Nhạc của Richard Clayderman từng bị chê lá cải, vớ vẩn

Giữa thời kỳ hoàng kim, danh cầm Richard Clayderman từng bị nhà phê bình âm nhạc Christopher Connelly của tờ tạp chí Rolling Stones danh tiếng đánh giá như vậy. Trong suốt gần 40 năm sự nghiệp, chuyên môn của ông luôn là đề tài tranh cãi trong giới nghệ thuật và công chúng.

Không phải nghệ sỹ dương cầm cổ điển đúng nghĩa

Nhạc của Richard Clayderman thường được xếp vào khuynh hướng tân cổ điển. Nhìn vào danh mục các tác phẩm của ông sẽ thấy nghệ sỹ cố gắng cổ điển hóa các bản nhạc pop rock, đồng thời đơn giản hóa những trích đoạn nhạc cổ điển nổi tiếng (tìm hiểu thêm một số tác phẩm tiêu biểu của Richard Clayderman).

Trong một bài phân tích, tờ Huffington Post Canada từng viết, về bản chất, Richard Clayderman không phải là nghệ sỹ trình diễn piano cổ điển thuần túy và cũng không phải một nghệ sỹ dương cầm hiện đại đúng nghĩa.

Ông không sáng tác mà thường chơi lại các nhạc phẩm cổ điển như Hungarian dance No. 6 của J. Brahms, Bohemian melody của F. Liszt, hay Ave Maria của Schubert.

Cùng một sáng tác nhưng khi xử lý lại, tác phẩm do R. Clayderman trình tấu thường đơn giản hơn. Nếu đó là một concerto hoặc symphony, Clayderman thường chỉ chơi lại một đoạn nào đó hấp dẫn nhưng đơn giản, hoặc ông sẽ giản lược nó đi để công chúng dễ tiếp thu. Thậm chí cả những tình khúc cổ điển tương đối ngắn cũng bị chi phối bởi quan điểm trình tấu này như For Elise của Beethoven, Serenade của F. Schuber.

Nhạc của Richard Clayderman từng bị chê lá cải, vớ vẩn - 1

Richard Clayderman không sáng tác mà chỉ chơi lại nhạc của những nhạc sỹ nổi tiếng thế giới.

Cùng lúc, Richard Clayderman xử lý theo cách ngược lại với các ca khúc pop rock. Ông thường xử lý lại những bản nhạc có lời theo cách thổi vào đó chất cổ điển nhất định khi độc tấu bằng piano, làm mềm hóa nhiều hợp âm vốn mang tính bùng nổ đặc trưng của nhạc pop rock. Điều này tạo ra sức quyến rũ cho các ca khúc pop rock, ví dụ như A Time for Us, Yesterday, Love story

Một điều quan trọng khác là, trong tất cả các bản nhạc của ông dù là xử lý nhạc cổ điển hay chơi lại nhạc pop rock, người nghe thường cảm nhận thấy chất lãng mạn du dương khá đặc trưng.

Richard Clayderman cắt nghĩa âm nhạc của chính mình: “Lãng mạn có nghĩa là gắn liền với vẻ đẹp của bầu trời, của biển cả, của thiên nhiên, và là cảm nhận tình yêu khi được bao quanh bởi cái đẹp. Và tôi luôn cố gắng truyền tải tất cả cảm xúc đó của tôi qua cây đàn.”

Được cả thế giới yêu mến

Những tình cảm lãng mạn kết hợp với phong cách biểu diễn độc đáo khiến Richard Clayderman gặt hái thành công hiếm nghệ sỹ nào đạt được. Ông là nghệ sỹ dương cầm ăn khách nhất mọi thời đại. Richard Clayderman là người nắm giữ những kỷ lục về lượng tiêu thụ đĩa nhạc trên quy mô toàn cầu, đạt trên 90 triệu CD, trong đó có tới 267 đĩa vàng, 70 đĩa bạch kim. Nhạc của ông có mặt ở gần như mọi lãnh thổ trên địa cầu, bán chạy và được yêu thích số một ở châu Á (đặc biệt Nhật Bản), Anh Quốc, cũng như châu Mỹ La tinh. Cuộc đời ông là những chuyến lưu diễn chu du khắp thế giới.

Ông cũng nhận được rất nhiều lời tán dương và khen ngợi của truyền thông và giới phê bình. Năm 2005, BBC đánh giá: “Richard Clayderman đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người chơi piano.”

Nhạc của Richard Clayderman từng bị chê lá cải, vớ vẩn - 2

Cuộc đời ông là những chuyến lưu diễn chu du khắp thế giới.

Còn người hâm mộ thì tôn xưng ông là Hoàng tử lãng mạn. Richard Clayderman từng nhiều lần kể về sự tích này. Ông chia sẻ, câu chuyện đó ra đời ở New York năm 1988. “Lần đó, tôi trình diễn tại Waldorf Astoria cho một buổi hòa nhạc và vị chủ tịch của buổi từ thiện đó hóa ra là bà Nancy Reagan, vị đệ nhất phu nhân trước đây của nước Mỹ.  Sau buổi hòa nhạc, bà ta cảm ơn tôi và nói "Anh biết không Richard, anh thật sự là một Hoàng tử lãng mạn. Truyền thông đã đưa lại tin đó với tựa đề Hoàng tử lãng mạn.”

