Nhìn lại NHA 2013/14: Top 10 bản hợp đồng hớ
Tottenham có 2 “hàng hớ” trong top 10, trong khi Roma cung cấp cho Premier League 2 gương mặt thất vọng.
1. Ricky Van Wolfswinkel (Sporting Lisbon tới Norwich, 8,5 triệu bảng)
Không phải tự dưng mà Norwich ghi ít bàn nhất ở Premier League. Van Wolfswinkel ngốn đến 8,5 triệu bảng nhưng chỉ ghi được 1 bàn thắng trong ngày ra mắt CLB rồi tịt ngòi hẳn trong toàn bộ phần còn lại của mùa bóng. Khả năng dứt điểm của Van Wolfswinkel kém tới mức chỉ trúng đích 8 lần trong 25 trận.
2. Marouane Fellaini (Everton tới MU, 27,5 triệu bảng)
Marouane Fellaini sa sút thảm hại
Manchester United chỉ cần trả 24 triệu bảng là được quyền đàm phán với Fellaini mà không cần xin phép Everton, nhưng vì một lý do nào đó mà họ nâng lên 27,5 triệu bảng. Mùa đầu tiên của Fellaini với MU là một thất bại toàn diện về mặt cá nhân lẫn tập thể, anh sa sút rõ rệt so với phong độ xuất sắc một năm trước và thi đấu rất thiếu tập trung, khiến việc sử dụng Fellaini ở vị trí nào trong đội hình xuất phát cũng đều chỉ mang đến những kết quả nửa vời.
3. Erik Lamela (AS Roma tới Tottenham, 30 triệu bảng)
Erik Lamela đắt không xắt ra miếng
Tottenham bỏ ra số tiền kỷ lục 30 triệu bảng nhưng Lamela đã biến mất rất nhanh chóng. Cựu cầu thủ Roma đá chỉ 3 trận ở Premier League, được dùng ở Europa League là chính và đã không ra sân trận nào kể từ đầu năm 2014 do chấn thương lưng.
4. Konstantinos Mitroglou (Olympiacos tới Fulham, 12 triệu bảng)
Một bản hợp đồng kỷ lục của Fulham ở mức giá 12 triệu bảng trong tháng 1/2014. Đáp lại, Mitroglou đá 3 trận, ghi 0 bàn. Điều đáng nói là Fulham đưa tiền đạo người Hy Lạp này về trong lúc anh ta đang bị chấn thương đầu gối, và sau đó Mitroglou đã nghỉ tới tận đầu tháng Tư.
5. Roberto Soldado (Valencia tới Tottenham, 26 triệu bảng)
Sau khi khởi đầu khá sáng sủa với 4 bàn trong 3 trận, Soldado chỉ ghi thêm 2 bàn trong các trận đấu còn lại. 6 bàn thì trong đó có tới 4 bàn đến nhờ penalty. Công cuộc tái thiết của Tottenham thời hậu Gareth Bale xem ra chưa thể đi đúng quỹ đạo, bởi họ không biết cách khai thác những điểm mạnh trong cách chơi của Soldado giống như Valencia làm được.
6. Jozy Altidore (AZ Alkmaar tới Sunderland, 6,5 triệu bảng)
Có người sẽ nghĩ rằng 6,5 triệu bảng chẳng có gì lớn, nhưng với Sunderland thì khác. Rời AZ Alkmaar với 23 bàn thắng mùa trước, Altidore chỉ ghi 1 bàn trong mùa này dù đá hơn 1.600 phút, và thậm chí cách đây không lâu đã bị đẩy xuống đá cùng đội U-21 Sunderland. Altidore ăn vạ nhiều hơn ghi bàn, và điều trớ trêu là kỹ năng này đã góp phần khiến Chelsea hụt chức vô địch.
7. Peter Odemwingie (West Brom tới Cardiff, 2,5 triệu bảng)
Cardiff trả 2,5 triệu bảng để đưa Odemwingie về từ West Brom, và đáp lại Odemwingie ghi 1 bàn trong 15 trận. Trớ trêu hơn nữa, Cardiff quyết định tống khứ Odemwingie đi dưới dạng tự do trong tháng 1, và Stoke không mất một xu nào để có chân sút người Nigeria, người sau đó cũng đá 15 trận nhưng ghi được 5 bàn và giúp Stoke về đích thứ 9.
8. Dani Osvaldo (AS Roma tới Southampton, 15 triệu bảng)
Dani Osvaldo "hãi" cơ bắp của hậu vệ Anh
Thêm một cầu thủ nữa từ Roma đến Premier League và biến thành trò hề. Southampton đã cho thấy họ thừa sức trụ hạng chỉ bằng tài năng tự đào tạo, nhưng vẫn bỏ ra 15 triệu để đưa Osvaldo về đá tiền vệ công. Hàng công Southampton sa sút thảm hại vì Osvaldo không quen với môi trường thể lực của giải Ngoại hạng, và cuối cùng Southampton đành đẩy anh này trở lại Italia cho Juventus mượn.
9. Andreas Cornelius (FC Copenhagen tới Cardiff, 8 triệu bảng)
Lại là Cardiff. Nhưng nếu như Odemwingie phong độ kém là một chuyện, chân sút Đan Mạch Cornelius chưa kịp đá chính trong bất kỳ trận đấu nào của Cardiff thì đã bị dính chấn thương mắt cá do một cú xoạc nguy hiểm của hậu vệ đối phương. Không may cho Cornelius là, khi mà anh đã bắt đầu bình phục vào cuối năm 2013 và sẵn sàng trở lại, Cardiff mất kiên nhẫn và bán rẻ lại Cornelius cho Copenhagen. Có lẽ mọi vụ mua hớ của Cardiff đều liên quan tới cái đầu bốc đồng của ông chủ Vincent Tan.
10. Stevan Jovetic (Fiorentina tới Man City, 22,8 triệu bảng)
Khó có thể tin nổi là từng đó số tiền mà Man City chi ra được dùng để mua về một cầu thủ mà họ cho ra sân chỉ 18 trận, đá hơn 600 phút và ra sân từ ghế dự bị gần 80% số trận thi đấu. Không phải lỗi của Jovetic, bởi anh gặp vận đen với chấn thương bắp đùi và rách dây chằng.