Bóng đá phải xem như hàng hóa
Từ thế kỷ trước, thế giới đã xem bóng đá như là hàng hóa. Nhưng hiểu đúng về nó và thực hiện, vận hành thế nào cho hiệu quả thì lại không đơn giản chút nào.
Bóng đá Việt Nam chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ VII sau 12 mùa chuyên nghiệp nhưng hiện vẫn còn rất nhiều người làm bóng đá hiểu chưa đúng về bóng đá chuyên nghiệp. Một khi chưa hiểu đúng thì không thể nào đi đúng, làm đúng. Đó là lý do khiến bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cứ mãi loay hoay, đi mãi mà vẫn chưa thành đường.
Hàng hóa là cái gì đó có thể bán được. Trong bóng đá, có lẽ cái người ta bán đầu tiên là vé vào sân. Sau rồi bán những dịch vụ kèm theo trận đấu như quảng cáo trên sân, như đồ ăn thức uống trên các khán đài, như quà lưu niệm dành cho người hâm mộ...
Muốn bán được phải quan tâm đến chất lượng
Cầu thủ cũng trở thành hàng hóa, một mặt hàng ngày càng nhiều giá trị. Cái phần trống trên ngực áo, thậm chí sau lưng áo cũng có thể bán. Tên sân vận động cũng được đem bán. Tên một giải đấu cũng được bán. Đặc biệt hơn cả là bản quyền truyền hình, giá tăng không ngừng và cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Kể ra thì rất nhiều nhưng tựu trung lại thì có mấy nội dung chính: chất lượng cầu thủ, chất lượng trận đấu và chất lượng của thương hiệu CLB.
Nói tới chất lượng hàng hóa là nói tới quy trình sản xuất. Hiện nay, hàng hóa bóng đá được sản xuất ra theo quy mô công nghiệp và ứng dụng rất nhiều công nghệ cao. Không phải chỉ là một vài đội bóng trẻ mà đâu đâu cũng thấy các trung tâm huấn luyện rộng lớn, quy mô, với những triết lý bóng đá đặc thù, với trang bị hiện đại, hệ thống tuyển chọn rộng lớn và những HLV dày kinh nghiệm.
Tất cả hoạt động của bóng đá đều là hàng hóa, từ bán áo đến bán biển quảng cáo trên sân
Chúng ta cũng đã nghe nói đến “lò” La Masia, phòng thí nghiệm ở Milan, “chuồng cọp” ở Dortmund... Chúng ta thường đọc thấy trên màn hình những thông số về mỗi cầu thủ trong từng trận đấu. Con người trở nên “trong suốt”, được định lượng trên tất cả khía cạnh: thể lực, kỹ thuật, chiến thuật. Các phương pháp huấn luyện được cải tiến, đổi thay dựa trên những thông số đó. Cả huấn luyện thể lực lẫn huấn luyện kỹ - chiến thuật cũng thế. Cầu thủ có thể chạy 12 km trong một trận đấu, tốc độ nước rút có thể lên tới 36 km/giờ, cả trăm đường chuyền trong một khoảng thời gian không nhiều… Đấy là chưa kể chuyện dinh dưỡng, chuyện hồi phục, chuyện chấn thương, chuyện tâm lý... Quay quanh cầu thủ, quay quanh trận đấu là cả một bộ máy khổng lồ mang tính công nghiệp và khả năng công nghệ. Những người làm bóng đá trở nên những nhà sản xuất mới, thực sự hiện đại, bên cạnh nhiệt huyết và kinh nghiệm vốn có.
Nhưng muốn có quy mô công nghiệp và trình độ công nghệ tiên tiến thì phải có… tiền. Ở đây xuất hiện những nhà đầu tư, những nhà tài trợ. Một CLB có nhiều nhà tài trợ, có nhiều nhà đầu tư. CLB bóng đá trở thành một công ty cổ phần và nhà đầu tư góp vốn vào công ty đó trong tư cách cổ đông. Nhà tài trợ là người mua tên sân vận động, mua tên trên ngực áo, mua tên trung tâm huấn luyện, mua tên giải đấu, trang bị quần áo, giày thi đấu... Tất cả đều theo luật pháp rõ ràng và đều là thuận mua vừa bán, không ai xin ai, không ai cho ai. Mỗi bên đều bình đẳng, có trách nhiệm và quyền lợi ghi rõ trong hợp đồng. Muốn phá vỡ hợp đồng là phải có điều kiện, có xét xử chứ không thể tùy hứng, tùy quyền.
Kinh doanh bóng đá
Giả sử chúng ta có hàng hóa tốt (tức bóng đá sản xuất ra những cầu thủ giỏi, những trận đấu hay, những sân bóng hấp dẫn khán giả...) thì không hẳn chúng ta đã bán được giá cao. Và ở đây, bán hàng là một nghề. Anh phải xác định hàng sẽ bán cho ai và bán bằng cách nào…
Trong lĩnh vực rối rắm đó nổi lên một “nhân vật trung tâm” là khán giả (bao gồm cả khán giả đến sân và khán giả xem truyền hình). Khán giả càng đông thì bán càng được giá. Muốn vậy, không chỉ đá hay mà phải biết truyền cái cảm hứng bóng đá ấy đến cho mọi người, phải làm quảng cáo, phải tuyên truyền và nói như bây giờ là phải PR thật tốt. Rồi khán giả phải được chăm sóc như chăm sóc khách hàng. Đấy là nói cho đơn giản chứ nếu tìm hiểu sâu về bản quyền truyền hình thì sẽ nhức đầu vì các mối quan hệ, các chiến lược chăm sóc. Chuyện mua bán cầu thủ bây giờ cũng đã trở thành một nghề, một nghệ thuật…
Bóng đá Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ
Nói gọn lại, trong bóng đá bây giờ, ngoài nhà sản xuất, nhà đầu tư hay tài trợ, còn có những nhà kinh doanh. Không nên nhầm lẫn về khái niệm, vai trò, vị trí của họ. Làm thì rất khó nhưng chỉ làm đúng hướng thì mới tạo ra môi trường để xuất hiện những con người đúng vị trí. Chứ cứ muốn làm nhanh, cứ muốn vượt lên khi không đủ sức thì chỉ còn một cách là lầm lạc và trả giá mà thôi. Nói gì thì nói, vai trò trung tâm vẫn thuộc về sản xuất, về những người làm ra bóng đá. Hãy tập trung vào lực lượng này, giúp đỡ và tạo điều kiện cho họ chứ không nên lãng quên. Quan trọng hơn, chính những nhà sản xuất bóng đá phải nhận ra sứ mệnh của mình, phải tin vào chính mình. Cứ nhìn vào các nền bóng đá trên thế giới sẽ thấy cái vinh quang tột cùng của HLV và cầu thủ.
Tất cả khía cạnh đó được thực hiện trong một xã hội cụ thể, một không gian văn hóa cụ thể, một thể chế chính trị và kinh tế cụ thể. Bóng đá phải hòa được nhịp bước trong tổ chức xã hội và trong nền văn hóa mà nó tồn tại. Nghĩa là bóng đá cần những nhà hoạt động xã hội, cần những chính khách. Sự cần thiết này càng được nhấn mạnh hơn vì bóng đá có một tầm ảnh hưởng xã hội cực kỳ to lớn. FIFA không muốn ai can thiệp vào hoạt động của mình chính vì muốn giữ vị trí độc tôn với tầm ảnh hưởng đó.
Tất cả những đặc trưng nói trên thể hiện rất rõ trong toàn bộ hoạt động bóng đá, trong toàn bộ cấu trúc bóng đá, từ tổ chức, tài chính cho tới nhân sự. Trong đó việc xây dựng các CLB có vai trò cốt lõi và triển khai nền bóng đá trẻ phải được xem ở vị trí nền tảng.
Bóng đá không thể tách rời đặc thù xã hội
Tại sao châu Phi và châu Mỹ Latin có rất nhiều tài năng bóng đá nhưng họ chỉ thành danh khi sang thi đấu ở châu Âu? Tại sao Nhật, Hàn Quốc rất thành công, trong khi Trung Quốc thì vẫn kém cỏi dù đã bỏ ra rất nhiều tiền? Tại sao Bundesliga không chấp nhận những ông chủ nắm quá 51% cổ phần, nghĩa là không một nhà đầu tư nào có quyền tự mình ra một quyết định, trong khi bóng đá Anh lại có những ông chủ dầu mỏ, ông chủ đôla, ông chủ đồng bảng Anh hay những ông hoàng Ả Rập?... Bởi vì các nền bóng đá đều gắn với những nét đặc thù xã hội khác nhau, mỗi xã hội lại có những ràng buộc về nhận thức, về thể chế, con người... Tất cả đều quy về tính xã hội của bóng đá, vì chẳng có một hoạt động hàng hóa nào có thể ly khai, tách ra khỏi xã hội. Đặc thù xã hội, hướng đích xã hội là một đặc trưng rất quan trọng khi làm kinh tế bóng đá. |