Câu chuyện bóng đá: Bài toán tài chính

Hôm rồi khi nói chuyện với Chủ tịch SHB.ĐN Bùi Xuân Hòa, khi được hỏi về tương lai bóng đá Việt, ông buồn bã chép miệng: “Còn u ám dài dài”.

1. Quan điểm của ông Hòa không hẹn mà gặp với Chủ tịch Nguyễn Minh Sơn của B.BD, ấy là muốn để có được cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp trước tiên phải đảm bảo chuyện tiền bạc. Mà ở Việt Nam bây giờ, đó lại là cái khó kiếm nhất.

Ông Sơn là ông bầu máu me bóng đá. Đã không đầu tư thì thôi, chứ đã “chơi” là phải “tới bến”. Bởi thế B.BD của ông mới có biệt danh “Chelsea VN” vì thói quen chi tiêu bạo tay. Cái cách ông nhìn nhận về những khủng hoảng của BĐVN dạo gần đây cũng khá khác, rất rắn về tiền bạc.

Ông Sơn nêu ý kiến: “Bóng đá chuyên nghiệp trước tiên phải nói chuyện tiền. Ai có tiền thì chơi, không thì nghỉ. Chứ cứ dở dở ương ương, đã không đủ sức còn ráng chơi để rồi cứ phập phù thế này thì làm sao được. Tôi nghĩ VFF và PVF cần phải có phương án nào thích hợp để ràng buộc tài chính những CLB dự giải. Chẳng hạn, trước khi đá phải nộp đủ một khoản “đặt cọc” khoảng 5 tỷ đồng. Tiền này muốn đụng vào phải thông qua BTC và VFF và không được rút trong giai đoạn 1. Chỉ đến giai đoạn 2 mới được đem ra sử dụng. Có thế, nguy cơ có đội bỏ giải vì hết tiền mới bớt đi được. Ai không chịu thì nghỉ. Có chi 5 tỷ đồng đặt cọc để giai đoạn 2 sử dụng mà cũng không nổi thì còn đòi chuyên nghiệp gì?”.

Câu chuyện bóng đá: Bài toán tài chính - 1

Muốn để có được cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp trước tiên phải đảm bảo chuyện tiền bạc Ảnh: DƯ HẢI

Ý kiến của ông Sơn là khá hợp lý bởi khoản tiền vài tỷ chỉ được sử dụng ở giai đoạn 2 sẽ là khoản đặt cọc bảo hiểm. Ai rút khỏi giải sẽ bị phạt chừng ấy tiền. Bản thân các đội bóng khi đặt cọc cũng sẽ đem lại cho BTC giải sự yên tâm rằng đến lượt về họ sẽ có ít nhất là chừng ấy tiền để xài, chứ không phải lâm vào cảnh thoi thóp cầm hơi rồi phải đi vay mượn tiền như K.KG. Đấy là chưa kể nó sẽ tạo cho BTC cái thế vững chắc. Các đội bóng dù có láo nháo cỡ nào cũng phải suy tính kỹ càng, không được làm loạn bởi nếu bỏ giải sẽ mất trắng số tiền ấy. Nếu giải pháp này được đưa vào áp dụng sớm, chưa chắc XTSG dám “phủi mông quay đi” nhẹ nhàng như vậy.

2. Nhưng trên quan điểm của mình, Chủ tịch SHB.ĐN lại có ý kiến khác. Ông Hòa chia sẻ: “Cái cách của anh Sơn nghe thì hay nhưng e là khó đưa vào thực tế bởi nó vướng rất nhiều vấn đề thượng tầng kinh tế. Nói chi đâu to tát, nội việc tiền đóng để dự giải các năm trước của Hải Phòng, Ninh Bình họ có thực hiện đâu. Đòi mãi không được cuối cùng phải bỏ thôi, ai làm được gì họ? Ai cũng biết muốn kiểm soát tốt thì phải đánh vào túi tiền. Cứ gắn trách nhiệm với tiền là mọi thứ vào trật tự ngay. Nhưng tiền ở đâu mà gắn? Rồi chưa kể việc không phải ông bầu nào cũng đến với bóng đá thực sự vì bóng đá”.

