Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: Làm thế là "giết" các cháu!
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh từng đi 26 tỉnh, thành tìm nhân tài cho lứa Học viện HAGL - Arsenal JMG vừa thú thật ông lo lắng với việc “người lớn” nhúng tay vào lợi dụng các cầu thủ U-19.
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh bận rộn với việc chuẩn bị cùng Học viện HAGL - Arsenal JMG lên kế hoạch cho lứa U-19 của học viện thi đấu giải U-21 tại Cần Thơ.
Ông cũng tất bật trong việc tham gia kỷ niệm 60 năm ngày thành lập đoàn Thể Công mà thế hệ VĐV đấy ông là một trong những người lớn tuổi nhất, thế nhưng khi nói đến lứa U-19 đang bị “người lớn” lái đi theo chủ đích riêng thì ông bực bội thao thao bất tuyệt…
Hãy để các cầu thủ U-19 phát triển một cách tự nhiên và hãy công bằng với các cầu thủ đàn anh. Ảnh: XUÂN HUY
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: Cá nhân tôi cũng đang thắc mắc vì sao VFF lại đưa ra quyết định cử cầu thủ chơi ở SEA Games 28 - 2015 và đá vòng loại World Cup vội vàng như thế trong khi anh Đức là người chủ trì và chịu trách nhiệm với lứa cầu thủ của học viện đấy lại chưa nói một lời nào.
Nếu xem các đội tuyển như một gia đình thì U-19 là út ít còn đội tuyển là anh cả và Olympic là anh kế, thế mà nỡ nào lại gạt bỏ những nỗ lực của các tuyển thủ và cầu thủ Olympic đi. Họ quyết như thế là không công bằng và không hiểu biết một chút chuyên môn gì trong đấy cả.
* Phóng viên: Ông là người được bầu Đức rất trân trọng và những gì liên quan đến bóng đá ở HAGL ông Đức cũng đều tham khảo, xin ông tư vấn, vậy ông tư vấn cho ông Đức như thế nào về việc này?
HAGL xác định lứa cầu thủ học viện này cần phải đi đúng đường, đúng lộ trình và việc vừa qua các em được thi đấu chỉ là một trong những công đoạn của việc học và hoàn thiện dần. Tôi tin chắc anh Đức nắm điều đấy rõ hơn ai hết. Làm việc lâu với anh Đức tôi hiểu anh ấy rất tôn trọng và lắng nghe những người có chuyên môn trước khi quyết những vấn đề thuộc về chuyên môn.
Tôi chưa nghe anh Đức đề cập gì và phát biểu gì về việc sử dụng đội U-19 ngoài lộ trình đào tạo và phát triển nên tôi tin chắc chắn đấy là quyết định riêng của VFF hay của người đứng đầu VFF chứ không phải là của anh Đức hoặc là đã bàn với anh Đức.
* Tôi rất thú vị với một bài báo đề cập rằng U-19 là một đốm sáng và không ít người đã bấu víu vào đốm sáng đấy để che đi bóng tối của một nền bóng đá đang tồn tại từ việc cầu thủ bán độ đến một giải V-League không ra gì khiến nhiều nhà tài trợ rút lui và nhiều ông bầu bỏ của chạy lấy người. Điều này có liên quan với việc “ôm” U-19 vào khi dư luận đang ca ngợi họ?
Tôi đã từng phát biểu trên báo Pháp Luật TP.HCM rằng tôi rất sợ những người lợi dụng U-19, dùng U-19 làm công cụ để đánh bóng cho chính mình hay để đảm bảo cho cái ghế của mình và thực hiện những ý đồ khác ngoài chuyên môn, ngoài bóng đá. Và bây giờ tôi lại càng thấy điều đấy rõ hơn bao giờ hết.
Cúp NutiFood TP.HCM hồi tháng 1, mới trận đầu thua U-19 AS Roma và được người hâm mộ ca ngợi, lập tức một lãnh đạo VFF tuyên bố ngay là với lứa cầu thủ này chúng ta chỉ chơi với châu Á và sẽ tham dự vòng chung kết World Cup.
