Hàn Quốc – Nhật Bản: Kỳ phùng địch thủ
(1h45, ngày 11/8) 2 đối thủ quen thuộc sẽ chạm trán nhau trong trận tranh HCĐ Olympic.
Bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc luôn so kè trên từng cấp độ tại châu Á, sự tương tác, đối lập về nhiều mặt quan hệ cũng khiến cho các cuộc đối đầu giữa 2 đội trở nên căng thẳng và hấp dẫn. Còn hơn cả danh dự, trận quyết chiến tới đây sẽ mang về cho người chiến thắng tấm HCĐ, một phần thưởng lớn cho những nỗ lực và những tiến bộ xuyên suốt Olympic. Trước tiên phải ghi nhận, dù không thể lọt vào chung kết nhưng việc góp mặt ở trận tranh hạng ba vẫn là một thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc tại giải năm nay, cho thấy những bước tiến của bóng đá châu Á, đặc biệt là bóng đá trẻ.
Hai nền bóng đá đầu tàu của châu Á đã liên tục hoàn thiện một hệ thống đào tạo bài bản và quy mô, Nhật Bản khiến cả thế giới choáng váng khi đánh bại ƯCV sáng giá Tây Ban Nha trong trận khai mạc, góp một phần rất lớn trong việc loại “Bò tót” ngay khỏi vòng bảng. Không những thế họ còn vững vàng ở ngôi đầu bảng, trước khi đánh bại Ai Cập thuyết phục ở bán kết. Hàn Quốc cũng chẳng hề kém cạnh. Đội bóng xứ kim chi tiến những bước lầm lũi nhưng chắc chắn và cũng đã tạo nên một sự kiện khi hạ chủ nhà Vương quốc Anh trên chấm 11m trong một thế trận vượt trội về mọi mặt và nếu may mắn hơn, trận đấu đã có thể giải quyết trong 90 phút.
Hàn Quốc đầy động lực
Điểm chung của 2 đội để tạo nên những nét riêng biệt là sự kết hợp hài hòa giữa khả năng kỹ thuật của người Nam Mỹ, tính kỷ luật chặt chẽ của người châu Âu trong hình hài bóng đá châu Á. Tính kỷ luật đã tạo nên nền tảng vững chắc, giúp lối chơi phòng ngự phản công của họ thăng hoa và chính xác hơn. Khi cần phải siết chặt đội ngũ họ sẽ là những chiến binh nhưng khi có thể thăng hoa, chất nghệ sỹ cũng không hề thiếu. Chính bản lĩnh đã giúp người Hàn vượt qua được sức ép trên chấm luân lưu tại Wembley, trước sức ép của hàng chục ngàn CĐV chủ nhà. Cũng nhờ thế, Nhật đã gây biết bao khó khăn cho Mexico ở bán kết.
Nhật Bản đã bất bại cả 5 cuộc đối đầu gần nhất với Olympic Hàn Quốc (thắng 3, hòa 2) nhưng cuộc chạm trán tới đây sẽ không thể nói trước điều gì. Các chiến binh Samurai đã tạo được ấn tượng khá mạnh với một đội hình đồng đều, lối chơi có nét, nổi bật là các gương mặt Otsu, Kyitotake, Yamaguchi nhưng đặt lên bàn cân, thì lực lượng trong tay HLV Hong Myung-bo cũng không kém cạnh với những cái tên như Park Chu-young (Arsenal), Koo Ja-cheol (Augsburg) và Ki Sung-yueng (Celtic). Cũng phải nhắc lại rằng cho đến trước trận thua Brazil ở bán kết, đội bóng xứ Kim chi đã bất bại 14 trận liên tiếp.
Nhật Bản đầy khát khao
Nhật Bản chính là đội bóng đầu tiên mang về tấm huy chương Olympic cho châu Á, sau chiến thắng 2-0 trước chủ nhà Mexico ở trận tranh HCĐ tại Thế vận hội 1968. 44 năm đã là một quá khứ quá xa vời, giờ đây sau nhiều đổi khác, khát khao của người Nhật sẽ còn lớn hơn. Phía đối diện, người Hàn Quốc cũng hừng hực khí thế không kém. Nếu chiến thắng, toàn bộ các cầu thủ Hàn Quốc sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự, một động lực quan trọng để các cầu thủ gắng sức chiến đấu.
Đội hình dự kiến:
Hàn Quốc: Lee Beom-Young; Hwang Seok-Ho, Kim Young-Kwon, Kim Chang-Soo, Yun Suk-Young; Ki Sung-Yueng, Nam Tae-Hee, Koo Ja-Cheol, Park Jong-Woo; Park Chu-Young, Ji Dong-Won.
Nhật Bản: Gonda; Tokunaga, Yoshida, Suzuki, Hiroki Sakai; Kiyotake, Ohgihara, Yamaguchi, Higashi; Otsu, Saito.