‘Mất bò mới lo làm chuồng’
Phải đến khi đội tuyển bóng đá Việt Nam bị xếp vào dạng xấu chơi nhất AFF Cup 2016 thì những nhà làm bóng đá mới giật mình chú trọng đến chấn chỉnh văn hóa sân cỏ.
Từ tiêu chí đá hay, đá đẹp khi HLV Hữu Thắng được ủng hộ để thay cho lối chơi lực sĩ thời Miura, bóng đá Việt Nam đã lệch hướng sang một AFF Cup nhiều tai tiếng.
Văn hóa ứng xử và văn hóa sân cỏ phải được giáo dục ngay từ các CLB chứ không phải cứ chế tài nặng là cầu thủ sợ. Ảnh: XUÂN HUY
Những lỗi lầm khi vào bóng phạm luật của Trọng Hoàng hay Quế Ngọc Hải vẫn thường thấy ở V-League và cả những lỗi kiểu đánh trả của Nguyên Mạnh hay động tác ngăn bàn thua của Đình Luật giống hệt những thước phim quay chậm về toàn cảnh V-League.
Để lý giải với việc xảy ra tiếng xấu đấy thì những nhà quản lý bóng đá chỉ mới giải thích chung chung kiểu như tâm lý cầu thủ kém, khâu chuẩn bị dự báo tình huống không tốt... Từ đó, VFF gấp rút đưa vào dự thảo Quy định kỷ luật với biện pháp tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi chơi bóng thô bạo, thiếu văn hóa sẽ áp dụng từ mùa giải chuyên nghiệp 2017.
Việc đưa ngay chiến dịch chấn chỉnh văn hóa sân cỏ vào mùa giải 2017 được các chuyên gia bóng đá thốt lên là “mất bò mới lo làm chuồng”. Bởi thực tế có những điều đã xảy ra như từ cái chân gãy của Anh Khoa hay cú vào bóng hủy diệt của Bửu Ngọc phang thẳng vào gối của Duy Long... đã cần phải gióng lên và phải “làm chuồng” từ rất lâu rồi, đặc biệt là làm ở các CLB.
Khi Quế Ngọc Hải vào bóng thô bạo làm gãy chân Anh Khoa thì ngay trong giới bóng đá đã có hai luồng dư luận. Một cho rằng bóng đá là môn đối kháng trực tiếp và những va chạm sẽ khó tránh khỏi nên làm quá thì sẽ khiến cầu thủ nhát chân và mất chất (!?). Luồng còn lại thì lên án mạnh mẽ với tiêu chí bóng đá phải đẹp mới tồn tại và quan trọng là phải bảo vệ đôi chân cho nhau.
Nói các cầu thủ “lờn thuốc” vì ban kỷ luật không mạnh tay thì mới chỉ đúng một phần. Phần quan trọng hơn và sẽ hiệu quả hơn chính là giáo dục cầu thủ từ chính các CLB. Điều mà lâu nay nhiều đội bóng chỉ lo giành giật cầu thủ giỏi và lo thành tích mà buông lỏng công tác ứng xử trên sân cỏ của cầu thủ mình. Thậm chí là nhiều lãnh đạo CLB cũng tham gia cùng cầu thủ, cùng ủng hộ lối chơi bạo lực, tiểu xảo để ngăn đối phương. Cứ xem cái cách phản ứng hoặc tiếp thu một cách gượng ép của các CLB phải chịu án phạt chung từ những cú vào bóng hủy diệt của Quế Ngọc Hải hay của Bửu Ngọc thì sẽ thấy.
Từ đó bệnh V-League, bệnh ở chính các CLB đã lan sang đội tuyển. Thậm chí là nhiều cầu thủ khi được HLV bật đèn xanh phải chơi “máu lửa” thì lại có tư tưởng phải quyết liệt bằng mọi giá chứ không phải là quyết liệt về tinh thần và phải chơi đúng luật.
Chính HLV Calisto khi dẫn dắt đội tuyển đã nhấn mạnh với các tuyển thủ và thường xuyên có những buổi giáo dục cầu thủ mình khi đá những giải quốc tế rằng đừng mang “luật V-League” vào ứng dụng lên đội tuyển.
Và rõ ràng là điều mà HLV Calisto liên tục dạy dỗ cầu thủ mình thì ở đội tuyển vừa qua đã không được ban huấn luyện giáo huấn cho các cầu thủ mình. Điều mà lẽ ra khi Trọng Hoàng thoát thẻ đỏ hay Đình Luật bị cấm thi đấu vì lỗi ngăn cản cầu thủ Campuchia sẽ phải được đưa ra phân tích để ngăn cầu thủ tái phạm chứ không phải phân minh rằng “Trọng tài quá tay với lỗi không đáng thẻ đỏ đấy” (!?).
Bảy thẻ vàng và hai thẻ đỏ cùng những tình huống thoát thẻ như Trọng Hoàng rõ ràng không phải là những lỗi lạ kiểu lần đầu mắc phải mà là thói quen ở sân chơi nhà.
Siết lại văn hóa sân cỏ là điều cần thiết nhưng điều cần siết hơn là thái độ từ chính các CLB với lối chơi của cầu thủ mình và hơn hết là phải xóa đi tư tưởng thắng hoặc ngăn đối phương bằng mọi giá.