lý thuyết, thực hành và giảng giải đâu là nghĩa, đâu là tình. Có một câu nói tôi rất tâm đắc 'Ăn quả phải nhớ người trồng cây.' Làm nghề này, có tài thôi chưa đủ mà phải có đức và có hậu. Ông bà ta đã nói có đức mặc sức mà ăn”.

Dù bị coi là nghề “mãi võ giang hồ” nhưng với nghệ sĩ Minh Tân anh đặc biệt coi trọng danh dự và nghệ danh của bản thân. Vì thế, khi ra sân khấu không bao giờ anh chấp nhận đi diễn từng bàn để phục vụ khán giả hay ngửa tay xin tiền họ. Anh chấp nhận hủy show chứ không muốn đánh đổi tuổi và tự trọng của mình.

Phát hiện bất ngờ về "siêu nhân" của Người bí ẩn - 2

Những em bé diễn xiếc trên đường phố như này đa phần là học trò của các học trò của anh

Mình cũng là nghệ sĩ và muốn diễn phải có nơi có chốn. Tôi không chấp nhận cảnh đi diễn trên các đường phố. Điều đó sẽ làm mất đi ý nghĩa văn hóa và giá trị truyền thống của người Việt Nam. Thử hỏi nếu người nước ngoài xem họ sẽ suy nghĩ như nào về đất nước và con người chúng ta”.

Đó là câu hỏi luôn khiến anh đau đáu. Anh mong Sở Văn hóa, các cơ quan lãnh đạo nếu thấy những trường hợp đi diễn vỉa hè, quán nhậu rồi xin tiền khách du lịch cần cấm triệt để mới mong góp phần làm trong sạch nghề này.

Tự hào khoe số học trò đã thành danh và đi diễn khắp các sân khấu lớn nhỏ tại Việt Nam cũng như nước ngoài nhưng nghệ sĩ Minh Tân vẫn không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy nhiều người học trò của mình vì đồng tiền mà bất chấp tất cả. Anh tâm sự, nhiều em mới chỉ học được ở thầy mấy trò cơ bản như: múa lửa, nuốt rắn, ăn than, nhai bóng đèn… là đã bỏ thầy đi.

Vì kế mưu sinh, các em sẵn sàng diễn tại các quán nhậu, ngửa tay xin khán giả từng đồng. Tại TP.HCM sẽ không khó để bắt gặp những em bé nhỏ xíu diễn các trò này khắp các tuyến phố. “Chúng chỉ là học trò của học trò tôi mà thôi. Tôi cũng không thể trách được vì các em cũng cần mưu sinh và kiếm tiền. Khi mình không thể giúp các em, mình cũng không có quyền cấm cản. Nhưng, tôi không bao giờ dạy hay muốn nhìn thấy những học trò của mình như thế” – anh cho hay.

Theo lời nghệ sĩ Minh Tân, không ít lần anh bị chính các học trò của mình “cướp miếng cơm” hay phá đám ngang. Anh kể, nhiều học trò sẵn sàng hạ giá thấp, tìm mọi cách thỏa thuận với nhà hàng, quán bar hay các điểm biểu diễn để được đứng trên sân khấu.

Những lúc như thế, anh không tìm học trò để cãi lý vì biết, bản thân họ cũng không thể tồn tại lâu với nghề. Không ít lần anh chứng kiến nhiều học trò của mình phải bỏ nghề vì những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng.

Tôi luôn tâm niệm mình đã dạy cho các em cái nghề thì không thể lấy lại của chúng. Nhưng nhiều trường hợp các em đã tự làm hại mình và bị tổ nghề đã cướp đi kế sinh nhai. Nghề này sống chết như chơi nếu không học đến nơi đến chốn. Tôi từng biết có những em khi nuốt kiếm trên sân khấu bị thủng dạ dày phải đi bệnh viện. Sau này, chính chúng cảm thấy sợ hãi, không thể diễn rồi phải bỏ nghề”. Theo anh đó là cái giá phải trả quá đắt.

Phát hiện bất ngờ về "siêu nhân" của Người bí ẩn - 3

Ánh mắt người nghệ sĩ thoáng buồn khi anh nhắc nhớ về những người học trò làm tất cả vì tiền

Ít khán giả, khi diễn tôi buồn lắm

Kinh nghiệm mấy mươi năm trong nghề đủ để nghệ sĩ Minh Tân biết học trò nào có thể theo được nghề này. Anh chia sẻ, những em chuyên tâm học nghề thì nhanh thành tài lắm. Trong khi đó, có những em chỉ mong được ra nghề sớm, có khi mới học được 3-4 phần là nghĩ mình thành công rồi nên sẵn sàng bỏ đi.