Thú thật tôi nghe lời tuyên bố đấy mà tôi xấu hổ vì chúng ta mới chỉ là một học viện tăng cường một số cầu thủ trẻ của các CLB khác trong khi người ta vài chục học viện và cả một kế hoạch vài chục năm mới dám nghĩ đến World Cup.
Mới đây, trước sự ủng hộ của dư luận và người hâm mộ thì cũng chính những nhân vật chủ chốt của VFF lại sẵn sàng bỏ đội tuyển, bỏ đội Olympic để cho cầu thủ U-19 ra trận. Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa là các em U-19 này vẫn còn đang được tích lũy, rèn luyện và những giải đấu giao hữu vừa qua của các em là lấy thi đấu làm tập luyện. Nó hoàn toàn khác hẳn với đội Olympic, đội tuyển quốc gia lấy thi đấu làm nhiệm vụ.
* Nhưng ông có thấy thời gian qua có những thời điểm đội tuyển và đội Olympic đánh mất niềm tin lớn quá và bây giờ ông chủ tịch VFF muốn xóa hết đi để làm lại từ cái mới?
Đổ hết cho đội tuyển và đội Olympic là không công bằng. Hãy nhìn xem đã đầu tư gì cho họ ngoài những lần cứ đặt tiền lên bàn với các mức thưởng lớn. Đấy cũng là một kiểu đánh bóng cá nhân và vô tình làm hư cầu thủ. Đội tuyển và đội Olympic bị mất niềm tin là do công tác quản lý và đầu tư chưa đến nơi đến chốn.
Cứ nhìn vào đội U-19 đi, tiền của doanh nghiệp đầu tư đâu nhiều bằng tiền VFF được FIFA cho và được Nhà nước đổ vào. Cứ nhìn vào hai cái giải mà HAGL và NutiFood họ đứng ra tổ chức đi. Vài chục con người làm cật lực, làm hết mình đâu có đông bằng cả trăm vị và cả bộ máy VFF... Thế nhưng hiệu quả, thu hoạch ra sao thì ai cũng thấy rồi đấy.
Tôi không đồng ý với việc xóa hết bởi ở đó có những yếu tố tích cực nhưng vẫn chưa được khai thác tốt. Hãy chăm sóc cho đội tuyển và đội Olympic tốt để họ làm những nhiệm vụ quốc gia còn các cầu thủ U-19 thì hãy để họ phát triển đúng hướng, đi từng bước và lớn dần qua cọ xát chứ đừng bắt các cháu “cầm súng” ra trận ngay.
* Cá nhân tôi không đồng tình với việc cả nền bóng đá “gói” trong đôi chân các cầu thủ U-19 mà quên đi tất cả việc cần làm mà VFF còn bỏ ngỏ rất nhiều so với chức năng, nhiệm vụ của mình. Phần ông, ông thấy thế nào?
Ai “gói” U-19? Ai dùng U-19 cho những mục đích riêng? Tôi tin đã có câu trả lời rồi. Đó là những người không có chuyên môn và không vì cái chung của một nền bóng đá. Ở đây tôi lại thấy lo cho các cháu U-19 vì vô tình bị “người lớn” bơm lên quá. Các cháu còn đang học mà phải nhận nhiệm vụ thay thế anh cả, anh kế làm những việc lớn lao.
Vô tình các cháu bị đẩy vào thế đối đầu và bị ghét. Chính tôi cũng thường nói với anh Đức là nếu để các cháu lên đá V-League thì phải xác định lên đá để học hỏi các anh chứ không phải lên đá để tranh giành với các anh vì các anh có nhiều kinh nghiệm thực tiễn mà các em cần phải học nhiều.