Nói về bản nhạc Ballade pour Adeline (Bản ballad cho Adeline) đã đưa ông thành tên tuổi từ năm 1976, Richard từng chia sẻ sức ảnh hưởng của nó: “Tôi đồ rằng có hàng nghìn phụ nữ dưới tuổi 35 hiện nay được đặt tên là Adeline bởi vì bản nhạc này. Tôi đã nhận được rất nhiều bức thư từ các cặp vợ chồng đặt tên con họ là Adeline vì họ làm tình khi nghe bản nhạc này.

Thậm chí, năm 2010, Richard chia sẻ trên tờ Culture Northern Ireland trong một chuyến lưu diễn. “Tôi đã nhận được rất nhiều bức thư gợi ý chuyện tình dục. Nhưng tôi sẽ giấu kín chúng. Hãy để chúng trở thành bí mật thì hay hơn”.

Không ít ý kiến chê bai

Dù muốn dù không, người ta không thể phủ nhận sự quyến rũ từ những bản nhạc “bất hủ” của Richard Clayderman. Thế nhưng, có không ít ý kiến đánh giá thấp tài năng của ông.

Những ý kiến này dựa vào chính yếu tố đơn giản trong âm nhạc của nhà dương cầm người Pháp. Người ta gọi nhạc của Richard là thứ nhạc thang máy, tức là thứ nhạc chỉ được sử dụng là nền ở các quán cà phê chứ không phải những bản nhạc bất hủ nào.

Thậm chí, những ý kiến tranh luận cho rằng, Richard không thể vươn tới âm nhạc bác học chuẩn, thậm chí làm đơn giản đến mức phá hỏng nhạc cổ điển. Và điều đó không thể chấp nhận được với nhiều nhà phê bình.

Nhạc của Richard Clayderman từng bị chê lá cải, vớ vẩn - 3

Có những ý kiến cho rằng, Richard không thể vươn tới âm nhạc bác học chuẩn.

Nhà phê bình Christopher Connelly trong bài báo có tên Alf Heats Up; Sade Cools Out, đăng trên số ra ngày 25/4/1985 của tờ Rolling Stone, từng viết: “Richard Clayderman chỉ là một nghệ sỹ dương cầm bỏ đi (nguyên văn là schlock pianist)”.

Còn tờ People của Mỹ từng khẳng định: “Nhạc Richard Clayderman là tổng hòa của những thứ cảm xúc lá cải vớ vẩn.” Trong khi đó, tạp chí Variety từng đánh giá Rbeen cạnh phong cách chơi nhạc khác biệt thì điều khiến Clayderman “ghi điểm” với phụ nữ là “vẻ ngoài hấp dẫn trẻ trung và có phần trai trẻ.”  

Không chỉ giới phê bình, các nhà chuyên môn và công chúng có hiểu biết về âm nhạc cũng từng lập rất nhiều diễn đàn để tranh cãi về âm nhạc của Richard. Trên diễn đàn Pianoworld từng có cuộc tranh luận kéo dài nhiều trang về tài năng của Richard, trong đó nhiều ý kiến khẳng định: “Người ta chỉ nghe nhạc Richard Clayderman khi không sảnh sỏi lắm về âm nhạc, với sinh viên đã học xong âm nhạc mà vẫn nghe Richard thì thấy quá đơn giản”.

Tuy vậy, không ít ý kiến bảo vệ Richard và khẳng định, âm nhạc của ông rất có tình cảm và phong vị của riêng nghệ sỹ. Kỹ thuật chỉ là một yếu tố.

Về phần mình, Richard Clayderman từng chia sẻ trên tờ Daily Mail rằng, trong quá khứ ông thường cảm thấy khó chịu khi giới phê bình không đánh giá cao ông nhưng giờ đây ông không hề bận tâm nữa. Ông sẽ chơi piano cho những người thích nghe ông và không quan tâm những đánh giá tiêu cực.

Sinh ngày 28/12/1953 tại Paris, Richard Clayderman tên thật là Philippe Pages. Cậu nhóc Phiphi (biệt danh) có bố là giáo viên dương cầm đã biết đánh piano từ khi còn chưa biết chữ. Năm 12 tuổi, Pages vào thẳng trường Học viện âm nhạc Paris Conservatory. Năm 16 tuổi, Pages giành giải nhất cuộc thi tốt nghiệp nhưng sau khi ra trường, cậu lại ôm giấc mơ làm ca sỹ hát nhạc rock.

Thậm chí, chàng thanh niên trẻ từng từ bỏ piano để thành lập ban nhạc rock và đi hát một thời gian nhưng rồi do bố ngã bệnh và ban nhạc hoạt động không hiệu quả nên Pages quay về với dương cầm.

Thời gian này, anh vừa đi đệm đàn cho một số nghệ sỹ hàng đầu ở Pháp và có làm nhân viên kế toán ngân hàng. Năm 1976, khi Pages 23 tuổi, bước ngoặt cuộc đời đến với anh bất ngờ có bản “hit” ăn khách định mệnh – Ballade pour Adeline. Bản nhạc nhẹ nhàng này tới nay đã phát hành hơn 23 triệu bản sao và trở thành bản nhạc ăn khách nhất của Pages. Từ đó, anh đổi nghệ danh thành Richard Clayderman và bắt đầu bước vào hành trình chinh phục toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Phạm ([Tên nguồn])
Richard Clayderman sang Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN