Những điểm nhấn đáng nhớ của lượt đi V-League 2013
Chỉ còn vài ngày nữa, V-League 2013 sẽ khởi tranh trở lại sau 3 tuần tạm nghỉ nhường chỗ cho đội tuyển U23 tập trung. Trước thềm lượt về, hãy cùng nhìn lại những điểm nhấn đáng nhớ của lượt đi V-League năm nay.
1.Hai nửa sông Lam
Đối với đội bóng xứ Nghệ, người ta hoàn toàn có thể chia lượt đi của mùa giải năm nay thành hai nửa trái ngược nhau. Trong 7 vòng đấu đầu tiên, SLNA chơi như lên đồng (thắng 6 trận, hòa 1 trận), vững vàng ở ngôi đầu và tưởng như không ai có thể đánh bại đội bóng xứ Nghệ ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, 4 vòng đấu cuối lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại khi thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác, tuột dốc không phanh, không thắng nổi 1 trận nào (hòa 1 trận, thua 3 trận).
Dù vẫn giữ được vị trí số 1 sau khi kết thúc lượt đi nhưng ngôi đầu này hết sức mong manh bởi SLNA hoàn toàn có thể bị truất ngôi bất cứ lúc nào do các đội bóng xếp sau như HA.GL, HN T&T, SHB.ĐN chỉ kém từ 1-3 điểm trong khi đều còn trong tay từ 1-2 trận chưa đá.
2.Nỗi thất vọng mang tên B.Bình Dương
Được coi là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch V-League năm nay trước ngày vào giải, thế nhưng đội bóng đất Thủ đã thể hiện một phong độ vô cùng tệ hại ở lượt đi. Sau 5 trận đầu toàn thua, B.BD đã quyết định chia tay HLV Cho Yoon Hwan (người Hàn Quốc) để vời lại một người cũ - HLV Lê Thụy Hải.
Tuy nhiên sự có mặt của HLV lão làng này cũng chưa giúp đội bóng đất Thủ cải thiện được nhiều (dù cũng đã giành được 2 trận thắng) và họ đành phải chấp nhận vị trí đội sổ trên bảng xếp hạng sau khi kết thúc lượt đi với chỉ vẻn vẹn 7 điểm giành được sau 11 vòng đấu.
Chờ một lượt về hấp dẫn
3.Mưa bàn thắng và hàng loạt siêu phẩm
Chưa bao giờ V-League lại xuất hiện những cơn mưa bàn thắng như ở lượt đi mùa giải năm nay. Con số trung bình 3,32 bàn/trận là cao nhất trong lịch sử V-League từ trước đến nay chứng tỏ đây đang là mùa giải cống hiến nhất nếu nhìn từ góc độ bàn thắng.
Thống kê cũng cho thấy, ở lượt đi vừa qua có tới 16 trận đấu có từ 5 bàn thắng trở lên, nghĩa là trung bình mỗi vòng đấu các khán giả lại được thưởng thức từ 1 đến 2 bữa tiệc bàn thắng trên các sân cỏ của cả nước
Đi kèm với đó là việc xuất hiện hàng loạt siêu phẩm trên các sân cỏ Việt Nam. Tiêu biểu là cú sút từ góc cực hẹp của tiền đạo Gonzalo (Hà Nội T&T) gợi nhớ đến siêu phẩm của tiền đạo người Hà Lan Van Basten vào lưới Liên Xô trong trận chung kết EURO 1988 hay cú lốp bóng ở góc hẹp của tiền vệ Nastja Ceh (Thanh Hóa) ở vòng đấu thứ 11 vừa qua, bóng bay qua đầu cả hàng phòng ngự lẫn thủ môn B.BD rồi đập vào cột dọc trước khi bật vào lưới. Cũng không thể quên cú đá phạt mang thương hiệu Beckham của Lương Minh Trung (K.KG) buộc thủ môn Phan Văn Santos phải vào lưới nhặt bóng ở vòng đấu thứ 10.
4.Ngày càng xuất hiện nhiều “chảo lửa”
Như thường lệ, sân Lạch Tray tiếp tục giữ vững “ngôi vương” về việc thu hút khán giả với con số trung bình 16.200 người/trận, xếp trên sân Vinh ở vị trí thứ 2 với trung bình 14.600 người/trận. Ngoài ra ở lượt đi vừa qua còn xuất hiện những “chảo lửa” khác. Sân Gò Đậu ở vòng đấu cuối cùng của lượt đi đã thiết lập kỷ lục 25.000 người tới sân theo dõi trận đấu giữa chủ nhà B.BD và đội khách Thanh Hóa. Hay như ở vòng đấu thứ 4, sân Hàng Đẫy lần đầu tiên kể từ Tiger Cup 1998 mới đông khán giả như vậy khi có tới 20.000 người tới sân chứng kiến trận đấu giữa Hà Nội T&T và SLNA.