BĐ nữ: Nhiều cúp nguội & 1 giấc mơ nóng
Cơ hội tham dự vòng chung kết World Cup 2015 mở ra cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã làm thay đổi phần nào suy nghĩ của những nhà làm bóng đá. Dẫu biết rằng kỳ tích của các cô gái vàng rất lớn, nhưng dường như họ đã quá quen với cảnh bất công lẫn đầu tư hời hợt…
Trong khi bóng đá nam chờ hoài một chiếc huy chương vàng SEA Games vẫn không thành thì bóng đá nữ từ 2001 đã lên ngôi cao nhất và đến nay họ đã mang về biết bao bộ huy chương vàng SEA Games, cùng cúp vàng AFF. Nói đến bóng đá nữ khu vực bây giờ thế giới phải nhớ ngay đến các cô gái vàng Việt Nam. Những cô gái với đôi chân nóng và trái tim quả cảm luôn đứng vững qua biết bao thế hệ và giữ được lửa, cho dù thường xuyên đón nhận sự lạnh nhạt và “phân cấp” trong đối xử. Bây giờ các cô gái vàng Việt Nam lại đứng trước một vận hội lớn: Đưa bóng đá Việt Nam tham dự World Cup – sân chơi lớn thế giới.
* Nhớ về chuyến xe bít bùng và lần đầu xuất ngoại
Đội nữ Việt Nam từng ba lần vô địch SEA Games nhưng có ai biết lứa đàn chị từng phải đá bóng bất hợp pháp vì lệnh cấm của lãnh đạo ngành thể thao thời những năm 1980.
Hồi đấy bóng đá nữ Việt Nam chưa phát triển, nhưng ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM, ông Hoàng Vĩnh Giang (cựu Giám đốc Sở TDTT Hà Nội) và ông Trần Thanh Ngữ (còn gọi là Tư Ngữ - Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, TP.HCM) vẫn âm thầm nuôi “gà” bằng cách gom những chị em mê đá bóng lại để tập hợp thành đội.
Hà Nội có Giám đốc Sở bật đèn xanh nên thuận lợi hơn trong khi TP.HCM thì ông Tư Ngữ làm bóng đá nữ cứ phải giấu cấp trên Lê Bửu (khi ấy là Giám đốc Sở TDTT TP.HCM). Ông Bửu ghét cay ghét đắng bóng đá nữ bởi có lần ông từng chứng kiến cầu thủ nữ mà hút thuốc, biến thái giới tính, dù đó chỉ là số ít. Có lần trong cuộc họp giao ban Sở ông gằn giọng với cấp dưới Tư Ngữ “Tôi nói không làm bóng đá nữ là không!”.
Nhưng ông Tư Ngữ vốn là người có những tư tưởng ngoài luồng và “độc” trong đó cái gì khó nhưng có khả năng phát triển là ông chơi. Bằng chứng là các môn như Aerobic, thể dục nhịp điệu, xe đạp nữ… ông đều đầu tư và đều thắng lớn. Còn bóng đá nữ thì ông bắt tay với ông Hoàng Vĩnh Giang và thỏa thuận: “Tôi với anh, hai thằng làm ở hai đầu chấp nhận thương đau, chấp nhận bị mắng mỏ cho đến lúc cấp trên thay đổi quan niệm cho bóng đá nữ thành lập thì mình ghép lại làm thành đội tuyển”.
Và đội tuyển nữ Hà Nội thì đá công khai, còn đội tuyển nữ TP.HCM cứ tập và đá trong “bóng tối”.
Có lần xuống tỉnh đá bóng ông Tư Ngữ phải thiết kế một xe tải phủ bạt che bít bùng rồi đi ngang sân Tào Đàn “hốt quân” xong trực chỉ hướng miền Tây thi đấu với các đội nam. Nào ngờ tin ấy được “mật báo” thế là ông Lê Bửu đang ngồi ở Sở TDTT liền phóng Vespa đuổi theo “hốt trọn ổ” sau khi dừng xe tải và vén bạt lên điểm mặt.
Cứ thế cho đến năm 1996, khi ông Bửu đã về hưu và các lãnh đạo kế nhiệm thoáng hơn với bóng đá nữ thì đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu được thành lập. Gọi là đội tuyển nhưng thực chất là cầu thủ Hà Nội và TP.HCM ghép lại. Cũng năm đấy lần đầu họ xuất ngoại đá giải quốc tế tại Malaysia và mang về chiếc cúp vàng sau chiến thắng thuyết phục Myanmar trên sân Merdeka.