Ông Hòa đặt ra khả năng nếu XTSG không bỏ giải, việc K.KG có thể không đá 4 trận cuối là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi làm thế họ sẽ tiết kiệm cả nửa tỷ đồng. Với đội bóng nợ ngập đầu như họ, đằng nào cũng rớt hạng, việc giảm phát sinh khoản tiền đó có ý nghĩa rất lớn. Trong cơn túng quẫn, nhất là khi khả năng sang năm giải tán cứ lơ lửng, K.KG nếu có làm thế cũng không phải là điều bất ngờ.

Cũng theo ông Hòa, khả năng sang mùa bóng sau có một số đội bóng được doanh nghiệp trả về tỉnh là có thật. Đi xa hơn, việc tỉnh cảm thấy không kham nổi xin được trả xuống hạng Nhì, hạng Ba cũng rất dễ xảy ra. Việc XTSG từng rục rịch xin về Ninh Bình rồi nhân dịp “cãi” BTC để bỏ giải là ví dụ. Ngay như SHB.ĐN của ông có mỗi SVĐ mà còn bị tính chuyện đem đi bán thì đủ biết, chưa chắc ổn định được.

3. Ở Việt Nam, chuyện các đội bóng mới lên chơi V.League khí thế ào ào nhưng vào giải thua vài trận lại ì xèo đủ thứ không còn là chuyện hiếm. Như tân binh mùa giải 2014 tới là HV.AG đến giờ này vẫn đang đau đầu chuyện tài chính, rồi cơ sở vật chất. Việc dẹp cái chợ cá tanh rình án ngữ ngay lối vào khán đài A đã được bàn tính mấy năm trời nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Lần này lãnh đạo tỉnh cũng có chỉ đạo xuống phải dẹp nhưng tất cả phải còn đợi. Nó không đơn thuần chỉ là chuyện banh bóng.

Điểm lại Việt Nam bây giờ, nếu có thể gọi là ổn định có lẽ chỉ có vài cái tên. B.BD với nguồn thu ổn định từ hàng trăm biển quảng cáo dọc theo quốc lộ cùng bầu sữa từ tập đoàn Becamex thuộc diện tỉnh không phải lo lắng nhiều. HN T&T và SHB. ĐN có thể an tâm với trách nhiệm và nhiệt huyết của ông bầu. V.HP có thực lực tài chính, sự chống lưng của lãnh đạo thành phố cùng trách nhiệm với hàng trăm ngàn CĐV cực kỳ cuồng nhiệt cũng có thể được tính đến. HA.GL của bầu Đức được xem là có cách làm căn cơ hết có thể là đáng tin nhất. Chấm hết!

QNK.QN tuy cũng là người một nhà bầu Hiển nhưng nhìn việc tiền bạc om sòm gần đây cho thấy họ vẫn còn mông lung lắm. HV.AG, V.NB, SLNA, Đồng Nai và ngay cả cựu đại gia ĐT.LA đều không ai dám chắc tương lai của mình. Thanh Hóa đang tưng bừng với cách làm nhiều doanh nghiệp chung tay mỗi người góp một miếng bánh nhỏ. Nhưng không ai bảo đảm nếu lỡ một vài mùa CLB không gặt được thành tích như mong đợi, sự nhiệt tình ấy có kéo dài được hay không.

Sự lên xuống của bóng đá sẽ phụ thuộc hoàn toàn nền kinh tế nước nhà. Ngày nào các đội bóng còn phụ thuộc đam mê của chỉ một vài cá nhân, ngày ấy vẫn chưa ổn định được, nhất là khi thương hiệu trong bóng đá đã chẳng còn được cao lắm. Việc cổ phần hóa đội bóng, với các CĐV sẽ là cổ đông cùng khoảng 3-4 cổ đông chính là các doanh nhân từng được xem là giải pháp căn cơ nhưng vẫn chưa được nhắc. Xét ra, sẽ còn phải thở dài nhiều khi nhìn về thực trạng bóng đá nước nhà rồi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiểu Bảo (thethaohcm.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN