Không còn đường lùi!
Lười di chuyển và đối kháng yếu là hai tử huyệt mà ngay từ những ngày đầu gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông Miura đã nhìn ra rất rõ về các học trò của mình.
Đấy cũng là lý do chính ở mỗi đợt tập trung, chiến lược gia người Nhật chăm chút nhào nặn cầu thủ theo kiểu chiến binh.
Ông Miura đã từng loại nhiều tuyển thủ giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm để giữ lại các cầu thủ có thể thiếu hai yếu tố đấy nhưng không thể thiếu tính chiến đấu mạnh mẽ.
HLV Miura muốn các học trò tăng cường khả năng đối kháng
Lần hội quân này chuẩn bị cho cuộc đón tiếp hai đối thủ Iraq và Thái Lan chỉ trong sáu ngày, ông Miura luôn đặt bài toán rèn thể lực lẫn sức chịu đựng lên hàng đầu. Khả năng đội tuyển Việt Nam có thay đổi từ cách chơi phòng ngự phản công sang đôi công để phân định thắng thua hay không vẫn còn là ẩn số. Duy có điều ông Miura ở các buổi tập thường yêu cầu học trò đá công hay thủ đều phải chơi tổng lực.
HLV người Nhật lần này chú trọng các bài phối hợp nhỏ và nhanh, đòi hỏi sự gắng sức của một tập thể dựa trên nền tảng thể lực dồi dào chứ không dựa dẫm vào sự đột biến của cá nhân nào cả. Nó khác với một thời ông Miura hay cho cầu thủ đá bóng dài với kiểu đưa bóng đi càng xa cầu môn nhà càng tốt trước khi tìm cách phá lưới đối phương.
Bây giờ đội tuyển Việt Nam ở thế dựa lưng tường buộc phải thắng mới có cơ may đạt mục tiêu vào vòng chung kết Asian Cup 2019, ông Miura không thể chơi rình rập và chờ thời mà phải giải quyết từng đối thủ bằng sự chủ động. Nó không phải là cách đá tử thủ trước tuyển Thái Lan như ở trận lượt đi thua 0-1 và càng không phải lối chơi bế tắc rồi chờ “ăn rùa” phút chót như cái lần vật vã vượt qua Đài Loan 2-1.
Hy vọng ông Miura sẽ tìm ra lối thoát ở cuối đường hầm cho đội tuyển Việt Nam và cho cả mình trước sức ép lẫn sự kỳ vọng của người yêu bóng đá.