Chuyện “không vé” vẫn vào sân: Mối hại từ những “kẽ hở”
Ước tính trong trận chung kết giải U19 Đông Nam Á (ĐNÁ) 2014, sân Mỹ Đình với sức chứa 4 vạn chỗ ngồi đã phải “gồng mình” chịu sức nặng của 5 vạn người. Rất may là đã không có sự cố nào xảy ra…
An ninh “bù nhìn”
Ít giờ trước trận chung kết giữa U19 Việt Nam – U19 Nhật Bản, NTNN đã ghi nhận được hình ảnh hàng trăm người vô tư cười nói chui qua hàng rào sắt đã bị bẻ cong để lọt qua “vòng ngoài” trước ánh mắt thờ ơ của lực lượng an ninh. Cần nhớ là sân Mỹ Đình rất rộng và không biết còn bao nhiêu “khe hở” tương tự như vậy nữa (?!).
Đặt câu hỏi về vấn đề này, ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF chỉ nói ngắn gọn: “Trong tuần tới chúng tôi sẽ họp để rút kinh nghiệm về chuyện này”. Nhưng rút kinh nghiệm ra sao lại là chuyện khác. Thực tế, nhiều người đã chấp nhận chi 200-300 nghìn đồng để nhận được sự “giúp đỡ” từ “tay trong” để qua hàng loạt cửa kiểm soát vào sân.
Điều này, VFF, Ban quản lý Khu Liên hợp thể thao Quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình biết rất trõ từ nhiều năm qua nhưng vẫn làm ngơ! Và nếu chẳng may một góc khán đài sân Mỹ Đình (được xây dựng cách đây hơn chục năm để phục vụ SEA Games 2003) bị sập dẫn đến những thiệt hại khủng khiếp về người, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Sân Mỹ Đình với sức chứa 4 vạn chỗ ngồi đã phải chịu sức nặng từ 5 vạn khán giả trong tối 13.9
Bài học còn nóng hổi là cách đây gần nửa tháng, trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) bị sập khi đang diễn ra giải cầu lông quốc tế Việt Nam mở rộng 2014. Rất may là không có thiệt hại về người.
Mới nhất, sáng 12.9, tường rào xung quanh Trụ sở VFF cũng sập trước sức ép của hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy, yêu cầu VFF phải bán vé trận chung kết. Lại rất may, không có thiệt hại nào về người sau sự cố này!
Đau đầu vì tiêu cực
Đến đây, cần phải nhấn mạnh là bóng đá Việt Nam (BĐVN) đang trong thời kỳ khủng hoảng, rớt xuống tận đáy như chính lời ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch VFF đã nói. Nhờ sự trong sáng, lối chơi tận hiến của đội U19 Việt Nam mà niềm tin người hâm mộ mới bắt đầu trở lại.
Nhưng nếu VFF không làm tốt công tác đấu tranh với tiêu cực từ nhiều phía, thì những nỗ lực nhỏ nhoi của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều… chỉ như muối bỏ biển.
Trong quá khứ, sau vụ tiêu cực SEA Games 2005 gắn với một nhóm cầu thủ U23 tài năng, ông Lê Hùng Dũng khi đó là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính có nói đại ý: Tưởng các cầu thủ khó khăn, cần tiền để ổn định cuộc sống, lo cho gia đình, yên tâm cống hiến cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc nên ông đã cố gắng kiếm nhiều tiền về cho BĐVN.
Nhưng cuối cùng những Văn Quyến, Quốc Vượng… vẫn “lạc đường”. Còn bây giờ, ông Dũng với vai trò Chủ tịch VFF và ông Đoàn Nguyên Đức với tư cách Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF đang rất lạc quan, đặt rất nhiều kỳ vọng, niềm tin về bóng đá sạch, cống hiến với “đốm lửa” đầu tiên mang tên U19.
Nhưng làm được điều đó rồi, BĐVN có thể phát triển bền vững không khi tiêu cực vẫn xuất hiện từ thị trường vé chợ đen, công tác an ninh…? Ông Dũng đã thừa nhận đây là bài toán khiến những người làm bóng đá đau đầu khi nhu cầu của người hâm mộ quá lớn. Nhưng đau đầu đến đâu cũng phải kiên quyết đầu tư tâm sức, sớm tìm ra lời giải, nếu không muốn phải đối mặt với những hệ quả khủng khiếp có thể tới trong tương lai!
Trong một lần trao đổi với báo chí về những tác động tiêu cực tới BĐVN, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45, Bộ Công an) nói: “Tiêu cực không chỉ ở việc cá độ, dàn xếp tỷ số mà còn là bạo lực sân cỏ, mâu thuẫn giữa khán giả với cầu thủ, trọng tài, ban tổ chức sân… Để giải quyết tận gốc tiêu cực, cần nỗ lực đấu tranh đồng bộ từ nhiều phía”. |