Nghịch lý ‘sữa ngoại’ và ‘máy ngoại’
“Sữa ngoại” thì không nhiều nhưng cầu thủ ngoại lại là chủ lực. Đó là những gì mà giới chuyên môn đang nhìn về V-League với một bức tranh không sáng sủa.
Với cách ví von “sữa ngoại” để nói lên phần tài trợ ngoại như Thai-League hay S-League đã và đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư ngoại thì ngược lại ở V-League, phần “ngoại” đấy rất hiếm hoi. Chỉ có vài đội có trang phục ngoại Kappa như Hà Nội, Long An, còn lại đa phần đều dùng “hàng nhái”.
Cầu thủ ngoại luôn rất quan trọng với các đội bóng của V-League
Riêng phần “hồn” từ nhà tài trợ để nuôi đội bóng lại đa phần lấy từ tay trái qua tay phải của những nhà làm kinh tế đầu tư đội bóng để đổi lấy dự án “thơm” hay bất động sản của địa phương trao tay những nhà làm kinh tế mượn đội bóng để làm ăn ở phần ngoài bóng đá. Còn phần thu hoạch từ bóng đá thì rất bèo bọt, khác hẳn với các quốc gia làm bóng đá chuyên nghiệp.
“Sữa ngoại” thì ít nhưng cầu thủ ngoại (cũng ít) lại nắm vai trò quyết định của đa số đội bóng. HA Gia Lai đang ở đáy bảng được ghi nhận về mặt chuyên môn nằm ở chỗ ngoại binh của họ quá kém, không đủ để làm nòng cốt cho một tập thể trẻ. Ngược lại thì đội bóng đang dẫn đầu như Thanh Hóa ngoại trừ việc đổ tiền mua rất nhiều cầu thủ nội giỏi, họ cũng sắm cả ngoại binh giỏi và dựa vào đấy để nhắm đến ngôi vô địch.
Hay như CLB TP.HCM với trận thua ngày 11-2 trước Thanh Hóa có đến hơn 60 phút thi đấu theo kiểu chỉ tập trung bóng cho cầu thủ ngoại Dyachenko với kiểu tập trung bóng bổng và bóng dài cho cầu thủ ngoại này. Điều mà chính Chủ tịch Hội đồng HLV Nguyễn Sỹ Hiển bình luận trực tiếp trên VTV đã than thở về một lối đá tập trung quá nhiều vào những đường chuyền dài cho ngoại binh Dyachenko sẽ khó có điều kiện nâng chất cho những cầu thủ nội.
Và cũng không hẳn chỉ CLB TP.HCM chơi thứ bóng đá kiểu tất cả nội binh phục vụ cho ngoại binh như thế. Nhiều đội bóng vẫn chọn những chiến thuật tìm “Tây” mồi bóng và hầu hết những mảng miếng chiến thuật đều tập trung cho “Tây”.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam là “sữa ngoại” thì ít trong khi “máy ngoại” lại được khai thác triệt để. Nó hoàn toàn khác hẳn các nền bóng đá chuyên nghiệp trong khu vực, họ chú trọng đến động lực nội binh không phải qua việc hạn chế ngoại binh mà là tạo điều kiện tối đa để nội binh phát triển theo đặc thù của quốc gia. Ngược lại thì nguồn “sữa ngoại” được các nền bóng đá chuyên nghiệp đấy khai thác triệt để bởi chất lượng giải đấu và sự quan tâm của “thượng đế”.