Vấn đề của ĐTVN: Gieo gì gặt nấy
Ông Phúc cho biết dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam là điều hạnh phúc của một HLV nhưng nếu các điều khoản không hợp lý thì ông sẽ không nhận lời.
Cuộc thương thảo hợp đồng của LĐBĐ VN với HLV Hoàng Văn Phúc chưa diễn ra vì còn chờ Tổng Thư ký Ngô Lê Bằng sau chuyến công tác. Đây cũng là lúc những thông tin truyền miệng đưa ra không ngoài mục đích thăm dò nhau lẫn nghe ngóng dư luận. Ông Phúc vẫn chưa ghi nhiều điểm trong mắt giới quan sát sau hai trận thua ở Asian Cup nhưng ông vẫn rất tự trọng và thẳng thắn sẽ không nhận đội tuyển nếu cảm thấy không vừa sức.
Theo đó, điều kiện đầu tiên của LĐBĐ VN đưa ra buộc HLV trưởng phải đưa U-23 Việt Nam vô địch SEA Games 27 không đồng quan điểm với ông Phúc. Thực tế suốt 18 năm qua (từ sau chiếc HCB SEA Games 18) bóng đá Việt Nam luôn mong mỏi nhích thêm một bước đến ngai vàng nhưng chưa khi nào thỏa mãn.
Sau chức vô địch AFF Cup 2008, cứ ngỡ bóng đá Việt Nam đã sang trang chứ ít ai chịu nghĩ rằng cái chiến thắng ấy may hơn khôn. Trận chung kết ma mị trên đất Lào mà thầy trò Calisto thua U-23 Malaysia 0-1 (vòng bảng thắng dễ 3-1) càng cho thấy các cấp độ đội tuyển có một khoảng cách lớn.
HLV Hoàng Văn Phúc hiểu rất rõ chiếc áo mình được trao rộng hay chật và học trò của ông năng lực ra sao
Có khi Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Lê Hùng Dũng bức xúc quá đã nói thẳng trước khi tái ký hợp đồng với HLV Calisto khi đã tạo điều kiện tốt nhất cho U-23 mà không vô địch SEA Games 26 là vứt. Cuối cùng thì… vứt thật vì HLV Goetz thay ông Calisto không thể biến không thành có.
Vấn đề của LĐBĐ VN bây giờ chẳng khác gì những lần chọn thầy và giao chỉ tiêu cho thầy theo kiểu tư duy ăn xổi. Họ không cần biết giao cho HLV trưởng cái gì nhưng cứ đòi phải có cái này cái khác. Gần nhất ở SEA Games 26, ông Goetz có bằng cấp đầy mình vẫn bất lực vì trong tay không có một tiền đạo đích thực mà đòi lấy vàng. Hậu quả của việc gieo và gặt đã thể hiện rất rõ khi đội tuyển U-23 Việt Nam bị đánh bật khỏi tốp huy chương.
Cái may của HLV Hoàng Văn Phúc hiện tại là ông biết rất nhiều những dữ liệu về đội tuyển và thách thức ở sân chơi SEA Games không đơn giản như cách nghĩ của người giao việc. Đặc biệt sau hai trận cầm quân tuyển quốc gia và con người ông có lẫn sự quan sát ở các giải quốc nội, HLV Hoàng Văn Phúc thừa hiểu nội lực của mình đến đâu.
Thế nên việc ông Phúc từ chối nhận chỉ tiêu vàng SEA Games 27 là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam. Ông Phúc không “chảnh” vì thực tế thời điểm này LĐBĐ VN không thể bói đâu ra người chịu ngồi lên ghế HLV trưởng. Ông chỉ thể hiện cái tầm hiểu biết của mình sau quá nhiều lần LĐBĐ VN tự sướng với ý chí của mình mà không chịu nhìn vào thực tế.
Thật lạ bởi LĐBĐ VN sao không tìm thử U-23 Việt Nam có cái gì mà đòi lấy cái gì?
Chuyện đời xưa và chuyện đời nay ● SEA Games 18 - 1995, HLV Weigang buộc những nhà làm bóng đá phải thực hiện chuyến tập huấn châu Âu với quỹ 18 trận giao hữu với đủ mọi cấp độ lớn nhỏ. Và khi được chấp thuận, ông liền đưa ra chỉ tiêu vào bán kết dù lúc đấy bốc thăm đội Việt Nam gặp toàn đội mạnh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Kết quả đội không chỉ vào bán kết mà còn tiến vào cả chung kết. ● SEA Games 27 - 2013, Tổng cục TDTT chưa biết đội U-23 sẽ tập trung gồm những ai và chưa biết HLV là ai, thậm chí còn chưa biết cả đối thủ của chúng ta chuẩn bị như thế nào và đội U-23 được tạo điều kiện gì. Vậy mà đặt ra liền chỉ tiêu vô địch rồi gần đến khi ký hợp đồng với HLV Phúc đã rút xuống là vào chung kết. ● Giới chuyên môn mong U-23 Việt Nam bây giờ được chuẩn bị bằng nửa như thời ông Weigang thôi để san lấp với cự ly mà các đội bóng trong khu vực đã chuẩn bị cho đội bóng của họ từ rất lâu. Ngay như Myanmar hai năm trước từng thắng U-23 Việt Nam bằng đội hình có 7-8 cầu thủ chơi được ở SEA Games năm nay trong khi ta thì chỉ còn mỗi Văn Quyết. |