Hậu TBN - Pháp: Giá trị của “hàng thật”
“Mô hình Barcelona” mà Blanc áp dụng cho Pháp đã không thể “qua mặt” Tây Ban Nha, nơi có những cá thể đích thực tạo nên thứ bóng đá tiqui-taka hoàn mỹ.
Từ thương mại tới bóng đá
Ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, câu chuyện hàng thật - hàng giả từ lâu đã là một chủ đề nóng hổi, thậm chí còn được nhắc đến như một cuộc chiến nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các thương hiệu chính hãng. Điều dễ nhận thấy rằng nạn hàng giả bùng phát (tất nhiên những mặt hàng có tên tuổi sẽ bị nhái nhiều hơn) vì nó có thể đáp ứng hai tiêu chí: Rẻ và mẫu mã đẹp. Thế nhưng ngược lại, chất lượng và độ an toàn thì chắc chắn không đạt yêu cầu.
Về thứ bóng đá tiqui-taka của Barca, đã có không ít đội bóng quyết tâm theo đuổi trường phái này bởi như số đông đúc kết: Khi bạn có bóng trong chân tức là bạn có nhiều cơ hội chiến thắng hơn đối thủ. Man City đã vô địch Premier League sau gần nửa thế kỉ ngóng đợi nhờ áp dụng thành công “Mô hình Barcelona”. Chẳng nói đâu xa, CLB HN.T&T cũng đang trở thành một thế lực tại V-League với triết lý ban bật bóng ngắn do HLV Phan Thanh Hùng dẫn dắt.
"Bản sao" tiqui-taka đối đầu với tiqui-taka "xịn"
Đêm qua, trong trận Tứ kết 3 của VCK Euro 2012, người ta đã được chứng kiến cuộc so tài giữa tiqui-taka “xịn” và tiqui-taka “bản sao” hay hiểu theo khía cạnh thương mại là hàng thật đối đầu với hàng giả. Một số tín đồ của làng túc cầu giáo cho rằng với thất bại cuối cùng vòng bảng, Pháp đã chọn Tây Ban Nha làm đối thủ. Nếu đúng như vậy, phải chăng người Pháp không biết tự lượng sức mình, đơn giản “La Roja” giờ đang ở trên đỉnh thế giới. Còn chỉ vì “bất khả kháng” mà thua Thụy Điển để lỡ mất cơ hội giành ngôi đầu bảng D thì rõ ràng, sức mạnh của “những chú gà trống Gaulois” thật khó định hình.
Giá trị của “hàng thật”
Đánh giá lại một chút về những gì ĐT Pháp trình diễn qua 3 trận vòng bảng, quả đúng như lời HLV Lê Thụy Hải nói: “Pháp cứ nhờ nhờ, bình bình, không có tính cách”. Trước Tây Ban Nha, các học trò của Blanc quên hết cả khái niệm tiqui-taka là gì. Pháp có Ribery, Benzema nhưng hai cá nhân ấy cũng phải lo hỗ trợ phòng ngự cho tuyến dưới thì đâu có thể có cơ hội thể hiện mình. Pháp bị Tây Ban Nha ép sân toàn diện trong 45 phút đầu và việc Lloris phải vào lưới nhặt bóng là điều đã được lường trước. Những thay đổi hay sự mạnh dạn hơn của Pháp ở hiệp 2 chỉ giúp người hâm mộ bớt nhàm chán hơn cho cái thế trận một chiều chứ không đủ để mang đến sự kịch tính, hấp dẫn.
Blanc có nói trước trận đấu rằng: “Pháp sẽ không cố “thi” kiểm soát bóng với Tây Ban Nha”. Thực tế thì ngay cả khi có cố gắng, Pháp vẫn chưa đủ tầm để thực hiện công việc ấy bởi họ đâu sở hữu một bộ não như Xavi mà chính huyền thoại xứ lục lăng, Zidane đã phải thừa nhận, hay những chuyên gia cầm bóng như Iniesta, Silva, Fabregas. Blanc đã bố trí M’Vila, Cabaye và đẩy hậu vệ phải Debuchy lên hàng tiền vệ để tạo nên sức chiến đấu, khả năng tranh chấp đối với sơ đồ 4-6-0 của TBN. Cái lý của “Ngài tổng thống” là đúng, chỉ tiếc rằng những cái đầu và đôi chân các cầu thủ Pháp không đạt sự chuẩn mực. Les Bleus phòng ngự bấp bênh, tấn công bế tắc – với lối chơi ấy, thất bại là khó tránh.
Tây Ban Nha tiễn Pháp về nước
Sau trận đấu, tờ sport.fr giật dòng tít: “Fin de l'aventure pour les Bleus” (Kết thúc cuộc phiêu lưu cho Les Bleus). Bài báo phân tích rằng Pháp phòng ngự từ xa quá kém và tất cả những gì đội bóng màu áo lam truyền thống làm được chỉ là một cú đá phạt trực tiếp gây đôi chút khó khăn cho Casillas của tiền vệ Cabaye. Còn tờ sport.es lại thỏa sức bình luận, trong đó có bài đầu trang với cả nghìn chữ nhằm ca ngợi chiến công của Alonso và các đồng đội, vừa giành quyền lọt vào Bán kết vừa phá vỡ lời nguyền chưa từng thắng Pháp tại các giải đấu lớn.
Đã không có một trận thư hùng nảy lửa như kì vọng ban đầu khi mà người Pháp quá yếu đuối (một phần vì lục đục nội bộ). Nhưng điều đó với các CĐV xứ bò tót không quan trọng vì thầy trò Del Bosque đã thắng, đã tiến gần hơn tới kì tích vô địch 3 giải đấu lớn liên tiếp Euro và World Cup, vốn chưa từng diễn ra trong lịch sử.