Tây Ban Nha: Tiqui-taka lỗi nhịp?
Liệu Tây Ban Nha trong trận gặp Italia có phải là tiqui-taka của Barca như những gì mà Del Bosque đã cố gắng xây dựng?
Câu trả lời: Có…
Nếu nhìn vào cách bố trí đội hình của “ngài râu kẽm” trong trận đấu với Italia với 5 nhân tố xuyên theo chiều dọc đội hình từ hàng trung vệ (Pique) đến hàng tiền vệ (Busquets, Xavi, Iniesta, Fabregas). Tây Ban Nha vẫn kiểm soát thế trận nhờ khả năng cầm bóng cực tốt của hàng tiền vệ với thời lượng kiểm soát bóng tới 66%. Cách di chuyển không bóng và thực hiện nhiều đường chuyền ban bật nhỏ của Barca vẫn được mô phỏng vào đội hình của La Roja, ngay cả khi trong đó có tới 4 vị trí thuộc về các cầu thủ Real Madrid.
Bàn thắng của Fabregas là điển hình của tiqui-taka
Sức mạnh từ tuyến giữa là tiền đề để TBN tạo ra được nhiều cơ hội trước khung thành thủ môn Gianluigi Buffon và nếu ngoài pha phối hợp mẫu mực giữa David Silva và Cesc Fabregas dẫn tới bàn thắng, TBN chỉ cần tận dụng một trong nhiều tình huống thì kết quả sẽ không dừng lại ở tỷ số 1-1. Trước tuyến phòng ngự chặt chẽ có tổ chức của Italia, việc tìm được khe hở để xuyên phá cũng bắt nguồn từ những điểm nhấn như Iniesta và Xavi giống như ở Barca. Bàn thắng gỡ hòa của Fabregas cũng bắt nguồn từ những pha phối hợp kiểu tiqui-taka như vậy.
Câu trả lời: Không…
Nếu Barca có Messi thì TBN không có mẫu cầu thủ như vậy và việc không sử dụng tiền đạo có thể được coi là phương án đã bị phá sản hoàn toàn của HLV Del Bosque. Trong suốt 74 phút trước khi Fernando Torres được thay vào sân, La Roja không có một tiền đạo đích thực mà đột biến chỉ đến nhờ những pha xâm nhập của Iniesta và Fabregas. Cả hai đều có cơ hội trước khung thành Italia nhưng nếu thay vào đó là một tiền đạo thực sự, có thể bàn thắng đã đến. Rõ ràng một tiền vệ dù có “mắn” bàn thắng đến mấy thì cảm giác săn bàn cũng không thể bằng một trung phong đích thực.
Không có một tiền đạo thực sự, TBN bế tắc trong hàng công
Vậy nên ngay cả khi TBN tạo được sức ép nhờ tiqui-taka thì hiệu quả không phải là tốt nhất. Tổng cộng 19 cú sút được tung ra cả trận (so với 11 của Italia) nhưng chỉ bằng đối phương ở 6 lần sút trúng khung thành, một trong những lý do vì sao đội hình không tiền đạo của La Roja đã bế tắc trong khâu ghi bàn. Khi Torres được tung vào sân, những cơ hội mười mươi mới đến nhiều hơn với đội quân của HLV Del Bosque.
Euro 2012 không thể còn là những buổi tập như các trận giao hữu trước thềm giải đấu. Khi trong tay Del Bosque vẫn còn những tiền đạo săn bàn đáng kể như Fernando Llorente hay Alvaro Negredo, nếu cứ tiếp tục đi theo mô típ “không tiền đạo” và cả việc đặt niềm tin vào Torres, sẽ không còn thời gian để “ngài râu kẽm” sửa sai, ngay cả khi phía trước là hai đối thủ được đánh giá yếu hơn như Croatia và Ai Len.
Trong 10 trận gần đây nhất ở ĐT TBN (tính cả vòng loại Euro 2012 và giao hữu), các tiền vệ ghi tới 16 bàn trong khi hàng tiền đạo chỉ lập công có 9 lần. Đáng chú ý là 9 bàn thắng đó thì có tới 7 bàn của những tiền đạo không có trong danh sách dự Euro 2012 gồm David Villa (4 bàn) và chân sút bị Del Bosque gạt ra rìa Roberto Soldado (3 bàn). Có phải vì vậy mà Del Bosque không tin tưởng vào các tiền đạo? |