"Loạt đấu súng" tại EURO: Ác mộng của tuyển Anh
Nếu phải lên chấm 11m để đá luân lưu, ĐT Anh chỉ mong lời nguyền của những loạt "đấu súng" tại EURO sẽ chấm dứt với họ.
EURO 2016 sẽ diễn ra vào mùa hè này tại Pháp và một điều khán giả luôn chờ đón là những trận đấu knock-out có sự kịch tính và căng thẳng lên tới tột độ. Không chỉ 90 phút, trận đấu có thể phải kéo dài sang 120 phút và thậm chí phải định đoạt thắng thua trên chấm 11m.
ĐT Anh bị loại trên chấm 11m bởi Italia tại EURO 2012
Một khi đã bước vào loạt luân lưu, mọi cách biệt đẳng cấp giữa các đội tuyển đều bị xóa bỏ, cơ hội cho mỗi bên là 50/50. Đã có 15 loạt sút 11m xảy ra trong lịch sử EURO và một số đội tuyển đã trở nên cực kỳ đáng sợ trong màn “đấu súng”. Hãy đi sâu tìm hiểu những loạt sút luân lưu trong lịch sử EURO.
CH Czech – “Hung thần” của những loạt luân lưu
Loạt sút luân lưu đầu tiên tại EURO diễn ra vào năm 1976, ngay trong trận chung kết giữa Tiệp Khắc (trước khi tách ra thành CH Czech và Slovakia) và Tây Đức. Tây Đức của Gerd Muller và Franz Beckenbauer hai lần bị dẫn trước và hai lần gỡ hòa, đưa trận đấu vào loạt sút 11m. Và trên chấm trắng, một khoảnh khắc kinh điển đã xảy ra.
Sau khi Uli Hoeness sút vọt xà trong lượt đá thứ 4 của Tây Đức, Tiệp Khắc có cơ hội ấn định 5-3 và người thực hiện lượt đá đã chờ Sepp Maier đổ người sang một phía trước khi nhẹ nhàng đưa bóng vào giữa khung thành để Tiệp Khắc trở thành nhà vô địch châu Âu. Tên của ông: Antonin Panenka.
Quả penalty lịch sử của Panenka
4 năm sau, Tiệp Khắc đối đầu chủ nhà Italia trong trận tranh hạng Ba và sau khi hòa 1-1 trong 120 phút, loạt luân lưu chứng kiến 8 lượt đá đều thành công, cho đến lượt đá thứ 9 Fulvio Collovati bị thủ môn Netolicka đẩy được cú sút và Tiệp Khắc thắng 9-8.
16 năm sau, lúc này Tiệp Khắc đã tách ra và ĐT Cộng hòa Czech lọt vào bán kết EURO 1996, nơi ĐT Pháp đang đón đợi. 5 lượt đá luân lưu của mỗi bên đều chính xác cho tới khi thủ môn Petr Kouba cản phá cú sút của Pedros, và đội trưởng Miroslav Kadlec đánh bại Bernard Lama để CH Czech thắng 6-5.
Như vậy, CH Czech toàn thắng trong 3 loạt luân lưu và chính xác toàn bộ 20 cú sút 11m, đạt tỷ lệ 100% cả số chiến thắng lẫn số cú sút. CH Czech sẽ góp mặt ở EURO 2016 này và biết đâu họ sẽ có dịp nối tiếp chuỗi thành tích sút 11m ấn tượng.
Ác mộng của tuyển Anh & Hà Lan
Trong khi đó sút luân lưu 11m có lẽ là điều mà tuyển Anh và Hà Lan sợ nhất mỗi kỳ EURO tham dự. Tuyển Anh và Hà Lan đều đã 4 lần đá luân lưu và chỉ thắng 1 lần.
Có tới 2 loạt luân lưu ĐT Anh đã phải trải qua khi họ đăng cai EURO 1996. Sau khi cầm hòa 0-0 trước TBN ở 120 phút trận tứ kết, Fernando Hierro của TBN sút dội xà và David Seaman cản phá Miguel Nadal để tuyển Anh đi tiếp. Nhưng rồi ĐT Anh gặp Đức ở bán kết và Gareth Southgate sút hỏng lượt sút của mình và để thua 5-6.
Kể từ đây tuyển Anh thua thêm 2 loạt luân lưu nữa, 5-6 trước Bồ Đào Nha ở tứ kết EURO 2004 (trong một loạt sút mà thủ môn Ricardo cản phá Darius Vassell rồi tự thực hiện cú sút quyết định) và 2-4 trước Italia ở tứ kết năm 2012.
Andreas Kopke đổ người đúng hướng cản phá Gareth Southgate, mở đầu cho chuỗi ngày đen tối của tuyển Anh trên chấm 11m tại EURO
Với Hà Lan, chuỗi thất bại trên chấm 11m bắt đầu tại EURO 1992 và trước chính câu chuyện cổ tích của giải đấu, ĐT Đan Mạch. Hòa gay cấn 2-2 sau 120 phút tại bán kết, Peter Schmeichel trở nên lừng danh thế giới khi cản phá lượt sút của Marco Van Basten và Đan Mạch thắng 5-4.
Đen đủi cho Hà Lan khi họ là đội 3 kỳ EURO liên tiếp dừng bước vì loạt luân lưu. Sau năm 1992, họ thua 4-5 trước ĐT Pháp tại tứ kết năm 1996, và tại bán kết năm 2000 trước Italia với tỷ số 1-3 ngay trên sân nhà. Tưởng như năm 2004 sẽ lại là cơn ác mộng mới, nhưng Hà Lan lần này thắng 5-4 trước Thụy Điển khi Edwin Van der Sar cản phá Olof Mellberg.
15 trận đấu vào loạt luân lưu trong lịch sử EURO 1976 chung kết: Tiệp Khắc 2-2 Tây Đức - Tiệp Khắc thắng 5-3 1980 tranh hạng ba: Tiệp Khắc 1-1 Italia - Tiệp Khắc thắng 9-8 1984 bán kết: Đan Mạch 1-1 TBN - TBN thắng 5-4 1992 bán kết: Hà Lan 2-2 Đan Mạch - Đan Mạch thắng 5-4 1996 tứ kết: TBN 0-0 Anh - Anh thắng 4-2 1996 tứ kết: Pháp 0-0 Hà Lan - Pháp thắng 5-4 1996 bán kết: Đức 1-1 Anh - Đức thắng 6-5 1996 bán kết: Pháp 0-0 CH Czech - Czech thắng 6-5 2000 bán kết: Italia 0-0 Hà Lan - Italia thắng 3-1 2004 tứ kết: BĐN 2-2 Anh - BĐN thắng 6-5 2004 tứ kết: Thụy Điển 0-0 Hà Lan - Hà Lan thắng 5-4 2008 tứ kết: Croatia 1-1 Thổ Nhĩ Kỳ - Thổ Nhĩ Kỳ thắng 3-1 2008 tứ kết: TBN 0-0 Italia - TBN thắng 4-2 2012 tứ kết: Anh 0-0 Italia - Italia thắng 4-2 2012 bán kết: BĐN 0-0 TBN - TBN thắng 4-2 |