Trang sử vàng của bóng đá nữ Việt Nam mở ra từ đó nhưng có ai ngờ giải đấu đấy các chị em thi đấu thật khổ sở với cảnh ở ghép 5-6 người một phòng, còn chuyện xin kinh phí thì chạy vạy đủ đường.
Giấc mơ lớn có làm “đổi đời” những bóng hồng?
* Giấc mơ lớn có làm “đổi đời” những bóng hồng?
Trong khi bóng đá nam vẫn mơ hoài một “giấc mơ con” thì các chị em giờ đã nghĩ đến “giấc mơ lớn” tham dự vòng chung kết World Cup cùng các cường quốc bóng đá thế giới.
Giấc mơ lớn đấy bắt đầu mở ra từ chiếc cúp vô địch AFF Cup mới gặt hái được trong nước mắt cùng sự đầu tư hời hợt.
Rất nhiều người xót xa khi nhìn chị em hạnh phúc bên chiếc cúp vàng AFF 2012 sau chiến thắng gian khổ trước Myanmar ở loạt luân lưu định mệnh. Chính các chị em đã nhắc nhở các cầu thủ nam về tinh thần chiến đấu và sự khổ luyện mà không cần phải chờ đợi những chế độ đãi ngộ tương xứng.
Một bài toán nhỏ làm nhiều người tổn thương nhưng với các chị em thì có khi chỉ cúp vàng, huy chương với nụ cười là đủ để hạnh phúc và để nuôi những khát vọng lớn được rồi. Phần thưởng 500 triệu đồng của các chị cho chiếc cúp vô địch AFF vừa gặt hái được so với bóng đá nam từng nhận được 10 tỷ cho chiếc cúp vô địch AFF bốn năm trước rõ ràng là một sự chênh lệch quá lớn nhưng hình như các chị em vẫn không bận tâm. Họ đã quen với cảnh khổ cực từ khi chọn bóng đá làm nghề và vẫn vui vẫn khổ luyện với cái giải vô địch một năm vài trận và heo hút cảnh các quan đến thăm, đến động viên.
Không biết vận hội dự World Cup với bóng đá nữ Việt Nam có thực sự giúp cho các chị đổi đời hay không, nhưng rõ ràng là mới đây đã có những tín hiệu vui. Họ, các cô gái đá bóng lên đội tuyển đã bắt đầu được những nhà làm bóng đá nghĩ đến chuyện trả lương và lo lắng chế độ. Dù cũng chẳng thấm bao nhiêu so với bóng đá nam nhưng đó là sự thay đổi rất lớn trước vận hội “Ngàn năm có một” theo như cách nói của ông Chủ tịch VFF.
Nghĩ đến đây lại nhớ những thế hệ đi trước như Lưu Ngọc Mai, như Mỹ Oanh, Thúy Nga, Hiền Lương, Văn Thị Thanh, Kim Chi… Những người đã đổ máu cho những chiếc HCV và cúp vàng khu vực, nhưng đến tuổi lại băn khoăn với chuyện chồng con, với một mái ấm mà sau lưng là cả một khoảng trống mênh mông. Viết đến đây lại nhớ đến câu chuyện mà nữ tuyển thủ Văn Thị Thanh ngày nào tâm sự khi chuẩn bị treo giày: “Đá bóng suốt chẳng giúp được gì cho gia đình, em ao ước Việt Nam mình cứ vô địch hoài và em còn sức để đá chính mà có chút tiền thưởng còm sửa lại cái nhà ọp ẹp cho cha mẹ…”.
Giữa cảnh các cầu thủ nam vi vu ô tô đời mới và dư tiền lao vào những cuộc vui thâu đêm, thác loạn và các cô gái căm cụi bên sân bóng với một tương lại bất định khi nghĩ đến lúc treo giày lại thương cho hai số phận gắn với một nghiệp đá bóng…
Mong là các chị em không còn tổn thương khi huy chương và cúp vàng đã nguội.
Mong là giấc mơ lớn sẽ giúp các chị em đổi đời thực sự chứ không phải hết mơ rồi lại quay về hoàn cảnh cũ…