CLB còng lưng trả lương cầu thủ

Việt Nam là quốc gia duy nhất ngắt quãng lịch thi đấu thành nhiều giai đoạn khiến quỹ lương và kinh phí của các CLB tăng rất nhiều.

Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng - Bùi Xuân Hòa phản ứng gay gắt và chỉ trích nặng VFF lẫn VPF về lịch đấu V-League bị cắt nát vụn để lấy quãng nghỉ cho đội tuyển tập trung là bất hợp lý và ảnh hưởng nặng nề đến các CLB. Ông Hòa nói: “Giải tự dưng bị kéo dài vô lý làm HLV mệt mỏi, cầu thủ ức chế... Khổ nhất là các CLB phải gồng mình trả lương cho cầu thủ mà đặc biệt là ngoại binh trong những khoảng thời gian không thi đấu chỉ để ăn và tập duy trì trong những quãng nghỉ quá dài...”.

CLB còng lưng trả lương cầu thủ - 1

Mùa 2015 các hoạt động giải vô địch quốc gia phải ngưng lại nhiều lần khiến các CLB tăng quỹ lương và kinh phí lên rất nhiều. Ảnh: XUÂN HUY

Và tất nhiên trong các CLB Việt Nam, không chỉ mình ông Hòa lên tiếng sự bất hợp lý đó. Cũng cần biết là lịch đấu V-League năm nay bị cắt khúc như vậy là vì đội tuyển và đội U-23 phải làm nhiệm vụ cho nhiều giải với lịch đấu chồng chéo của FIFA xuống đến AFC và AFF. Tuy nhiên, nhìn sang các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia… thì họ cũng phải tập trung đội tuyển và đội U-23 nhưng lịch đấu giải chuyên nghiệp của họ lại không hề gián đoạn như thế. Với U-23 Thái Lan thì HLV Kiatisak chỉ tập trung vài ngày rồi về CLB đá Thai-League xong lại lên tuyển… HLV Kiatisak lý giải ba trận vòng loại U-23 châu Á chỉ diễn ra trong năm ngày nên ông chỉ mượn cầu thủ của các CLB trong thời gian ngắn rồi trả họ về làm nhiệm vụ. Còn với U-23 Malaysia dự vòng loại châu Á thì thành phần đấy lại là đội trẻ Malaysia dự S-League của Singapore nên chỉ xin LĐBĐ Singapore cho hoãn vài trận. Còn Singapore và Indonesia thì chỉ tập trung ngắn hạn với chủ trương tôn trọng các CLB - nguồn cung cấp cầu thủ cho đội tuyển.

Phân tích trên cho thấy chỉ có Việt Nam là đội Đông Nam Á duy nhất phải nghỉ giải vô địch quốc gia gần hai tháng để đội U-23 tập trung và làm lại gần như toàn bộ phần nền tảng về thể lực.

Đấy cũng là lý do các CLB than trời vì trong thời gian “hưu chiến” đấy CLB vẫn phải oằn mình trả lương cho cầu thủ khiến kinh phí dự giải như SHB Đà Nẵng mùa này đội lên 1,5 so với dự định vì phải trả lương cho cầu thủ nghỉ ngơi chờ vào giải.

Đến đây thì lại phải đặt ra vấn đề là nếu U-23 Việt Nam tập trung theo kiểu lấy nền tảng có sẵn của các CLB rồi tập trung ngắn và đá giải như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore… thì thành tích không thể cao như vừa qua đã đạt. Rõ nhất là ông Miura phải tận dụng quãng thời gian dài tập trung và làm lại phần nền tảng thể lực rồi thi đấu giao hữu liên tục và điều chỉnh… Nó khác hẳn với Kiatisak của Thái Lan cứ chọn quân lên đội tuyển là ráp lại và đá.

Các nhà chuyên môn phân tích rằng do đặc thù của mỗi quốc gia, nếu Việt Nam làm như Thái Lan thì đội U-23 của ông Miura sẽ không thể có thành tích tốt. Việc giải vô địch bị ngắt quãng để tập trung cho đội tuyển, đội U-23 là điều tối kỵ ở nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam lại là điều kiện cần để HLV làm lại phần nền tảng cho những tuyển thủ lên tập trung.

Vấn đề ưu tiên cho đội tuyển này đã va đập với quyền lợi CLB mà chắc chắn rồi đây VFF, VPF và các CLB phải ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Phước (phapluattp.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN