Bóng rổ, bóng đá và cúp vô địch
Chủ tịch VFF hai nhiệm kỳ V và VI Nguyễn Trọng Hỷ mới từ nhiệm đúng vào lúc dầu sôi lửa bỏng nhưng nói như người hiểu việc thì lại bảo ông Hỷ nghỉ thế là đúng lúc.
Thực chất thì ông Hỷ vẫn bay ra bay vào và vẫn còn “phong độ” khi dự các lễ hội. Ông cũng còn rất mạnh mẽ với nhiều chữ ký trọng lượng liên quan đến bóng đá Việt Nam và cả chuyện nhân sự trong ngôi nhà bóng đá. Trước khi từ nhiệm, ông còn điểm qua danh sách giám sát mùa bóng 2014 và kiên quyết “loại” cái tên Đoàn Phú Tấn mà ông rất “dị ứng”. May là thường trực kiên quyết đưa vào bởi người như ông Tấn bây giờ kiếm không dễ.
Nói vui như nhiều người thì so với Chủ tịch FIFA Blatter, ông chủ tịch VFF vẫn còn “cứng cáp” hơn rất nhiều.
Tám năm trước, khi ông Hỷ lên làm chủ tịch VFF, nhiều người không đồng tình bởi ông là dân chuyên sâu bóng rổ mà điều hành bóng đá thì rất khó coi. Thế nhưng cấp dưới của ông lúc đó lại nói ông làm được bởi thời điểm đó người ta chỉ cần một ông chủ tịch là người của Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT) đứng ra nhận việc. Còn phần điều hành thì để các cấp dưới của ông chạy từ vòng trong ra vòng ngoài.
Ông Hỷ (phải) từ nhiệm và ông Lê Hùng Dũng (trái) nhậm chức quyền chủ tịch VFF. Ảnh: QUANG THẮNG
Nhiệm kỳ V, ông Hỷ làm chủ tịch nói như nhiều người là ông kiêm luôn “bà đỡ” ở Ủy ban TDTT và làm việc đó nhiều hơn banh bóng. Phần tài chính và điều hành thì có cặp Lê Hùng Dũng - Trần Quốc Tuấn và những người cùng êkíp gánh tất. Tiền thì ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đứng mũi chịu sào khi có một chân chính ở SJC và một chân trụ ở Eximbank lo hầu hết tài chính của VFF. Phần quan hệ quốc tế thì đã có cựu Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn được cài cắm vào đến tận bộ sậu Thường trực AFC và cả ủy viên FIFA phụ trách Futsal. Vì thế mà khi ông Tuấn từ chức sau vụ bóng đá thất bại ở SEA Games 26, dù có tổng thư ký mời nhưng phần bàn giao chính thì ông Tuấn vẫn nắm cả hai tay.
Bây giờ nhắc đến vai trò của ông Dũng thì nhiều người còn chắc chắn rằng ngay cả việc ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tồn tại thêm một nhiệm kỳ (từ V sang VI) và nhiều thành viên khác nữa ở bộ máy VFF cũng là một tay ông Dũng quyết tất và tính tất. Nói như dân trong nghề thì ai nắm hầu bao người đó có quyền lực. Vì thế mà ông Hỷ hai nhiệm kỳ qua làm chủ tịch VFF nhưng người mà ông Hỷ hay nghe và hay “xin ý kiến” lại là ông Lê Hùng Dũng.
Việc ông Hỷ rút lui vì lý do sức khỏe chỉ là một cách nói nhưng nhìn vào ai cũng hiểu đây là bài bản chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới mà người thì cần đường băng để cất cánh và người thì cần chọn bãi đáp để hạ cánh an toàn vào vùng “đất tốt”. Mà nhìn quanh VFF từ cơ sở vật chất đến các chức vụ còn để trống thì vẫn còn nhiều chỗ không nhất thiết phải là thành viên của ban chấp hành mới đậu vào.
Vì thế mà chiều qua trong cuộc họp Ban chấp hành, khi ông Hỷ từ nhiệm cũng là lúc ông bị chọc là “hạ cánh an toàn” theo cả hai nghĩa.
Ông Hỷ nghỉ thời điểm này tức ông có thể xoa tay mà không bận tâm nhiều đến U-23 đang chuẩn bị vào cuộc chơi ở SEA Games lành ít dữ nhiều.
Ông Hỷ nghỉ thời điểm này tức ông cũng chính thức trao phần chuẩn bị Đại hội VII cho những người khác và sẽ bớt phải “đối đầu” lẫn “đối phó” với những thế lực bên ngoài VFF mà ông hay bị gọi lên làm việc.
Hai nhiệm kỳ qua ai nói ông Hỷ là dân bóng rổ nhưng đúng là chỉ đời ông làm chủ tịch VFF bóng đá Việt Nam mới có cúp vàng AFF.
Bây giờ thì ông Hỷ có thể ung dung xem đá bóng mà không sợ bị réo tên hay chất vấn, còn người thừa nhiệm ông thì ngẫu nhiên được mở ra một đường băng để cất cánh cho cuộc đua tại nhiệm kỳ VII.
Nói như dân bóng đá là cầu thủ không mệt nhưng thay người phút chót thì bao giờ cũng là thay người chiến thuật.