Chuyện “lại quả” trọng tài
Nhiều cầu thủ đến cuối mùa vẫn hay than phiền lãnh đạo là “cắn” bớt tiền thưởng và nói là để “lại quả” cho trọng tài.
Bóng đá Việt Nam xôn xao nghi án một người lạ mặt đã đưa phong bì vài chục triệu đồng cho tổ trọng tài sau một trận đấu mà các giám sát đều nhận xét là trận đấu không tiêu cực, bàn thắng hợp lệ.
Chuyện đấy khi bị làm lớn và bị truy thì không trọng tài nào nhận. Nó cũng giống chuyện đi nộp hồ sơ hay làm các thủ tục hành chính vẫn thường bị hành tới hành lui cho đến khi có… người gợi ý “bỏ phong bì” hoặc qua “cò” thì tất cả đều rốp rẻng, trôi chảy, không hạch sách. Thậm chí là thay vì chục ngày có kết quả nay chỉ còn sáng đưa chiều lấy.
Không ít lần chúng tôi nói chuyện với cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng thì ông không giấu chuyện hay được các đội bóng bỏ tiền vào phong bì, khi thì bỏ quên ở khách sạn sau khi đến thăm, lúc lại đưa thẳng và nói bồi dưỡng… Chuyện đấy ông Hùng nói nó rất thường trong quan hệ giữa đội bóng với trọng tài mà rất nhiều người biết kể cả các giám sát lẫn những quan chức hay ngồi ghế VIP. Bởi vì có bao giờ ai đó chỉ cho trọng tài mà không cho những người chấm điểm cho trọng tài.
Trọng tài Dương Mạnh Hùng từng tiết lộ được nhiều đội bóng đưa "phong bì"
Chính ông Hùng mới đây đã kể trên đài truyền hình là có lần ông được cho phong bì và ông báo cáo với trưởng BTC giải hồi đó là Trần Duy Ly thì ông Ly nói: “Em cứ nhận rồi mang về nộp lại!”. Thế nhưng lúc ông Hùng mang về nộp cho người có trách nhiệm thì người này lại không biết xử lý sao rồi nói: “Hay là em cứ giữ lấy mà dùng!” (!?).
Vừa qua khi báo giới phỏng vấn ông chủ tịch CLB Thanh Hóa là bầu Đệ thì ông này trình bày: “Tôi là chủ tài khoản thì không thể ai đó cho tiền trọng tài mà không thông qua tôi được! Và tôi khẳng định là tài khoản của tôi không mất vài chục hay 100 triệu đồng cho trọng tài như người ta đang thắc mắc…”.
Ông Đệ nói đúng nhưng chưa đủ. Ông Đệ cũng như nhiều lãnh đạo khác, tuy nhiên ông lại quên rằng cấp dưới của ông hay cấp dưới của các ông bầu khác rất cần những trận thắng bởi nó kèm theo là các khoản thưởng tiền tỉ cho một chiến thắng. Chẳng hạn như Hải Phòng từng thưởng đến 10 tỉ đồng cho ba trận cuối quyết định việc trụ hạng.
Và lịch sử các vụ án hối lộ trọng tài như vụ 2005 của Thép Pomina - Đông Á từng cho thấy họ không lấy tiền từ ông chủ mà họ trích ra tiền thưởng để thưởng trọng tài. Mà chuyện thưởng cho cầu thủ theo kiểu phân chia A, B, C thì nhiều người vẫn thắc mắc và hay bị trả lời là còn trừ đi phần giao tế phí.
Chính nhiều cầu thủ đến cuối mùa vẫn hay than phiền lãnh đạo là “cắn” bớt tiền thưởng và nói là để “lại quả” cho trọng tài, hoặc có cầu thủ còn bị mắng lại là “lãnh đạo đá chứ chúng em có đá đâu!”. Một cựu trưởng đoàn bóng đá quả quyết với chúng tôi rằng hầu như đội nào cũng “lại quả” trọng tài khi thắng hết, những năm chưa khủng hoảng kinh tế thì 100 triệu, vài trăm triệu nghĩa lý gì. Bây giờ cũng thế thôi, một đội V-League thắng trận thì “lại quả” cho trọng tài 100 triệu đồng có khi cũng không nhiều.
Bệnh phong bì lâu nay vẫn tràn lan trong xã hội. Thậm chí có người từng kể rằng đi họp để công bố tài trợ học bổng cho các học sinh nghèo có khi chỉ vài chục triệu đồng một em mà người đi họp cũng được phong bì đến vài trăm và đó là chuyện thường ngày.
Nỗi ám ảnh của ông bầu Lê Phước Vũ khi làm bóng đá
Ông bầu Lê Phước Vũ của Tôn Hoa Sen chỉ một năm làm bầu đội Tôn Hoa Sen - Cần Thơ đã giật mình nói rằng môi trường bóng đá nhiều tiêu cực quá và nguy hiểm là ai cũng có thể mua được trọng tài. Chính ông bầu này vì sợ hãi môi trường đấy mà đã rút lui không đầu tư vào bóng đá nữa. Thay vào đó ông tài trợ cho trọng tài với hy vọng họ được cải thiện thu nhập thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo các đội vẫn “săn”, vẫn cho tiền trọng tài để lấy được cảm tình vì còn “gặp nhau hoài”. Cũng chính ông bầu trên khi rời “thương trường” bóng đá rồi ông mới tâm sự rất thật là rất hay được cấp dưới bên bộ phận đội bóng báo lên là đội này, trận kia… đều lo trọng tài và nếu mình cũng lo thì không bị ép. Hoặc có những trọng tài gợi ý trực tiếp để đội “dễ đá”. Tuy nhiên, ông không đồng ý với việc ai cũng làm và mình cũng làm. Đấy là lý do mùa 2005 cơ hội thăng hạng của ông rất lớn nhưng đúng vào những trận quyết định thì đội của ông đều bị “giết” bởi trọng tài. N.NGUYÊN |