Sự "điên rồ" của kì chuyển nhượng ở Anh được báo trước
Từ năm 2015, các công ty nghiên cứu tài chính đã tiên đoán thị trường chuyển nhượng giải Ngoại hạng Anh sẽ lại… phá kỷ lục.
Bản hợp đồng bản quyền truyền hình mới của giải ngoại hạng Anh (từ mùa 2016-2017 đến 2018-2019) được công bố hồi tháng 1-2015. Ngay lập tức các chuyên gia, các công ty nghiên cứu tài chính đã tiên đoán thị trường chuyển nhượng giải Ngoại hạng Anh sẽ lại… phá kỷ lục.
Đồ họa sáu CLB bung tiền mua quân nhiều nhất của Premier League
Gói bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh này bắt đầu từ đầu mùa thì các CLB đã xúng xính tiền bạc. Với con số 5,1 tỉ bảng mỗi mùa, các CLB ăn chia có thể làm đổi thị trường chuyển nhượng.
Đến ngày khóa sổ thị trường chuyển nhượng mùa này thì giải Anh không chỉ vượt mức một 1 tỉ bảng, mà còn đạt kỷ lục. Những CLB như: Leicester, Sunderland, West Ham cũng trút hầu bao để thực thi các phi vụ chuyển nhượng vào giờ chót khi thị trường đóng cửa để đẩy giá trị tổng mua sắm của các CLB Anh lên 1,165 tỉ bảng. Tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải Serie A chỉ bằng nửa của Premier League với tổng mua sắm 590 triệu bảng.
Trớ trêu thay hai CLB rớt hạng của giải Anh mùa rồi là Aston Villa và Newcastle cũng có chi phí chuyển nhượng đầu mùa vượt hai ông lớn Tây Ban Nha là Real Madrid và Barcelona.
Bên cạnh đó, mùa này cũng chứng kiến “cảnh di cư” ào ạt của các cầu thủ từ La Liga đổ vào Premier League. Tất cả đều trông chờ có thu nhập cao từ Anh.
Một “cò” cầu thủ của Tây Ban Nha nói: “Khi tôi thấy các CLB Anh đến Tây Ban Nha dạm mua cầu thủ thì điều đầu tiên tôi nghĩ ngay là phải hợp tác với họ để vụ chuyển nhượng diễn ra suôn sẻ. Vì các CLB Anh mà muốn là phải được vì họ nhiều tiền”.
Còn HLV Wenger nói: “Ở châu Âu có hai thị trường chuyển nhượng, một là của riêng Anh, hai là phần còn lại của châu Âu”. Câu nói này đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vì các CLB quá nhiều tiền, và thị trường Anh quá hấp dẫn.
Điều đáng nói là không chỉ các CLB lớn của Anh bung tiền mà ngay cả các CLB Anh lâu nay nổi tiếng “tay thước” trong chi tiêu như: Leicester City, Everton, West Ham, Southampton, Crystal Palace cũng thực thi các phi vụ kỷ lục của CLB mình để tậu quân.
CLB chật vật với việc xuống hạng mùa rồi là Watford đã bỏ ra 53,4 triệu bảng để mua sắm. Leicester cũng tạo nên bất ngờ khi vung 67,8 triệu bảng để mua quân.
Hãng nghiên cứu và phân tích thị trường Deloitte nhận thấy từ bốn năm nay giải vô địch liên tục tự phá bốn kỷ lục của mình trên thị trường chuyển nhượng châu Âu. Nhưng năm mùa gần đây nhất thì chẳng một CLB Anh nào lọt vào chung kết Champions League.
Người đại diện của Deloitte nhận xét: “Bóng đá Anh không chỉ là cuộc chơi trên sân mà còn là cuộc chơi tiền bạc trên bàn”.