Hội làng…
Sân Long Xuyên chiều qua ai cũng biết đấy là một ngày hội chứ không phải là một trận đấu mang tính sống còn.
Gọi là hội vì chủ nhà chuẩn bị cho lễ đăng quang thật chu đáo với tất cả khách mời từ mọi nơi bao gồm cả giới truyền thông lẫn… đội khách - đội QNK Quảng Nam, đội mà trận này dù thắng hay thua thì vẫn sẽ được trao cúp vô địch và cũng là đội đã giành quyền lên hạng sớm một vòng đấu.
Nhiều người vui với thành tích thăng hạng của HV An Giang nhưng lại thấy nhoi nhói với kết cục mà ai cũng biết trước khi thời, thế đã đặt hai đội vào một trận đấu hữu hảo để rồi kẻ thua trận trong ngày hội làng lại là đội đứng lên bục cao nhất và ngạo nghễ với chiếc cúp vô địch.
24 giờ trước trận đấu chiều qua, rất nhiều nhà chuyên môn có kinh nghiệm đã khẳng định kiểu gì thì QNK Quảng Nam cũng đến sân Long Xuyên theo dạng khách VIP và họ chấp nhận nhẫn, nhịn để cùng vui với chủ nhà như niềm vui mà lượt đấu trước họ đã hưởng trọn trên sân nhà. Chính các CĐV Quảng Nam trước vòng đấu cuối đã kháo nhau thôi đừng xuống sân Long Xuyên xem đội nhà nhận cúp vì vui gì với chiếc cúp trao cho kẻ mà ai cũng biết chưa đá đã thua…
Niềm vui trở lại sân chơi bóng đá cao nhất nước của CĐV An Giang sau 16 năm chờ đợi. Ảnh: Dương Thu
Những người có mặt trên sân thì vui với ngày hội lên hạng của HV An Giang nhưng lại thầm trách các cầu thủ diễn kịch không khéo dù cũng có thắng, có hòa rồi mới thua và cho gỡ nhưng cái kiểu anh mời tôi xơi và tôi ăn quá tôi trả lại thì làm mất ý nghĩa của ngày hội.
Nhân chuyện hội làng trên lại nhớ đến một câu chuyện cũng trong tuần qua nhưng ở cấp bóng đá trẻ, đó là hình ảnh sân bóng nườm nượp 1.000 khán giả ở góc khán đài với đủ màu sắc và những tiếng hô hào. Hình ảnh ấy thật hiếm ở một giải bóng đá trẻ bởi nó cho thấy sức sống ở khán đài khiến có người vội mừng cho các cầu thủ nhí cũng có fan. Nhưng hỡi ôi không ít người sau đó mới vỡ lẽ chuyện những nhà tổ chức bỏ một số tiền lớn ra thuê fan để làm nền cho sân bóng, cho giải trẻ. Và con số 1.000 khán giả thuê nhân 100.000 đồng/người tính ra đã là tiền tỉ.
Nghe chuyện này, một cựu tuyển thủ từng đá giải Phù Đổng trong màu áo Trẻ TP.HCM vào những năm 1990 thú thật hồi anh đá giải trẻ khán giả không đông, không cổ vũ kiểu gom một góc khán đài làm đủ trò nhưng anh khẳng định đấy là khán giả thật. Anh tự hào hồi đấy mình như “múa lân” và khán giả vỗ tay thật chứ không như bây giờ song song với việc đưa lân ra múa phải thuê người đứng vỗ tay.
Bao giờ bóng đá mới gột bỏ chất hội làng để trở về với đời thực của bóng đá?