Sở hữu bóng là con đường chiến thắng?
Trận thắng Real Zaragoza cuối tuần trước là trận thứ 300 liên tiếp Barcelona chiếm quyền kiểm soát bóng nhiều hơn các đối thủ, nhưng đôi khi, tỉ lệ cầm bóng là con số thống kê vô nghĩa.
Lần gần nhất Barca cầm bóng ít hơn đối phương diễn ra cách đây đã gần 5 năm, và Real Madrid thời điểm ấy cũng chỉ kiểm soát bóng hơn một chút, với 50,5% thời lượng. Kể từ đó, dù thắng hay thua, Barca cũng luôn cầm bóng nhiều hơn đối phương, và đã định hình lại bóng đá thế giới bằng cách ấy.
Những bài học nghiệt ngã
Phần lớn những đội bóng hàng đầu châu Âu hiện tại đều lấy kiểm soát bóng làm nền tảng cho chiến thắng, là Bayern Munich, Real Madrid, Dortmund (các đội có mặt ở bán kết Champions League mùa này cùng Barca), Juventus. Ngay cả các đội bóng được xây dựng nhanh chóng bằng nguồn tiền dầu mỏ như Manchester City hay PSG cũng đang hướng đến lối chơi ấy.
Nhưng không phải lúc nào cầm bóng cũng đi kèm chiến thắng, thậm chí là thất bại trên thế cầm bóng còn tạo cảm giác rất nghiệt ngã.
Barca từng thua Celtic dù sở hữu bóng lên tới 89%
Vòng bảng Champions League mùa này, Barca nếm trải cái cay đắng ấy của bóng đá. Barca thua Celtic trên đất Scotland, dù cầm bóng với thời lượng lên đến 89%, thực hiện thành công 955 đường chuyền trong 90 phút (so với 166 đường chuyền thành công của Celtic)!
Thất bại ấy nhắc lại một ký ức đau đớn của họ cách đây 3 năm: Barca gục ngã trước Inter Milan ở bán kết Champions League 2010. Đội bóng xứ Catalunya thua 1-3 ở lượt đi cho dù đã kiểm soát tới 84% thời lượng bóng lăn.
Và có lẽ cũng chưa ai quên là Chelsea của Roberto Di Matteo đã làm thế nào để "tiêu diệt" Barca cũng tại bán kết Champions League, mùa trước. Trên sân nhà, CLB thủ đô London thắng 1-0, dù chỉ cầm bóng 20%. Lượt về là một trận đấu điên rồ hơn gấp nhiều lần: Chelsea hòa 2-2 ngay tại Camp Nou, và hai bàn thắng của họ đều được ghi sau khi chỉ còn... 10 người (John Terry bị đuổi từ cuối hiệp một).
Manchester United, đội bóng thành công nhất bóng đá Anh đương đại, không phải một CLB coi trọng quyền kiểm soát bóng. Sir Alex Ferguson, sau thất bại với thương vụ Juan Veron vào năm 2001, đã bỏ ý định xây dựng đội bóng quanh một tiền vệ xây dựng lối chơi. Paul Scholes là một tiền vệ con thoi, mạnh về mở biên và những cú sút xa sấm sét, hơn là người điều tiết bóng bằng những đường chuyền cự ly ngắn. Roy Keane là một tiền vệ phòng ngự thuần túy.
Vây thì đôi khi chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi: Kiểm soát bóng có quan trọng không?
Lý thuyết về “bóng đá vị trí”
Nhưng thất bại cay đắng trong quá khứ của Barca, CLB cầm bóng có lẽ là hay nhất trong lịch sử, cho thấy rằng dù bạn có cố gắng triệt tiêu quyền cầm bóng của đối phương đến thế nào, thì không có nghĩa là đã triệt tiêu được nguy hiểm. Và đối trọng đáng nể nhất của lối chơi cầm bóng, chính là lối chơi vị trí.
Khi Herbert Chapman dẫn dắt Northampton Town vào năm 1907, ông nhận ra rằng quyền sở hữu bóng không đủ để giành chiến thắng. Điều quan trọng hơn là bạn sở hữu bóng ở khu vực nào và trong hoàn cảnh nào. Bằng cách đó, ông là người đầu tiên cho đội bóng của chơi lùi sâu, trước khi tìm kiếm cơ hội bằng cách khai thác không gian phía sau đối thủ.
Ông là “nhà lý luận” đầu tiên của bóng đá phản công, và đã áp dụng nó thành công tại Huddersfield và Arsenal. Triết lý của Chapman, tất nhiên, không phổ biến. Người ta cho rằng đội bóng của ông thường gặp may mắn, và lối chơi ấy là phản bóng đá. Thế nhưng, những ý tưởng của Chapman vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay, và trở thành một vũ khí lợi hại để chống lại các đội có xu hướng sở hữu bóng. Catenaccio, một trong những trường phái vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá, được xây dựng dựa trên những gì mà Chapman khởi xướng cách đây cả thế kỷ.