Tại sao chúng tôi hiểu các cháu và hiểu việc đặt các cháu ở đúng vị trí thì những “người lớn” lại cứ “ôm” lấy và đẩy các cháu lên để thay thế tất cả. Làm thế là “giết” các cháu đấy…
* Xin cảm ơn ông và hy vọng từ chia sẻ của ông lẫn ý kiến của các chuyên gia am hiểu, những người đưa ra quyết định nóng vội sẽ phải suy nghĩ lại để có một kế hoạch hành động đúng đắn chứ không “giết các cháu” như lời ông lo ngại.
* Cựu danh thủ Thể Công Vũ Mạnh Hải: “Sân chơi nào ra sân chơi đó!” Nếu đã xác định để các em tham gia sân chơi SEA Games 28 thì chỉ nên tập trung vào sân chơi này mà thôi. Đừng bắt các em phải tham dự quá nhiều giải. Lứa U-19 hiện nay có được những may mắn hơn các đội tuyển khác là vì các em được sự đào tạo bài bản, rất chuyên nghiệp mà nhiều đội tuyển trước đây, ngay cả U-23 hiện đang dự Asiad không có được. Nhưng hãy để các em phát triển một cách tự nhiên thay vì sớm dùng các em vào chuyện kiếm thành tích, đặt những áp lực không cần thiết lên các em. Hãy tạo điều kiện thật nhiều cho các em được tập huấn với những đại diện của các nền bóng đá giỏi hơn để các em tiến bộ. Cử U-19 tham dự SEA Games 28 và đại diện đội tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup 2018 là chuyện quá nóng vội. VFF nên tổ chức hội thảo và cần có sự tham mưu của các chuyên gia bóng đá. Ở đó các chuyên gia và cả tôi đây nữa sẽ có những đóng góp ý kiến sắc bén, xác đáng. Vừa qua, đội Olympic Việt Nam thắng Olympic Iran một cách oanh liệt, đó là một trận đấu rất xuất sắc của các cầu thủ chúng ta. Nhưng đó có phải là cầu thủ chúng ta hay thật hay chỉ là một trận đấu đột biến như năm 2004 đội tuyển Việt Nam từng thắng đội tuyển Hàn Quốc… * Cựu HLV đội tuyển quốc gia Phan Thanh Hùng: “Thay vội Olympic và đội tuyển là bắt các em U-19 chín ép!” Xương sống của một đội tuyển quốc gia hay đội Olympic có thể lấy từ lực lượng nòng cốt của một CLB nhưng xương sống của một đội tuyển không thể lấy từ một lứa U-19 chưa ra trường và được thẩm định qua những giải giao hữu mà chính HLV của các em cũng xác định là lấy thi đấu để tập luyện, tích lũy… Mô hình hợp tác đào tạo của CLB HAGL với Arsenal là một mô hình thành công, rất ấn tượng. Ở đó các cầu thủ trẻ có được một nền tảng bóng đá cực tốt trong chuyên môn lẫn giáo dục. Đó là lá cờ đầu trong công tác đào tạo trẻ cần được nhân rộng chứ không phải là đã đủ lớn để chơi SEA Games, chơi World Cup thay đội tuyển. SEA Games 28, các em mới ở độ tuổi 19-20 sẽ đá với các cầu thủ U-23. Trong bóng đá trẻ, chênh lệch nhau hai tuổi là có sự khác biệt cực kỳ lớn. Cấu trúc xương của các em có những khác biệt. Nên để các em phát triển tự nhiên, tăng cường cọ xát với những đội bóng đến từ những nền bóng đá cao hơn để các em tiếp tục phát triển thay vì quá sớm đưa các em vào chuyện đi săn thành tích. Vì suy cho cùng các em cũng là những đội bóng trẻ đang học tập mà thôi. Các em không thể là đại diện cho một nền bóng đá, một quốc gia. VFF nên có những chiến dịch dài hơi trong việc hướng dẫn các mô hình cho các CLB phát triển hơn là chỉ định như thế. DUY ÂN (ghi) |