"Lạm dụng" danh hài, gameshow Việt vẫn nhạt
Các nghệ sĩ hài đã lấn sân gameshow thực tế ngoạn mục khi đảm nhận gần như tất cả mọi vai trò: giám khảo, MC, khách mời và thí sinh. Thế nhưng, không phải sự tham gia của diễn viên hài nào cũng có thể tạo ra tiếng cười cho chương trình như các nhà tổ chức mong đợi.
Phải nói rằng chưa bao giờ mật độ phủ sóng của các danh hài trong gameshow lại dày đặc như hiện nay. Điều này bắt nguồn từ sự lấn sân một cách ngoạn mục của Hoài Linh vào một thị phần "béo bở "của thị trường giải trí: các gameshow truyền hình.
Không thể phủ nhận trong vai trò giám khảo, với sự nhận xét sắc sảo, hài hước và thẳng thắn, Hoài Linh đã khiến cho các gameshow trở nên có chất lượng và thu hút khán giả hơn. Thế nhưng, với mật độ phủ sóng dày đặc với hàng loạt chương trình như Tôi là người chiến thắng, Gương mặt thân quen, Vietnam’s Got Talent, Ơn Giời! Cậu đây rồi,... thì Hoài Linh khó có thể tiếp tục tạo ra điều gì mới mẻ.
Hoài Linh ngày càng "mất duyên" trên ghế giám khảo
Những lời nhận xét của anh không còn dí dỏm và thẳng thẳn như trước mà bắt đầu trở nên dài dòng và khuôn sáo. Chẳng hạn, trong Vietnam’s Got Talent 2014, có không ít tiết mục chưa thật hay nhưng Hoài Linh vẫn “tìm cách khen” và đưa ra những nhận xét không ăn nhập. Và sự xuất hiện của Hoài Linh cũng không làm Vietnam’s Got Talent mùa thứ ba nóng lên được bao nhiêu khi mà chất lượng thí sinh vẫn.... đều đều như các năm trước.
Thành công trong vai trò giám khảo, Hoài Linh được mời làm MC của The winner is. Nhưng khó có thể nói rằng Hoài Linh thành công với vai trò MC khi cách dẫn của anh khô cứng, lúng túng, nhiều khi khiến không khí chương trình trở nên loãng. Việt Hương sau thành công của Người bí ẩn cũng được mời làm MC cho gameshow A Ha nhưng chị lại không thể phát huy được sở trường hài hước, dí dỏm của mình với vai trò mới.
Ngay cả Xuân Bắc vốn được xem là một nghệ sĩ đa tài và cũng có kinh nghiệm dẫn chương trình nhưng khi làm MC cho Ơn Giời! Cậu đây rồi thì gần như Xuân Bắc không thể hiện được cái duyên của mình. Cách dẫn của anh khô cứng với những câu nói lặp đi lặp lại và không tạo điểm nhấn.
Ngay cả câu “khẩu hiệu” mà anh nói với các thí sinh mỗi khi bước vào cuộc chơi là “Khi bạn bước vào căn phòng này, hoặc là cuộc đời nở hoa hoặc là cuộc sống bế tắc” cũng khiến khán giả khó hiểu bởi nó không gây cười mà cũng không làm nổi bật được nội dung của chương trình là thử thách sự nhanh trí, hài hước của người chơi.
Hoài Linh và Việt Hương chưa thành công trong vai trò MC
Không dừng lại ở việc làm giám khảo hay tham gia với vai MC, gần đây các gameshow dành riêng cho nghệ sĩ hài cũng dần xuất hiện như Ơn Giời! Cậu đây rồi và Cười là thua.
Ơn Giời! Cậu đây rồi là một chương trình hài tình huống do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với công ty Đông Tây Promotion thực hiện. Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của rất nhiều danh hài như Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Trường Giang, Trấn Thành,... đã đem lại cho khán giả những tiếng cười sảng khoái.
Thế nhưng, việc diễn không có kịch bản cũng khiến các nghệ sĩ đôi khi “đơ toàn tập” trên sân khấu hoặc bị động, khiến chương trình trở nên nhàm và nhạt như phần thi của Tiến Luật, Ngân Quỳnh, Thúy Diễm, Dương Triệu Vũ,....
Cười là thua cũng là một gameshow dành cho các nghệ sĩ hài nhưng là một gameshow tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả. Bốn nghệ sĩ hài sẽ được chia làm hai đội và họ phải vượt qua sáu thử thách với nhiệm vụ làm cho khán giả của đội đối thủ cười.
Quy tụ một số nghệ sĩ hài nổi tiếng nhưng Cười là thua vẫn chưa thực sự đem lại tiếng cười
Với một luật chơi hấp dẫn và mới lạ, Cười là thua hứa hẹn sẽ là một gameshow ăn khách. Thế nhưng, qua ba tập phát sóng, Cười là thua lại nhận được nhiều lời chê hơn là khen. Theo luật chơi, khán giả cười một cái sẽ được tính một điểm. Nhưng cách tính điểm trong Cười là thua có vẻ quá đơn giản khi khán giả chỉ cần nhếch môi hay khẽ mở miệng cũng được coi là cười. Có lẽ vì việc tạo ra một “nụ cười” quá dễ nên các đội chơi chỉ tập trung làm sao cho khán giả “hé môi” chứ không tập trung tạo ra một tiếng cười thực sự.
Khán giả có nickname Pykachu Tuong cho rằng “chơi mà cứ ép người ta “có cười không, cười không”, “Không cười là nạy răng” hoài. Phải diễn hài người ta mới cười chứ ép trắng ra như vậy người ta cười lấy lệ cho qua”. Khán giả Oanh Simla thì nhận xét: “coi chả thấy buồn cười”. Ngoài ra, việc lặp đi lặp lại đội chơi gồm Trường Giang, Hiếu Hiền, Bạch Long, Phương Bình trong tập 1 và tập 3 cũng khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán.
Trong khi các gameshow truyền hình nở rộ như hiện nay thì việc các nghệ sĩ hài dần lấn sân sang thị trường béo bở này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ hài nào cũng có khả năng “khuấy động chương trình” và việc lạm dụng tên tuổi của các danh hài có thể sẽ khiến cả những danh hài và ban tổ chức gameshow “thua trước khi cười”.