Egil Olsen, cựu tuyển thủ từng 16 lần khoác áo đội tuyển Na Uy và sau đó từng là giảng viên Đại học thể dục thể thao Na Uy, đã mổ xẻ vấn đề này đi đến kết luận rằng vị trí của quả bóng quan trọng hơn là sở hữu bóng bao lâu. Theo đó, sau khi trở thành HLV đội tuyển Na Uy vào năm 1990, ông đã yêu cầu các cầu thủ của mình tích cực chuyền bóng vào khu vực “bakrom”, nghĩa là không gian phía sau hàng phòng ngự đối phương. Bằng nguyên tắc này, Na Uy đã hai lần vượt qua nhiều "ông lớn" khác của bóng đá châu Âu để lọt vào VCK World Cup 1994 và 1998.
Các đường chuyền dài có ý đồ và phù hợp thời điểm, đưa bóng vào một khu vực gây sát thương cho đối phương nhanh chóng nhất cũng được xem là một nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém gì lối chơi tấn công dựa trên nền tảng cầm bóng. Ở Champions League mùa này, trận đấu điển hình nhất cho sự tương phản ấy là Dortmund – Malaga ở lượt về tứ kết: Đội bóng Vàng đen đã chiến thắng, nhưng chắc chắn họ không thể quên được cảm giác “hút chết” trước cách chơi phản công quá khoa học của Malaga.
Dortmund cũng chết hụt bởi lối chơi phòng ngự phản công của Malaga
Lối chơi này được xây dựng trên hai nguyên tắc của vị trí: 1) Nghỉ ngơi với bóng bằng cách đứng đúng vị trí và giữ cự ly để hỗ trợ cho nhau tốt mà không phải di chuyển nhiều; 2) Chuyền bóng vào vị trí mà chiến thuật xác định trong từng tình huống cụ thể rằng đối phương sẽ lơ là không gian ấy nhất khi tấn công.
Dù sao, tấn công vẫn khó hơn
HLV huyền thoại Arrigo Sacchi từng chứng minh điều đó bằng một thực nghiệm: “Tôi đã thuyết phục được Gullit và Van Basten tin rằng 5 người được tổ chức tốt sẽ đánh bại 10 người vô tổ chức. Tôi lấy 5 cầu thủ về phe phòng ngự: Giovanni Galli bắt gôn, các hậu vệ là Tassotti, Maldini, Costacurta và Baresi. Phe tấn công có 10 người: Gullit, Van Basten, Rijkaard, Virdis, Evani, Ancelotti, Colombpo, Donadoni, Lantignotti và Mannari. Họ có 15 phút để ghi bàn vào lưới 5 người của tôi, với điều kiện là nếu chúng tôi cướp hoặc phá được bóng ra ngoài, họ phải bắt đầu tấn công lại từ vị trí sâu 10 mét so với phần sân của họ. Tôi cho chơi trò này thường xuyên và không bao giờ họ ghi được bàn. Không nổi lấy một lần”.
Sacchi giải thích: “Các đội bóng lớn đều muốn kiểm soát sân và bóng, tức là các cầu thủ phải biết rõ khi nào phải thoát kèm người, khi nào phải chiếm không gian, trong khi bóng đá thì phức tạp. Khi bạn tấn công, bạn vừa phải giữ cự ly, vừa phải chờ thời điểm thích hợp và cách thức thích hợp để thoát khỏi sự đeo bám. Rất nhiều đội bóng không phải là một tập thể, mà chỉ là một nhóm người. Và họ rất khó di chuyển cùng nhau”.
Phòng ngự theo vị trí không những tránh được sự xộc xệch không đáng có này, mà còn đốt cháy ít năng lượng hơn tấn công. Phòng ngự cũng đòi hỏi tính tổ chức cao, nhưng chú trọng sự bền chặt, khác với tấn công đòi hỏi biến hóa từ nền tảng tổ chức ấy, là cầm bóng, trước khi di chuyển và phát triển các ý tưởng tấn công.
Thế nên, dù phải cảm ơn các đội bóng như Inter 2010, Chelsea 2012, hay Malaga ở Champions League mùa này, nhưng phải dành lời khen ngợi hơn cho các đại diện ưu tú nhất của lối chơi cầm bóng, là Barca, Bayern và Dortmund. Họ đã chọn con đường chông gai hơn để đi đến thành công, dù không ai phủ nhận, phòng ngự cũng là một nghệ thuật, và nó đẹp không kém gì nghệ thuật tấn công.