Lỗi hệ thống, bóng đá Việt Nam khó lên ngôi
Ngay sau thất bại tại AFF Cup 2016, bóng đá Việt Nam đã hướng tới mục tiêu vô địch SEA Games 29.
HLV Hữu Thắng đang phải chịu búa rìu dư luận.
Sau thất bại tại AFF Cup 2016, những nhà làm bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bầu Đức đề cập nhiều tới chức vô địch SEA Games 29 diễn ra vào năm sau. Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại của bóng đá Việt Nam, e rằng mục tiêu vô địch vẫn chỉ là trên giấy.
Lỗi hệ thống
Ngay sau thất bại tại AFF Cup 2016, bóng đá Việt Nam đã hướng tới mục tiêu vô địch SEA Games 29. Được biết, hôm nay (15/12), LĐBĐ Việt Nam (VFF) và HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ ngồi lại để đưa ra kế hoạch chuẩn bị cho giải đấu chủ chốt trong năm 2017. Tuy nhiên, trước khi nghĩ tới mục tiêu vô địch bóng đá nam SEA Games 29, chúng ta cần thẳng thắn đánh giá nguyên nhân khiến ĐT Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu tại AFF Cup 2016.
Nhìn bề ngoài, ĐT Việt Nam bị loại ở bán kết là do những sai lầm cá nhân. HLV Hữu Thắng, Quế Ngọc Hải, Đình Luật, Nguyên Mạnh… đều đã và đang phải chịu búa rìu dư luận. Mặc dù vậy, theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải đó chỉ là phần nổi. “Nhìn trong một trận đấu cụ thể, những tình huống cụ thể thì đúng là việc ĐT Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2016 là do những lỗi cá nhân gây ra. Vấn đề nằm ở chỗ, những sai lầm kiểu như vậy không phải là lần đầu, nó lặp đi lặp lại nhiều năm qua và chắc chắn đó là lỗi của cả nền bóng đá”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng phân tích thêm, bóng đá Việt Nam có quá nhiều tồn tại và tất cả tác động trực tiếp tới ĐTQG. Thứ nhất, V-League lâu nay dung dưỡng cho lối chơi bạo lực, các cầu thủ quen đá kiểu “chém đinh chặt sắt” nên khi lên tuyển cũng giữ thói quen như vậy. Thứ hai, việc rèn luyện đạo đức cho cầu thủ còn hạn chế và ít CLB làm được nên cầu thủ thường có những biểu hiện như phản ứng gay gắt với trọng tài, trả đũa đối thủ…
Thứ ba, V-League mất niềm tin vì thiếu sự minh bạch, biểu hiện rõ nhất là việc một ông bầu hai, ba đội bóng. “Những quy định VFF đưa ra nhiều lỗ hổng, trên thế giới không có chuyện một ông chủ có nhiều hơn một đội bóng tham dự một giải đấu. Cứ cho là trên giấy tờ, họ tách bạch nhưng ai đảm bảo khi gặp nhau họ không tính toán để có lợi cho nhau”, ông Hải thẳng thắn bày tỏ. Cũng theo cựu cầu thủ Thể Công, công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam vẫn quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành dẫn tới các cầu thủ không đủ điều kiện thi đấu cọ xát nhằm hoàn thiện các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng dứt điểm.
Trong khi đó, chuyên gia Trịnh Minh Huế lại có một góc nhìn khác: “Bất kỳ nền bóng đá nào cũng phải có chân đế vững. Chân đế là những giải đấu thấp, rồi dần dần lên cao thu nhỏ lại và giải VĐQG phải tập hợp những gì tinh túy nhất. Nhưng ở ta, giải VĐQG to nhất, càng xuống dưới càng bé. Như vậy là đi ngược với xu thế của bóng đá chuyên nghiệp. Hậu quả ai cũng thấy, ĐTQG chơi thiếu bản lĩnh trong những thời điểm then chốt”.
Đừng kiếm củi ba năm đốt một giờ
Tán đồng với những luận điểm của hai chuyên gia trên, HLV Lê Thụy Hải cho rằng, một nền bóng đá với quá nhiều tồn tại không thể tạo ra một đội tuyển toàn diện. Ngoài ra, vị HLV thành công nhất V-League khẳng định, để giải quyết được những tồn tại trên, những người điều hành nền bóng đá, cụ thể là VFF phải thực sự thay đổi cách làm việc. “Theo tôi thấy, VFF hiện nay khá bàng quan và chưa thể hiện trách nhiệm với bóng đá nước nhà. VFF với tư cách tổ chức xã hội nghề nghiệp phải định hướng được nền bóng đá. Mà muốn định hướng được thì phải có chuyên môn”, ông Hải “lơ” nói.
HLV Lê Thụy Hải nói thêm, các ban chuyên môn của VFF cần thực sự có người giỏi chuyên môn để sâu sát giải đấu, từng đội đội bóng: “Các CLB chuyên nghiệp hiện nay đều tự bơi chứ không trông chờ gì từ VFF. Đáng ra, VFF phải hỗ trợ các CLB từ tổ chức bộ máy, tổ chức thi đấu, xây dựng hệ thống đào tạo trẻ, quản lý cầu thủ... Nếu làm được như vậy, cộng thêm nỗ lực làm bóng đá bài bản, không đốt cháy giai đoạn từ các đội bóng, nền bóng đá Việt Nam mới có hi vọng đi lên”.
Ở chiều ngược lại, nếu cứ duy trì cả một nền bóng đá như hiện tại, chuyên gia Vũ Mạnh Hải khẳng định, các đội tuyển Việt Nam khó đạt thành tích cao ở đấu trường quốc tế. “ĐT Việt Nam chuẩn bị rất tốt, rất kỹ lưỡng trước thềm AFF Cup 2016, lối chơi HLV Hữu Thắng lựa chọn cũng phù hợp. Nhưng chỉ cần những phát sinh nhỏ, công sức cả quá trình trước đó đều đổ xuống sông, xuống biển. SEA Games 29 cũng vậy, chúng ta đang có lứa trẻ rất tài năng nhưng nếu các em không được rèn luyện ở môi trường tốt, biết đâu những sai lầm như tại AFF Cup 2016 sẽ tái diễn với U23 Việt Nam”.