Vì thế dù không khoa trương nhưng anh luôn có chút tự hào về bản thân và các học trò của mình. Từ một người không biết chữ, vô danh tiểu tốt đến giờ dù đi diễn trong hay ngoài nước anh đều được khán giả, các bạn đồng nghiệp nể phục.

Trong câu chuyện dạy về nghề, nghệ sĩ Minh Tân tâm niệm anh không có thói quen cầm thay, chỉ việc cho từng em. Anh thường dạy lý thuyết sau đó thị phạm trực tiếp cho học trò của mình. Các em sau đó sẽ tự luyện tập với nhau và trả bài cho thầy. Nếu có chỗ nào không hiểu, hoặc diễn chưa được, thầy sẽ chỉ lại tận tình.

Có những câu chuyện khiến anh không thể nhịn cười khi kể lại. “Nhiều em, khi học môn nuốt kim nuốt vào thì được mà không thể lấy ra. Khi đó, các em sợ, la ó, khóc lóc. Các em có thể không lấy ra được, nhưng mình là thầy, mình sẽ làm được. Quan trọng nhất là dạy cho chúng sự bình tĩnh. Em nào phải diễn thật vững mới dám cho lên sân khấu”.

Phát hiện bất ngờ về "siêu nhân" của Người bí ẩn - 4

Phần trình diễn của nghệ sĩ Minh Tân trên sân khấu Người bí ẩn được cổ vũ nồng nhiệt

Mấy mươi năm trong nghề diễn nhưng nghệ sĩ Minh Tân vẫn vẹn nguyên cảm giác lần đầu khi đứng trên sân khấu. Anh kể, lúc đó run lắm, có khi ra mà không diễn được. Thế nên, bài học mà anh dạy cho các học trò không chỉ là luyện tập chăm chỉ mà còn là bản lĩnh sân khấu. 

Theo như lời nghệ sĩ Minh Tân nhiều học trò của anh ở nhà diễn thành thục nhưng ra sân khấu bị "khớp" vì quá đông khán giả. Có em cứ đứng trơ như tượng đá vì không biết làm gì. Những lúc như thế, rất lanh lẹ, anh phải ra "giải cứu" học trò của mình.

"Bây giờ với tôi phải đông khán giả thì diễn mới sung được. Nó giống như liều thuốc kích thích người nghệ sĩ. Nhìn dưới sân khấu, khán giả vắng hay họ cổ vũ không cuồng nhiệt có khi mình không thể diễn nổi. Nghề này ngoài sự can đảm ra thì cần bản lĩnh sân khấu và khả năng giải quyết tình huống".

Có tiếng trong nghề, được mời khắp các sân khấu lớn nhỏ nhưng nghệ sĩ Minh Tân luôn tạo điều kiện để các học trò của mình được biểu diễn nhiều hơn. Khi nhận show, anh luôn chia các tiết mục và luân phiên để tất cả các em đều được biểu diễn, cọ xát. Nhiều khi, anh nhận show nước ngoài rồi nhường cho các con đi diễn xa. Với các học trò sống và ăn ở tại nhà của mình, khi đi diễn anh đều trích tiền cat-xê để họ có chi phí trang trải cho cuộc sống cá nhân.

Trước khi ra về, anh cũng chia sẻ thêm với chúng tôi: "Nghề này mình yêu thích từ nhỏ và luôn tâm niệm sẽ sống chết vì nó. Nhiều lúc sưng cổ họng, trầy xước cơ thể nhưng uống thuốc giảm đau rồi lại càng quyết tâm để luyện tập nhiều hơn. Cũng nhờ nghề, mà 20 năm qua tôi tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, nuôi sống gia đình vợ con và cho các học trò một cái nghề. Nhiều em sau khi rời nhóm xiếc Minh Tân cũng bôn ba khắp các sân khấu để mưu sinh. Họ cũng dựng vợ, gả chồng, sinh con và quyết tâm theo nghề".

Trong ngôi nhà của nghệ sĩ Minh Tân, khoảng 10 học trò cùng ăn, ở rèn luyện nghề. Những dụng cụ luyện tập cũng bày la liệt khắp nơi.

Khi ngỏ ý muốn được mục sở thị một tiết mục, anh kêu cậu học trò mới hơn 10 tuổi. Phải can đảm lắm chúng tôi mới dám tận mắt chứng kiến những phút luyện tập phải đồ mồ hôi, nước mắt và cả máu để có thể thành thục.

Mời các bạn cùng chứng kiến câu chuyện về những học trò của nghệ sĩ Minh Tân và rùng mình xem những phút giây luyện tập của họ vào sáng ngày thứ Tư (30/4) tới trên mục CA NHẠC - MTV!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Nguyễn - Ảnh: Chanh ([Tên nguồn])
Cảm phục những nghệ sĩ đường phố Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN